Người hát tình ca… hơi bị buồn

03/01/2013 11:02 GMT+7

Uyên Linh làm chương trình riêng trong một thời điểm khá nhạy cảm. Tên chương trình Người hát tình ca cũng là bài hát đang cạnh tranh ráo riết với Chiếc khăn piêu do Tùng Dương trình bày để giành giải Bài hát Yêu thích của năm - trị giá 1,3 tỉ đồng.

Uyên Linh làm chương trình riêng trong một thời điểm khá nhạy cảm. Tên chương trình Người hát tình ca cũng là bài hát đang cạnh tranh ráo riết với Chiếc khăn piêu do Tùng Dương trình bày để giành giải Bài hát Yêu thích của năm - trị giá 1,3 tỉ đồng.

Fan của Uyên Linh không quên mang băng - rôn đề cú pháp nhắn tin cho Người hát tình ca đến giăng trên tầng 3 Nhà hát Lớn.

 Theo người làm chương trình thì “Người hát tình ca” diễn ra là để mừng sinh nhật Uyên Linh
Theo người làm chương trình thì “Người hát tình ca” diễn ra là để mừng sinh nhật Uyên Linh
- Ảnh: N.M.Hà

Có lẽ cũng vì phải ra kịp thời điểm đóng bảng xếp hạng Bài hát Yêu thích, nên chương trình diễn ra tối 30-12-2012 tại Nhà hát Lớn Hà Nội được đầu tư khá giản tiện. Sân khấu tối giản chỉ dành cho âm nhạc và ánh sáng.

Nằm trong chiến dịch gây chú ý cho “nhân vật chính”- tức bài hát đang cần bình chọn, nghệ sĩ đàn dân tộc Ngô Hồng Quang được đưa lên sân khấu. Lưu Thiên Hương giới thiệu anh là nguyên mẫu để cô viết Người hát tình ca. Với bài hát này, anh có màn hòa đàn dân tộc với Uyên Linh khá hấp dẫn.

Điều nhiều khán giả quan tâm là Uyên Linh có hát hay như xưa không. Xin thưa là cô hát hay hơn, sau một thời gian được gia sư về thanh nhạc và đi diễn thường xuyên.

Với một ca sĩ như thế là tạm ổn. Nhưng với một người trót mang danh hiệu “thần tượng” và từng gây hiện tượng truyền thông thì dĩ nhiên chưa đủ.

Ngoài chuyện Uyên Linh có mỗi một bài hit và thế là hơi ít, thì cô cũng không nhiều bài phù hợp, chưa cần mới, để hát cho xôm. Có vẻ như người biên tập chương trình không chú trọng đúng mức điều này.

Không biết có phải vì quá khai thác sở trường nhạc blues của Uyên Linh, mà chương trình chọn toàn bài có màu sắc u trầm, thậm chí ánh sáng cũng không thể tươi lên được.

Nhiều lúc các ca sĩ được phủ trong một không gian đỏ lừ hoặc xanh lét đơn điệu và nặng nề.

Nếu chương trình dừng lại đúng lúc bằng tiết mục song ca Lắng nghe mùa xuân về thì còn đỡ. Đằng này cái kết Giấc mơ tôi do Uyên Linh độc diễn cùng chính tác giả - nhạc sĩ Quốc Trung đã làm tròn phận sự nhấn cảm xúc của khán giả xuống hẳn.

Kể ra bài hát cũng có cái để nghe nhưng tinh thần day dứt và quanh quẩn của nó hoàn toàn không phù hợp để khép chương trình.

Rút cuộc các bài hát tiếng Anh nổi tiếng (không ngoài giọng điệu u uẩn) vẫn nằm trong số tiết mục thành công nhất của chương trình. Điều này tiếp tục thể hiện sự “ăn sẵn” trong khâu biên tập?

Để đảm đương một show diễn riêng, ca sĩ cần có giọng tốt, đủ sức hút để kéo khán giả để rạp, và cũng phải biết giao lưu. Uyên Linh không ngán giao lưu.

Cô có nhiều chuyện để nói. Chương trình riêng tổ chức ở Nhà hát Lớn nghĩa là khán giả phần nhiều là người lớn, nhưng Uyên Linh vẫn tâm tình như thể đứng trước khán giả sinh viên, kiểu: Trung bình cứ 100 khán giả ngồi đây thể nào cũng có một là người yêu cũ của tôi…

Nhân có khán giả tặng bó hoa hồng, chẳng hiểu sao Uyên Linh lại nói: Không mong như chị Hồng Nhung đẹp như những đóa hoa này mà chỉ mong theo thời gian có nhiều kinh nghiệm sống hơn…

Rồi cô lại mong được như Thanh Lam- giọng hát vẫn được nhớ đến kể cả sau khi chết(!) Thanh Lam ngồi hàng đầu cũng phải phì cười.

Ngoài việc bị ám ảnh bởi các đồng nghiệp diva, dường như Uyên Linh còn bị nghiêm trọng hóa vấn đề. Nhiều khi cô quên cười khi hát cũng như khi nói chuyện với khán giả.

Giá kể cô thả lỏng hơn, thoải mái hơn trên sân khấu, các khán giả của cô cũng đỡ bị căng thẳng. Có lẽ nên thông cảm cho Uyên Linh. Một người vừa trải qua sự thay đổi môi trường sống và làm việc đánh xoạch.

Rồi lại phải lớn thật nhanh để vừa với cái áo mà công chúng khoác cho mình. Tất nhiên Uyên Linh không hề nói dở. Chỉ có điều nói ít hơn, thì xác suất hay sẽ cao hơn.

Chung chương trình với Uyên Linh là 3 giọng nam: Dương Trần Nghĩa, Trung Quân (Idol) và Đông Hùng. Các khách mời có điểm chung với chủ nhà: đều là dân ngoại đạo bước lên sân khấu sau một cuộc thi.

Không còn chịu sức ép của The Voice, Dương Trần Nghĩa đảm nhiệm ngon ơ vai trò khách mời. Giọng hát độc đáo của anh có khả năng làm sang cho những ca khúc tưởng chừng chỉ dành cho tuổi teen như Beautiful girl.

Giá kể anh khó tính hơn trong khâu chọn bài. Như để hòa vào không khí chung, anh vẫn tiếp tục mang vẻ mặt “đưa đám” như thời đi thi The Voice. Cũng có thể sau này vẻ mặt đó sẽ trở thành “thương hiệu”, nếu từ giờ đến lúc đó, anh vẫn trụ được trên sàn diễn lớn.

Một khách mời ấn tượng khác là Lưu Thiên Hương. Phải đến cả chục năm nay cô không xuất hiện trong vai trò ca sĩ. Chương trình phải mời mọc mãi cô mới song ca với Uyên Linh một bài.

Mọi người tiếp tục nài nỉ nữa tại sân khấu, Hương mới đồng ý hát thêm. Tưởng chỉ 1 bài, hóa ra liên khúc 2 bài. Nghĩa là Hương đã tập trước với ban nhạc rồi, thế mà cứ “làm bộ” mãi.

Theo N.M.Hà / Tiền Phong

>> Uyên Linh hát tình ca cùng những người bạn
>> Uyên Linh tiếp tục làm “Người hát tình ca”
>> Bài hát Việt tháng 11: “Cô giáo trẻ” Lê Vy vượt mặt Uyên Linh
>> Uyên Linh nhìn thấy mình trong Hoàng Quyên Idol
>> Ý Lan và Uyên Linh làm đại sứ “Hiểu về trái tim”
>> Giữ lời hứa, Tùng Dương hát nhạc Trịnh không... "lên đồng”
>> Tuấn Ngọc lần đầu song ca với Tùng Dương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.