Người đi níu giữ tuổi thơ

07/11/2008 09:25 GMT+7

Nhìn trẻ em thị thành nghiện game, chơi toàn những trò chơi bạo lực Bình lại thấy thương cho tâm hồn trẻ thơ bị “số hóa” của chúng. “Dung dăng dung dẻ,/Dắt trẻ đi chơi,/Đến ngõ nhà trời,/Gặp cậu gặp mợ,/Cho cháu về quê,/Cho dê đi học,/Cho cóc ở nhà,/Cho gà bới bếp,/Ù à ù ập/Ngồi xập xuống đây”… chợt hiện về trong đầu Bình. Và chàng trai trẻ với vẻ bề ngoài rất hiện đại quyết “quay ngược thời gian” để giúp trẻ thành thị tìm về tuổi thơ ngày xưa bằng một cuộc nghiên cứu các trò chơi dân gian.

Tranh giấy dó bày giữa đô thành

Chàng trai trẻ với mái tóc ngắn ấn tượng, trang phục rất thời trang là người không chỉ mê tranh Đông Hồ mà còn tích cực đưa vẻ đẹp của tranh Đông Hồ vượt hàng ngàn cây số vào Nam, đó là sinh viên khoa Nhân học của ĐHKHXH&NV TPHCM, Trần Văn Bình.

Sinh ra ở Bắc Ninh, Trần Văn Bình vốn là cậu bé hiếu động, rất thích những trò chơi dân gian và cậu “say” cả những làn điệu quan họ quê hương. Vào TPHCM trọ học, Bình đã bỏ nhiều ngày lang thang khắp nơi.

Cậu cảm thấy buồn khi thấy một thành phố hàng chục triệu dân, to lớn là thế mà sao chẳng ai kinh doanh loại tranh mà cậu hằng yêu thích? Bằng tất cả lòng yêu nghệ thuật truyền thống quê hương Bắc Ninh, Bình quyết định giới thiệu tranh Đông Hồ đến với mọi người.

Nghĩ là làm ngay. Để hiểu tường tận về tranh này, giữa tiết trời Bắc Ninh lạnh buốt, Bình đến tham vấn hai nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam và Nguyễn Đăng Chế. Gia đình ông Nguyễn Đăng Chế đã có 20 đời làm nghề làm tranh và là gia đình làm tranh lâu đời nhất của làng Đông Hồ. Cả đại gia đình ông đều tâm huyết với tranh Đông Hồ.

Đặc trưng làm nên nét riêng của tranh Đông Hồ là tranh bắt buộc vẽ trên giấy dó. Giấy dó làm từ vỏ cây dó, phủ lên một lớp bột làm từ vỏ điệp. Màu để vẽ thì hoàn toàn làm từ chất liệu tự nhiên như: màu xanh từ lá chàm, màu đỏ từ sỏi son, màu đen từ than lá tre, màu vàng từ hoa hoè, màu trắng từ vỏ điệp và tất cả những nguyên liệu trên đều được làm bằng tay.

Sau khi được hai nghệ nhân trên truyền “bí kíp”, Bình rất thích thú khi có thể nhìn ra sự “thật - giả” của dòng tranh Đông Hồ. Mua được gần 300 bức tranh với hơn 100 kiểu vẽ, Bình mang từ quê vào TPHCM bán thử. Ban đầu Bình đưa thông tin về việc sưu tầm và kinh doanh tranh Đông Hồ của mình lên một số diễn đàn, trang rao vặt và blog.

Thấy Bình quyết tâm kinh doanh tranh Đông Hồ ở TPHCM, nơi cuộc sống sôi nổi từng giờ, nhiều người quen đã chép miệng thương Bình vì họ cho rằng chỉ có những ông bà già hoài cổ, ưa tĩnh lặng mới mua loại tranh rẻ như cho này. “Kinh doanh là phụ, mục đích chính của mình là muốn giới thiệu với mọi ngươi sản phẩm văn hóa của quê nhà”, Bình nói giọng tự tin.

Thành quả bước đầu mà “gã trai Đông Hồ” làm được cho tranh Đông Hồ ở TPHCM là được hai chủ quán cà phê Hoa Đá (Q11) và cà phê Thư Giãn (Q3) cho phép trưng bày tranh Đông Hồ. Bình cũng tìm được một doanh nhân yêu tranh Đông Hồ lập website: damcuoichuot.com để giới thiệu tranh. Anh Duy Nhứt, chủ quán cà phê Hoa Đá (Q11) quê Bình Định, là chuyên viên gây mê ở một bệnh viện rất yêu thích văn hóa truyền thống dân tộc, đặc biệt là rất “mê” tranh Đông Hồ.

Trước khi gặp Bình, anh Nhứt thường cắt những hình tranh Đồng Hồ in sẵn trên các tờ lịch để treo ở quán vì không tìm được tranh Đông Hồ thật. Nhìn những bức tranh Đông Hồ “giả” ấy Bình đã hỏi anh Nhứt: “Xem ra anh thích tranh Đông Hồ. Vậy anh có muốn sở hữu những bức tranh Đông Hồ thật không”. “Tuyệt!”, chàng chủ quán trẻ reo lên như bắt được vàng. Từ buổi gặp tình cờ ấy, hai chàng trai trẻ, Văn Bình và Duy Nhứt đã lên kế hoạch và bắt đầu tổ chức triển lãm, giới thiệu tranh Đông Hồ với những người yêu thích nó tại quán cà phê Hoa Đá hồi tháng 6 vừa qua.

Cuộc triển lãm tranh Đồng Hồ lần đầu tiên của Nhứt và Bình đã thu hút rất nhiều người, đặc biệt có rất đông bạn trẻ tham dự. Trong những bạn trẻ yêu thích tranh Đông Hồ đó có Nguyễn Trọng Hiền, nhân viên môi giới bất động sản, chủ quán cà phê Thư Giãn (Q3) Trọng Hiền quyết định nhờ Bình trang trí quán cà phê của anh bằng những bức tranh Đông Hồ rất cổ bởi loại tranh này không chỉ để trang trí mà nhiều người còn ước mong được may mắn, hoạnh tài khi chọn treo các bức tranh “Vinh hoa - Phú quý”.

Chàng trai trẻ... thơ

Trần Văn Bình giới thiệu tranh Đông Hồ.

Học hành và kiếm sống ở một nơi phồn hoa đô hội như TPHCM, Bình vẫn không thể chịu nổi khi thấy nhiều trẻ con thành thị gắn chặt thú vui của mình vào “cuộc sống số”.

Đề tài nghiên cứu về mô hình trò chơi dân gian mà Bình đưa ra đã nhận được sự đồng cảm của nhiều bạn bè trong lớp Nhân học. Các bạn trong nhóm và cả Bình đều thích thú vì “khi nghiên cứu đề tài này dường như đứa nào cũng trẻ lại, như được sống lại những ngày thơ dại”.

Rồi nhóm nghiên cứu được sự hướng dẫn, giúp đỡ tận tình của giảng viên trẻ Nguyễn Đức Lộc. Vậy là ngoài giờ học trên giảng đường, tạm gác mọi cuộc hẹn hò với bạn bè, Bình và nhóm nghiên cứu đã sưu tầm được 32 trò chơi dân gian dành cho trẻ em đô thị, đồng thời lập ra khung chương trình giáo dục toàn diện nhân cách trẻ em bằng văn hóa truyền thống.

Công trình NCKH về mô hình trò chơi dân gian của nhóm nghiên cứu do Bình làm chủ nhiệm được nhiều nhà văn hóa đánh giá là “Đã cung cấp một tư liệu giá trị trong đề án chương trình “Đưa dân ca và trò chơi dân gian vào nhà trường”, xây dựng một mô hình trường học thân thiện. Ngày nay, với sự “giúp sức” của các phương tiện nghe nhìn hiện đại, không ít bạn trẻ cùng trang lứa với Bình quên dần cội nguồn văn hóa dân tộc. Những việc làm của chàng trai trẻ Trần Văn Bình phần nào giúp các bạn trẻ ấy yêu quê hương hơn.

Sự say mê, yêu thích các giá trị văn hóa dân tộc thông qua tranh giấy dó Đông Hồ và các trò chơi trẻ con dân giã của Bình đã lan sang các bạn cùng học. công trình khoa học nghiên cứu về trò chơi dân gian của Bình đã được Thành Đoàn TPHCM có kế hoạch cho in thành sách để phát hành rộng rãi trong thời gian tới. 

Theo Cát Minh / SGGP

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.