Người đi tìm tư liệu về Bác

20/01/2015 04:29 GMT+7

Bà Nguyễn Thị Nguyệt - nguyên Bí thư KP.4, P.Cô Giang, Q.1, TP.HCM năm nay đã bước sang tuổi 76, nhưng dáng đi còn nhanh nhẹn, nụ cười tươi và đặc biệt mỗi khi nhắc đến Bác Hồ ánh mắt bà lại ánh lên niềm vui khó tả.

Bà Nguyễn Thị Nguyệt - nguyên Bí thư KP.4, P.Cô Giang, Q.1, TP.HCM năm nay đã bước sang tuổi 76, nhưng dáng đi còn nhanh nhẹn, nụ cười tươi và đặc biệt mỗi khi nhắc đến Bác Hồ ánh mắt bà lại ánh lên niềm vui khó tả.

Bà Nguyệt trong một lần kể chuyện cho thiếu nhi nghe về Bác Hồ - Ảnh: Công Nguyên
Bà Nguyệt trong một lần kể chuyện cho thiếu nhi nghe về Bác Hồ - Ảnh: Công Nguyên
Căn nhà nhỏ của bà Nguyệt nằm trong hẻm trên đường Nguyễn Khắc Nhu (Q.1) dường như phần lớn là để chứa tư liệu về Bác.
Hôm chúng tôi đến, bà nhanh nhẹn dẫn khách lên lầu, nơi chiếc tủ gỗ được khóa cẩn thận có hơn 10 cuốn album chứa hơn 2.000 tấm ảnh được sắp xếp khoa học và gọn ghẽ theo từng chủ đề, từng mốc thời gian. Trong kho tư liệu này có những tấm hình về Bác mà không dễ gì tìm thấy, do bà sưu tầm từ những năm 1980. Những tấm ảnh được cắt từ các báo, từ sách và scan lại. Bên cạnh đó là rất nhiều sách. Với bà, đó là công trình của hơn 30 năm say mê.
Mới đây, bà Nguyệt đã tặng cho Bảo tàng Hồ Chí Minh hơn 1.800 tấm ảnh. Và đến bây giờ bà vẫn rất vui mỗi lần bắt gặp được một tư liệu về Bác mà bà chưa có trong tay.
Từ thắc mắc của trẻ thơ
Bà Nguyệt kể, cơ duyên bà bắt đầu sưu tầm tư liệu về Bác Hồ đến từ một lần dẫn đứa cháu nhỏ đi chơi trước UBND TP.HCM, bà chỉ vào pho tượng Bác đặt tại đây và giới thiệu với cháu: “Cháu ơi, đó là Bác Hồ đó”. Cậu bé con ngước nhìn pho tượng với ánh mắt vừa ngây thơ vừa lạ lẫm. Khi bé đi học mẫu giáo cô giáo kể chuyện về Bác, cậu bé nhanh nhẹn đáp: “A, con biết Bác Hồ là ai rồi, Bác Hồ là một pho tượng”. Câu trả lời ngây thơ của đứa cháu trên lớp học đã khiến bà Nguyệt suy nghĩ rất nhiều.
Bản thân bà từng hai lần được gặp Bác khi là một đứa trẻ và khi đã trở thành một thanh niên. “Cả hai lần gặp, tôi đều cảm nhận được về sự đặc biệt, thông minh, xử lý tình huống tuyệt vời và nụ cười rất đỗi gần gũi, thân thiết của Người. Dù khi gặp là một đứa trẻ hay đã là một thanh niên trưởng thành, tôi đều thấy Bác thật sự là người của muôn dân, của triệu tấm lòng. Vậy mà bây giờ, trong tâm thức của con trẻ, Bác chỉ là một pho tượng! Điều đó làm tôi day dứt. Mình phải làm sao để cho con cháu, những người không được gặp Bác hiểu về Bác Hồ không phải là một pho tượng mà là một người bằng xương bằng thịt, là linh hồn của một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc. Là một vị lãnh tụ tài ba nhưng cũng là con người bình dị gần gũi với nhân dân”, bà Nguyệt tâm sự.
Sau những câu hỏi đầy day dứt ấy, bà bắt tay vào sưu tầm những hình ảnh về Bác. Tất cả nhà sách trong thành phố, bà đều cặm cụi đạp xe tìm tới. Cuốn sách nào có hình ảnh, câu chuyện về Bác, bà đều dành tiền lương ít ỏi của mình để mua về rồi sàng lọc, sắp xếp theo từng chủ đề, mốc thời gian. Nghe ai có hình ảnh Bác, bà đến tận nơi để xin scan lại.
Miệt mài kể chuyện
“Tôi không muốn mình sưu tầm về Bác rồi cất vào những ngăn tủ, việc tôi muốn là mang hình ảnh của Bác đến gần hơn với mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ”, bà Nguyệt nói. Chính vì vậy, bà đã dùng những hình ảnh về Bác cắt dán theo chủ đề gần gũi với thiếu nhi rồi hằng tuần mang đến các trường mẫu giáo, trường tiểu học để kể chuyện cho các cháu nghe về Bác Hồ.
“Kể chuyện về Bác cho các cháu nghe thì phải thật gần gũi, sinh động, hấp dẫn chứ không thể khô cứng, giáo điều. Đó mới là cái khó”, bà chia sẻ. Điều bà đã làm được là mang đến sự hào hứng cho các cháu mỗi lần nghe chuyện. Bà luôn dày công nghiên cứu các câu chuyện về Bác để trả lời những câu hỏi rất ngây thơ của các cháu: “Bà ơi, Bác Hồ có sợ ma không? Bác Hồ có biết ngoại ngữ không? Bác Hồ có thích ăn gà rán không? Bác Hồ tuổi con gì? Sao Bác Hồ nuôi cá mà không nuôi chó, mèo. Con thấy chó mèo dễ thương mà? Tại sao râu Bác Hồ lại dài? Tại sao tóc Bác lại trắng?”...
Mỗi câu hỏi của con trẻ đều được bà Nguyệt giải đáp bằng những câu chuyện giản dị, sinh động. Để làm được điều đó, bà phải bỏ thời gian đọc rất nhiều về Bác bằng tình yêu và sự ngưỡng mộ.
“Có một người đã tính tiền”
“Một lần đến nhà sách ở Q.Phú Nhuận, tôi bắt gặp cuốn sách có một tấm hình rất hay về Bác nhưng nội dung của cuốn sách tôi đã có. Tiền thì ít nên tôi cứ phân vân, tính toán mãi để làm sao có được tấm ảnh mà không phải trả tiền cho cả cuốn sách, nghĩ mãi tôi đành bỏ lại. Đến hôm sau tôi quyết định quay lại mua quyển sách đó, khi ra quầy tính tiền, người thu ngân bảo có một người đã tính tiền cuốn sách cho tôi. Một lần khác ra Hà Nội, tôi bắt gặp một cuốn sách chứa 60 tấm hình về Bác rất đẹp nhưng giá tận 500.000 đồng. Tôi bấm bụng móc hết ví cũng chỉ có 350.000 đồng, vậy mà cô bán hàng lại tươi cười bán luôn cho tôi. Những câu chuyện đó khiến tôi hiểu là Bác Hồ chạm đến tất cả trái tim của mọi người”, bà Nguyệt bộc bạch.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.