Người đánh rơi - Truyện ngắn của Nguyễn Lê Vân Khánh

27/03/2016 05:09 GMT+7

- Tớ không thích những ngón chân của tớ. - Tại sao? - M. ngắt lời tôi, như một cách phản đối ngay lập tức. Lon bia bên cạnh nàng tỏa ra thứ không khí mát lạnh. Gió từ cổng chính thổi sâu vào bên trong khu nhà...

Minh họa: Văn NguyễnMinh họa: Văn Nguyễn
- Tớ không thích những ngón chân của tớ.
- Tại sao? - M. ngắt lời tôi, như một cách phản đối ngay lập tức. Lon bia bên cạnh nàng tỏa ra thứ không khí mát lạnh. Gió từ cổng chính thổi sâu vào bên trong khu nhà. M. mặc quần jeans dài, trông không giống như đang ngồi trong một đêm mùa hè dịu mát. Lúc bấy giờ đã là 11 giờ đêm.
- Thì rõ ràng là chúng rất xấu. Trông như chân đàn ông vậy, từ ngón chân cho tới bàn chân. Cả lòng bàn chân cũng hõm sâu nữa chứ.
- Như vậy cậu đi sẽ để lại dấu chân rất mỏng, tớ thích thế!
M. cười khúc khích. Vừa lúc một người đàn ông ngang qua chỗ chúng tôi ngồi. Ông ta vận chiếc sơ mi màu cánh gián, trông như lẫn vào màn đêm. Măng séc đính ở cổ tay lấp lánh điệu đà, thứ ánh sáng nhỏ nhoi và nhạt tẻ buồn phiền khiến khối không khí đột ngột chùng xuống một chút.
- Tớ có lẽ thích ánh sáng, nhưng phải là thứ ánh sáng thật sáng và lấp lánh, như kiểu đèn chùm vậy!
M. cũng đã nhìn thấy chiếc măng séc lấp lánh của người đàn ông đi ngang lúc nãy, thành ra nàng dùng chữ "nhưng" trong một câu nói kéo dài. Tôi biết nàng thích những gì thật rực rỡ, nhưng rõ ràng ở cuối câu nói, hơi thở kéo thành một cơn gió mùa hè hư hao, vừa đâu đấy, nhưng phút chốc đã biến mất tựa như rơi vào sâu bên trong chiếc đáy của thung lũng rộng lớn và quá buồn.
Tôi rít một hơi thuốc, nghe thấy chút gì ấm áp lồng lên não. Tôi tựa người vào mảng tường sau lưng, trong khi M. vẫn ngồi trên bậc thềm cũ. Lưng nàng hơi cong ở góc vai, có lẽ đã mỏi vì không có điểm tựa.
- Tớ đã nghĩ mình sẽ về quê, nhưng cuối cùng đã ở lại đây hơn 5 năm so với cái dự định ấy rồi. Đã này, đã kia. Người ta dự định chẳng để làm gì hết, ngoài việc biết mình không làm được điều mình muốn.
- Cậu chắc không? - Tôi hỏi, trong khi M. rít một hơi thuốc. Hướng M. ngồi bị ngược sáng, tôi không thấy rõ gương dạng nàng, nhưng khói thuốc bay lên lại hiển hiện một cách rõ rệt dưới ánh sáng vàng mờ.
Lúc này gió mát đến nỗi có lẽ ngồi thêm chốc nữa tôi sẽ cảm thấy lạnh. Trước khi ra khỏi nhà, tôi chỉ vận chiếc áo cánh mỏng và quần soọc màu. Không áo ngực và không áo khoác, nhẹ nhàng cho dễ loay hoay ở kệ bếp. Tôi dự định sẽ nấu món gì đó cho buổi tối. Món mì Ý với xốt cà chua và xà lách xanh non tôi tìm thấy trong ngăn mát tủ lạnh. Đúng lúc tôi đang nấu dở thì M. tới, nàng muốn chúng tôi xuống sân chơi khu chung cư.
- Tớ không muốn ăn gì vào lúc này, tớ muốn uống một chút.
Sau đó chúng tôi đi đến quầy tạp hóa cách nhà không xa. Chỉ cần đi vòng qua đầu hồi cầu thang, bọc ra cổng sau khu chung cư và băng qua con đường. Tiệm tạp hóa sáng choang, cô độc giữa con đường nhỏ, tối và thưa thớt nhà cửa.
M. mở tủ lạnh, nàng lấy rất nhiều bia trong khi tôi tự hỏi chúng tôi làm cách nào để uống hết được ngần ấy. Tôi lấy thêm một ít bánh, loại khá đắt tiền mà tụi trẻ con hay ăn. Khi còn bé tôi cũng thường để dành tiền, cố mua lấy cảm giác tất cả những đứa trẻ trong khu phố đều giống nhau: rằng cả tôi, cả những đứa trẻ nhà giàu, đều ăn cùng một loại bánh.
Chúng tôi mang túi ni lông bia lạnh trở lại khuôn viên chung cư rồi chọn chỗ ngồi ở phía hàng hiên có gió luồn.
- Gió mát quá, thích chết đi mất!
M. đã reo lên như vậy lúc gần tới chỗ hàng hiên. Nàng xách túi bia lạnh bằng cả hai tay, khệ nệ và nâng niu như thể một con nhóc đang cố bê mớ đồ chơi của nó. Cảnh trí đó làm tôi buồn cười quá sức, nhưng mà rồi tôi không cười ra thành tiếng. Tiếng cười vừa ở đâu đó, ngang tới cổ bỗng trở thành cảm giác nghẹn ngào không rõ nguồn cơn.
M. muốn trở về phố núi. Từ lần đầu tiên tôi gặp nàng ở quán bar, M. đã nói ngay ước muốn của mình với một người xa lạ như tôi.
Tôi quen M. trong một dịp tình cờ. Từ ba năm trở lại đây, tôi tham gia một khóa học nâng cao về kỹ năng nghề nghiệp vào mỗi tối cuối tuần. Vào các ngày trong tuần, vài người bạn ở lớp thường tập trung học nhóm ở thư viện. Tôi tham gia hầu như các buổi học nhóm khoảng 3 buổi một tuần, vì tôi thường không có kế hoạch gì đặc sắc sau giờ làm việc. Thực tế cho thấy, tôi đặt tâm trí mình ở đâu đó suốt thời gian học nhóm. Tiếng người thì thào, tiếng lật sách, tiếng bước chân của người quản thư, cả tiếng gõ bàn phím lách tách nho nhỏ của người bạn ngồi cạnh, tôi đều nghe rõ và cảm thấy chúng tan lẫn ngay tức khắc vào khối không khí bao quanh mình. Phần lớn thời gian tôi dành đọc sách và nghiền ngẫm tài liệu giảng viên ở lớp. Tuy nhiên, các thuật ngữ trôi đi trước mắt thay vì thẩm thấu vào đầu. Thi thoảng tôi ngước mắt nhìn người đi lại quanh các kệ sách ở tầng hai. Có người đứng ở bao lơn, có người ngồi xổm ở góc cầu thang nhỏ. Tất cả họ đều bị phơi bày bởi ánh đèn neon sáng trắng và trần trụi. Tôi không hẳn là không thích. Mọi thứ đều ở giữa ngưỡng tôi có thể chịu đựng và không, thích và không.
Tuy nhiên, có một vài tối không như vậy. Tôi mong ước mình chưa hề ở đây, tựa hồ kẻ lữ hành đang miệt mài trên sa mạc, bỗng nhận ra mình vốn đâu chịu nổi ánh nắng chói chang và cơn khát nước. Trong một tối như thế tôi đứng dậy, xếp lại tài liệu và tách nhóm sớm hơn bình thường. Không ai ở đó nhận ra tôi đang khát khô họng và muốn băng nhanh qua sa mạc. Tôi đi bộ trên phố, rảo bước như thể cơn khát nước bên trong không liên quan gì đến cơ thể bên ngoài. Chỉ đến khi ngồi ở quầy bar trong quán rượu nhỏ, tôi mới thấy chắc mình đã đi bộ suốt một thế kỷ, mặc dù thư viện chỉ cách đó một dãy phố không xa.
- Chị uống barcadi không?
- Ồ! - Tôi hơi ngạc nhiên, đến mức chỉ thốt lên được một tiếng cảm thán. Người mời tôi uống rượu khi đó chính là M.
- Cảm ơn chị!
Tôi nói ngắn gọn và nhận lấy ly rượu, bởi không quen giao đãi với người lạ ở nơi chốn như thế này.
Có một chút suy diễn trong sự ngạc nhiên của tôi lúc đó, nhưng thật tình tôi đã nghĩ M. đến thật đúng lúc. Khi người lữ hành bên trong tôi cần nước, nhưng cơ thể bên ngoài tôi lại cần chút gì có cồn. Trong như nước, và mạnh mẽ như barcadi!
- Nước lửa.
- Ồ! - Lại một lần nữa tôi lại cảm thấy ngạc nhiên đến mức chỉ thốt lên được một tiếng cảm thán ngu ngốc.
M. lúc đó đứng tựa lưng vào quầy bar, như thể các cô gái xinh đẹp trong những bộ phim cao bồi mô típ cũ trên truyền hình. Chỉ khác nàng đang hầu rượu tôi, không phải anh chàng cao bồi quyến rũ như phim. Nàng không hút thuốc, đứng buông lỏng hai tay. Tôi thấy hai cánh tay nàng khá dài hơn bình thường. Nó khiến nàng trông gầy hơn thực tế. Cánh tay tựa hồ bóng liễu buông mình dưới mặt hồ im tăm cá. Sau đó nàng không nói gì. Tôi cũng vậy. Chúng tôi cứ một đứng một ngồi ở quầy bar, suốt cả buổi gặp gỡ đầu tiên.
Bấy giờ cũng là mùa hè. Đến giờ tôi vẫn còn mường tượng được cảm giác người ra vào quán bar mang cả hơi nóng từ bên ngoài vào trong. Quán cũng không đông mấy, nhưng không khí thì hư hao. Thỉnh thoảng mọi thứ bị đánh động bởi tiếng chuông nhỏ máng ở đầu cánh cửa, kêu leng keng mỗi lúc có khách ra vào. Tiếng nhạc không nhỏ, lại có vẻ ồn hơn bình thường bởi các bài hát đều được thu trực tiếp ở một chương trình ngoài trời. Ban đầu tôi nghĩ người chỉnh nhạc có hơi cẩu thả khi mở loại nhạc này, nhưng nghe đến bài thứ ba lại cảm thấy tiếng lao xao của khán giả trong show diễn và tiếng gào của vocal chen giữa các bản nhạc lại làm nên thanh âm đặc trưng khiến tôi nhớ mãi buổi tối mùa hè như thế. Sau này mỗi lúc tôi ngồi đâu đó và nhìn sang gương mặt M. bên cạnh, tôi lại nghe thấy tiếng lao xao của một show diễn ngoài trời ở một nơi nào đó vọng lại.
Thực ra suốt ba năm quen nhau, cả hai đều không có quá nhiều thời gian ngồi cạnh nhau. Lúc gặp, thực chất cũng không nói với nhau nhiều chuyện. Tôi làm việc trong một văn phòng luật ở trung tâm thành phố, suốt 8 tiếng các ngày trong tuần.
M. làm việc ở cách đó không xa. Chính ở nơi tôi gặp nàng lần đầu, trong quán bar gần thư viện thành phố. Giờ giấc trái ngược nhau, thành ra chúng tôi chỉ thỉnh thoảng gặp nhau ở đâu đó không quá đông đúc, tốt nhất là tránh xa trung tâm thành phố. Phải làm việc ở nơi đông đúc và ồn ào như vậy, đã là quá đủ!
Công việc của tôi không có gì đặc sắc để kể. Công việc của M. thì khác, hẳn như lời nàng:
- Công việc của tớ hả? Không phải bưng bê. Không phải lau dọn. Không phải pha chế. Ở quán bar, ngoài các công việc đó thì cậu nghĩ còn có ai nữa? Gái điếm phải không?
Nàng cười thật lớn sau câu nói đó. Tôi hơi lúng túng, vì đó là lần đầu tiên tôi thắc mắc về công việc thực sự của nàng.
- Tại những lần tớ đến cậu đều ngồi với tớ. Tớ không biết cậu còn làm gì ở đó nữa. Tớ cũng không rõ về mấy chỗ đó lắm đâu.
- Ở quán rượu có người pha chế rót rượu cho cậu, người phục vụ mang rượu ra cho cậu, người quét dọn xuất hiện khi cậu say đến nỗi ói ra sàn. Đấy là người ở quán rượu. Còn người đến quán thì sao? Có người đến vì buồn. Có người đến vì vui. Kẻ đến vì cảm thấy trống trải, cô đơn. Hàng trăm lý do ấy chứ. Người ta cần gì thì tớ sẽ làm. Có người cần nói chuyện. Có người lại cần lặng im, như cậu ấy, thì tớ sẽ im lặng.
- Tớ vẫn không hiểu đâu.
Đến lượt tôi cười lớn, nhưng mà đâu đó trong tôi có cảm giác thật buồn. Như thể người lữ hành không còn cảm thấy cơn khát nước, bởi anh ta bị cảm giác cô đơn nhận chìm. Khi M. nói điều gì về chính nàng, tôi luôn cảm thấy mọi thứ xung quanh ngưng đọng và rơi xuống lòng đại dương sâu thẳm. Không phải chỉ nàng mà cả tôi, khó thở và buồn.
- Chân cậu xấu thì có sao đâu. Tớ nghĩ bàn chân xấu hay không thực ra không quan trọng, ít nhất là với tớ. Cậu biết không, tớ thực sự muốn bay nhiều hơn đi.
Tôi đã nghĩ chuyện đó cũng thường, chỉ khác khi người ta lớn lên, ai cũng sẽ cho rằng đó là ước muốn viển vông và nên bỏ đi, riêng M. thì không. Bởi nàng vẫn luôn mong muốn được bay trên những quả đồi hoặc bình nguyên rộng lớn.
Tôi biết đó không phải là mong ước chỉ xảy đến một vài khoảnh khắc trong cuộc đời M. Dùng từ “ám ảnh” thì đúng hơn. Khoảng nửa năm về trước, một hôm nàng gọi cho tôi vào lúc 4 giờ sáng. Tôi nhấc máy, cảm giác mọi thứ vẫn còn đang say ngủ, kể cả trí não mình.
- Cậu tới quán rượu ngay đi. Ngay nhé!
Nàng chỉ nói thế. Tiếng tút tút ngân dài sau lời đề nghị. Tôi thay quần áo, bắt taxi đến chỗ nàng. Mọi thứ đều diễn ra chậm rãi, kể cả chiếc taxi cũng trôi từ từ vào thành phố lúc trời vẫn còn tối.
- Cậu vào nhanh đi. Nếu ai biết được tớ đưa người lạ vào quán rượu giờ này, chắc tớ sẽ bị đuổi việc nay mai thôi.
M. vừa kéo lại cánh cửa sắt vừa nói to. Tiếng nàng vọng trong quán vắng. Quán rượu tuy nhỏ, nhưng lại biến thành nơi chốn khác những lần tôi lui tới. Bàn ghế sắp xếp lộn xộn. Vài cái ly bẩn vẫn còn nằm trên bàn nơi góc quán. Số còn lại nằm ngổn ngang trong bồn rửa, rượu còn đọng ở đáy ly. Mọi thứ đều không hào nhoáng và xô bồ như khi có khách.
- Lên cầu thang nào!
Trong lúc vội vàng, M. vô tình thúc cẳng tay vào chiếc kệ ở gần cầu thang. Xô đá nhỏ bằng inox rơi xuống đất kêu loảng xoảng. Vô thức, tôi bỗng thấy nhớ da diết tiếng lao xao của khán giả và vocal nhạc rock trong đoạn nhạc hay mở trong quán khuya.
- Tớ đến khổ với cánh tay quá dài của mình ấy!
M. xua tay ra hiệu tôi mặc kệ cái xô vừa rơi xuống đất. Tôi thấy nàng khẩn trương đến mức chỉ buông lời than thở về cẳng tay dài của mình như một phản xạ vô thức, tựa hồ lá liễu rơi trên mặt hồ vẫn không tăm cá: tự nhiên và mỏng mảnh không sức lay động!
- Đây là lý do tớ đã làm ở quán rượu suốt từ thời gian qua. Cậu xem nào!
M. mở cánh cửa từ phòng nàng thông ra ban công. Nàng phấn khích đến nỗi nắm lấy cổ tay tôi thật chặt và lôi hẳn ra bên ngoài. Góc phải ban công rất gần với mái hiên nhà bên cạnh. M. buông tay tôi, vừa leo ra khỏi ban công vừa bảo tôi cứ theo nàng. Tôi không hỏi gì, cứ thế vội vàng chạy theo bóng M. đang băng băng trước mặt. Nàng nhảy từ đoạn ban công sang mái hiên nhà bên, băng qua những thềm bê tông các nhà tiếp đó. Chúng tôi cứ thế chạy băng băng trên những mái nhà nối tiếp nhau.
- Bọn mình đang bay đấy cậu thấy không? Ở ngay thành phố này!
Ban đầu tôi còn cảm thấy mình đang chấp nhận làm điều hết sức kỳ lạ với cuộc đời mình, chỉ bởi người trước mặt tôi là M. Nhưng mỗi lúc tôi càng thấy chúng tôi đang lao về phía những điều viển vông của thế giới người lớn. Cô gái chạy trước mặt tôi quá thừa hồn nhiên để làm trẻ con, nhưng lại quá thiếu thực dụng để trở thành người lớn. Tôi đang làm gì vậy, khi trước mắt là mặt trời đang lên, và sương phủ một lớp mỏng manh trên thành phố chúng tôi vẫn miệt mài trôi dạt mỗi ngày.
Khi nàng dừng lại, trước mắt chúng tôi là tháp chuông của nhà thờ ở giữa trung tâm. Phải cần rất nhiều mái nhà mọc thêm để có thể chạm đến tháp chuông, nhưng ở đây chúng tôi có thể ngồi thõng chân ở mái nhà người lạ và nhìn thấy cây hồng trĩu quả ở khuôn viên nhà thờ. Cây hồng nhỏ bên tháp chuông cao. Vị
ma soeur băng từ cổng chính vào nhà nguyện. Chúng tôi ngồi vậy, nhưng cả hai đều đã đi đâu đó từ rất lâu!
Và tiếng chuông đổ!
Trong đêm mùa hè ngồi ở khu nhà tôi, M. đã nói là nàng sẽ về quê. Nhất định sẽ về. Muộn nhất là vào tối mai nàng sẽ lên chuyến xe đêm. Nàng nói chỉ cần ngủ yên một đêm, ngủ đến sáng và không đi lang thang trên những mái nhà người lạ, mở mắt ra sẽ thấy quê nhà. Bay nhiều như vậy không hẳn là một điều tốt, nhất là khi bên dưới chỉ toàn người lạ mình không quen.
“Bay mãi mà chỉ toàn là người lạ thì gọi là lưu lạc đấy!” - Hôm sau trong lúc làm thức ăn ở bồn rửa thì tôi nhận được tin nhắn của nàng như vậy.
Tờ mờ sáng, chuông điện thoại ngân vang. Giữa lúc mọi thứ vẫn còn mơ ngủ, kể cả trí não của mình, tôi đã nghĩ M. vẫn còn ở đây. Nàng hẳn vẫn còn ở quán rượu, như thể tôi chuẩn bị mặc quần áo và bắt taxi đến nhà nàng. Ma soeur già sắp sửa băng từ cổng chính vào nhà nguyện, ngang qua cây hồng trĩu quả.
Cuộc gọi không phải của nàng, cảnh sát gọi cho tôi khi tìm thấy điện thoại ở tầng thượng tòa cao ốc trong thành phố. Nàng đã ở đó và không còn ở đó. Nàng không ở trên chuyến xe trở về quê như lời đã nói. Thân xác nàng im lìm ngay bên dưới tòa cao ốc, và tĩnh lặng như cách nàng đứng tựa cẳng tay vào quầy bar năm nào. Nàng vĩnh viễn không bao giờ nói với tôi thêm điều gì nữa.
Tôi tắt điện thoại. Giờ này, có lẽ tiếng chuông nhà thờ đã ngân xa!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.