Người đưa phản biện xã hội vào bảo tàng

10/01/2013 05:05 GMT+7

Sự trung thực của một nhà nghiên cứu và nền tảng kiến thức dân tộc học là lý do giúp PGS-TS Nguyễn Văn Huy đi rất xa trên con đường đổi mới tư duy bảo tàng.

Sự trung thực của một nhà nghiên cứu và nền tảng kiến thức dân tộc học là lý do giúp PGS-TS Nguyễn Văn Huy đi rất xa trên con đường đổi mới tư duy bảo tàng.

Những chiếc áo sơ mi lộn cổ. Những chiếc quần tích kê. Cả lô tem phiếu xếp cạnh sổ gạo đã phủ màu thời gian. Hộp mứt thập cẩm trong cửa hàng đồ tết có bảng chữ “Hàng mẫu không bán”. Hàng người đứng dài xếp hàng trước cửa hàng lương thực...

 Người đưa phản biện xã hội vào bảo tàng
PGS-TS Nguyễn Văn Huy - Ảnh: Ngữ Thiên

Khách tham quan triển lãm Hà Nội thời bao cấp tự nguyện đứng vào xếp hàng sau ma nơ canh cuối cùng, người trước người sau. Họ cùng cười rồi bắt chuyện và chia sẻ với nhau ký ức về gạo mốc hẩm, về bo bo, sắn khô bán kèm gạo. “Người xem vui vẻ phát hiện ra hòn đá có khắc tên Mai Hải, một cán bộ Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Nó chuyên dùng để xếp hàng thay người vì hàng quá dài, xếp quá lâu. Họ cũng từng dùng hòn đá, cục gạch hay cái rổ, cái giá như thế để thay mình xếp hàng hàng giờ, có khi từ tờ mờ sáng”, PGS-TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, nhớ lại.

“Sởn gai ốc”

Cuốn sổ nhật ký trưng bày tại bảo tàng ghi nhận ý kiến của một khách tham quan tên là Linh vào ngày 7.7.2006. “Đến với bảo tàng tái hiện thời bao cấp bao kỷ niệm một thời khó khăn trong tôi lại ùa về. Tôi đã “sởn gai ốc” khi đứng trước một căn hộ ngày xưa. Sao giống nhà tôi đến thế. Cũng bàn tủ, cái chạn và cả con lợn sau nhà! Tôi đã đứng lặng rất lâu. Chỉ có điều nhà tôi còn bé và chật chội hơn cả bảo tàng nhiều”, vị khách viết. Sổ nhật ký còn ghi nhận nhiều ý kiến khác. Đa phần chia sẻ về một thời thiếu thốn, sự cảm động vì gặp lại quá khứ của chính mình. Tuy nhiên, bên cạnh dư luận chung đánh giá cao nội dung trưng bày vẫn có những ý kiến trái chiều. “Một số phê phán tại sao cuộc trưng bày lại ca ngợi thời kỳ bao cấp ở thời điểm này? Một số khác lại có ý kiến ngược lại. Bất bình cho rằng cuộc trưng bày khắc nghiệt quá, thậm chí quá tàn nhẫn khi nhìn về quá khứ, khi đưa ra một bức tranh “quá xám” đối với xã hội”, ông Huy cho biết.

 
Chúng tôi xác định thái độ phê phán, phản biện của một trưng bày nhân học chính là sự phản ánh trung thực đời sống xã hội

Những ý kiến trái chiều này bắt nguồn từ việc cách thức chọn đề tài, cách thể hiện cho đến giờ vẫn khác hẳn quan niệm truyền thống về trưng bày bảo tàng. Một cơ quan truyền thông ngoài nước thậm chí còn đánh giá đây là cuộc triển lãm một cách thành thật và cởi mở hiếm thấy tại Việt Nam - nơi mà hầu hết các viện bảo tàng đều trưng bày những sản phẩm tuyên truyền một chiều không hề thay đổi. Khi chọn đối tác thực hiện là Bảo tàng Cách mạng, ông Huy cũng rất chú ý đến xu hướng đó. “Chúng tôi nhận thấy lâu nay Bảo tàng Cách mạng thường chỉ làm những trưng bày chuyên đề ngắn ngủi, đơn giản vào dịp kỷ niệm những ngày lễ lớn mà giới bảo tàng Việt Nam thường gọi châm biếm, hài hước là các trưng bày cúng Cụ”, ông chia sẻ.

Để ra đời, triển lãm về thời bao cấp đã phải trải qua nhiều bước phê duyệt, bắt đầu là phê duyệt về tư tưởng. Một cuộc tư vấn đặc biệt với nhiều chuyên gia như GS Ngô Đức Thịnh, GS Đặng Phong… đã được tổ chức. Thật may, các chuyên gia trong đó có GS Đặng Phong đã hoan nghênh ý tưởng trưng bày. Thậm chí ông Phong còn cho rằng việc làm này hơi chậm và gợi ý hàng loạt về hiện vật đặc trưng cho thời bao cấp.

Yên tâm vì trung thực

Tuy nhiên, ngay từ khi họp thẩm định, ông Huy đã nhận được ý kiến cảnh báo về việc “trưng bày không nên có thái độ phê phán”. Nhưng ông, tuy luôn lưu ý ý kiến này song cũng thấy ở đây có mâu thuẫn. Bởi, ông cho rằng nếu không phê phán xã hội thì làm sao giải thích được tại sao lại phải đổi mới? Cuộc sống của nhân dân và cơ chế vận hành như thế nào mà phải dẫn đến đổi mới? Không giải thích được lý do đổi mới, tức là xã hội đã bị đẩy tới cùng của cuộc khủng hoảng toàn diện, thì cuộc trưng bày này không có ý nghĩa. “Chúng tôi xác định thái độ phê phán, phản biện của một trưng bày nhân học chính là sự phản ánh trung thực đời sống xã hội. Chúng tôi hoàn toàn an tâm khi mình phản ánh một cách trung thực đời sống xã hội và cuộc sống tinh thần của đêm trước đổi mới”, ông Huy nói.

Trưng bày còn đánh dấu sự thành công của hàng loạt đoạn phim nhân học kèm theo triển lãm. Người xem không chỉ tận mắt nhìn thấy “bảo vật” chiếc quạt tai voi mà còn được nghe những người sống qua thời kỳ đó nói lên ao ước của mình về chiếc quạt máy. Họ cũng không chỉ được xem mô hình tăng gia sản xuất trong nhà vệ sinh của căn hộ tập thể mà còn được nghe chia sẻ của gia đình từng “nuôi lợn để lợn nuôi người” trong thời gian khó ấy. Phim nhân học đã cụ thể hóa câu chuyện của từng hiện vật. Điều này, chính ông Huy đã nhận thấy tại một liên hoan phim nhân học quốc tế, để rồi ngỡ ngàng trước sức trẻ, sức chở thông tin của nó. Sau này, chính Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam của ông đã tạo ra một  lớp nhà nghiên cứu làm phim nhân học đầu tiên của cả nước. Họ đều công nhận, sức “đẩy” của ông trong việc họ học và làm thể loại này.

Triển lãm thời bao cấp cho tới nay đã trở thành một biểu tượng của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam - nơi ông Huy đã đặt những viên gạch đột phá tư duy bảo tàng đầu tiên. Nhờ đó, bảo tàng có một ngôn ngữ trưng bày với câu chuyện hiện vật cụ thể, với những thước phim nhân học. Nó cũng có cách nhìn vấn đề phản biện chứ không xuôi chiều. Còn ông, giờ đây, vẫn tiếp tục với công việc phá bỏ tư duy bảo tàng cũ - nhưng tại nhiều bảo tàng khác mà ông được mời làm cố vấn.

Chuyên mục “Sáng tạo vì Khát vọng Việt” giới thiệu chân dung những người bạn của Trung Nguyên, bất kể tuổi tác, thành phần, trong hay ngoài nước... Họ là những con người đang ngày đêm miệt mài sáng tạo trong các lĩnh vực chuyên môn, đóng góp trí não, tâm sức, truyền đi ngọn lửa khát vọng, tạo cảm hứng cho thanh niên Việt Nam, khơi dậy khát khao đua tranh với thế giới, dấn thân và sáng tạo vì một nước Việt hùng mạnh.

 

Trinh Nguyễn

>> Vũ Duy Hải: Sáng tạo vì người bệnh
>> Tống Văn Hải: Sáng tạo vì nông nghiệp, nông dân
>> Họa sĩ Trần Thùy Linh: Sáng tạo cần phải được nuôi dưỡng
>> Lê Lộc - Sáng tạo vì môi trường
>> Phạm Phước Hưng - Từ bỏ khuôn mẫu để sáng tạo thành công

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.