Người mắc nợ ngàn xưa

21/04/2012 10:55 GMT+7

Có người gọi nghệ sĩ Đức Dậu là “tỉ phú” nhạc cụ dân tộc nhưng cũng có người gọi ông bằng biệt danh nghe rất tâm linh “Người mắc nợ ngàn xưa”. Còn ông chỉ nói đơn giản đó là cái duyên, cái nợ.

Có người gọi nghệ sĩ Đức Dậu là “tỉ phú” nhạc cụ dân tộc nhưng cũng có người gọi ông bằng biệt danh nghe rất tâm linh “Người mắc nợ ngàn xưa”. Còn ông chỉ nói đơn giản đó là cái duyên, cái nợ.

Không ít khán giả như tôi thật sự bị cuốn hút khi được xem nghệ sĩ Đức Dậu cùng ban nhạc gõ Phù Đổng say sưa biểu diễn tác phẩm m vang ngàn xưa với nhiều loại nhạc khí như trống, đàn đá, đàn T’rưng, tù và… trong dịp lễ Giỗ Tổ Hùng Vương vừa qua tại Khu Tưởng niệm các Vua Hùng (Công viên Lịch sử - Văn hóa dân tộc, phường Long Bình, quận 9 – TPHCM). Nhưng ít ai biết con người này đã có hơn 25 năm gắn bó với âm nhạc dân tộc và đang có trong tay một gia tài nhạc cụ dân tộc quý giá.

Bộ sưu tập có một không hai

“Bảo tàng” nhạc cụ của nghệ sĩ Đức Dậu là một căn nhà cấp 4, nằm khá xa trung tâm TPHCM (nhà số 2 đường số 2, phường 7, quận Gò Vấp – TPHCM). Trong căn nhà bình thường và đơn giản ấy, tôi thật sự choáng ngợp trước bộ sưu tập đồ sộ các nhạc cụ dân tộc được bày biện khắp gian phòng như bộ gõ, bộ hơi, bộ dây...
 
Ấn tượng nhất là bộ sưu tập trống. Nào là trống Tây Sơn, trống H’go Êđê, trống cơm, trống chầu, trống Cao Lan, trống đế; đặc biệt là chiếc trống sấm hơn 100 năm tuổi, đường kính 1,1m được bịt bằng da bò tót nguyên tấm. Còn bộ sưu tập cồng chiêng có khoảng 50 chiếc lớn nhỏ, chiếc lớn nhất gần 200 năm tuổi của dân tộc Êđê có đường kính 0,8m hay chiếc tù và bằng ngà voi trị giá 35 triệu đồng.

 
Nghệ sĩ Đức Dậu biểu diễn nhạc cụ tù và tại nhà riêng

Rồi đến những nhạc cụ cổ xưa nhất gần 150 năm tuổi ở khắp đất nước cũng được nghệ sĩ Đức Dậu “rước” về như chũm chọe, tiêu cảnh, sênh sứa – sênh tiền, đinh tút, pí lè, đàn Goong… Vừa dắt tôi đi tham quan “bảo tàng”, nghệ sĩ Đức Dậu vừa thuyết minh vanh vách xuất xứ của từng loại nhạc cụ, từ nguồn gốc đến việc sử dụng ra sao.

“Bảo tàng” nhỏ của nghệ sĩ Đức Dậu cũng là một địa điểm mà nhiều đoàn du khách quốc tế đến tham quan. Họ đến không chỉ để thưởng thức âm nhạc truyền thống của nghệ sĩ Đức Dậu mà còn được sờ tận tay hiện vật, tập đánh trống, đánh cồng, thổi sáo, kéo đàn thỏa thích bởi ở đây không có dòng chữ “cấm sờ vào hiện vật”.

 

Hơn 25 năm sưu tầm nhạc cụ dân tộc, điều mà nghệ sĩ Đức Dậu tâm đắc và tự hào nhất là khi có trong tay nhạc cụ nào ông đều nắm vững kỹ thuật biểu diễn với những giai điệu nguyên gốc, lột tả được “cái hồn, cái vía” của nhạc cụ ấy.



Đôi lúc “bảo tàng” trở nên di động vào những dịp lễ lớn khi nghệ sĩ Đức Dậu đưa dàn nhạc cụ của mình đi biểu diễn phục vụ công chúng. Tôi hỏi bộ sưu tập của ông như thế đã tạm gọi đủ chưa, ông cười: “Đủ làm sao được! Còn thiếu nhiều lắm, cái thiếu lớn nhất là cái trống đồng”.

Người “điên”

Không “điên” sao được khi ai đời lại đem hết vốn liếng tiền bạc tích cóp được, thậm chí bán cả nhà, đất chỉ để có tiền đi khắp các bản làng từ Bắc vào Nam để sưu tầm và học cách chơi hàng trăm loại nhạc cụ dân tộc. Hết tiền, anh quay sang vay mượn người thân, bạn bè. Anh kể có lần kẹt quá, tìm về nhà bố mẹ.

Lúc đó, gia đình mới chuyển vô Nam nên cuộc sống còn khó khăn. “Đang lủi thủi ra về, nghe tiếng mẹ gọi: “Dậu ơi! Nhà chỉ còn một chỉ vàng để phòng thân. Thôi con cầm đi mà dùng!”. Câu nói ấy giờ vẫn vang mãi trong tôi”- anh nhớ lại. Để có tiền đã khó, hành trình đi thỉnh nhạc cụ về còn khó hơn. Có lần nghe ngoài Phủ Lý, Hà Nam có bộ nhạc gõ “tôm – trứng và tiêu cảnh” bằng đồng, thích quá, anh liền lặn lội ra Bắc.

Đi ba lần bảy lượt anh mới thỉnh được những nhạc cụ này về TPHCM, bởi nhạc cụ dân tộc là tâm linh không phải dùng tiền mà mua được, ông nói vậy. “Phải thuyết phục, phải tìm tòi, học hỏi cách chơi và quan trọng nhất là cái tâm nên có những nhạc khí tới 3 năm, 7 năm, thậm chí là 10 năm, đi tới lui không biết bao nhiêu chuyến đò tôi mới thỉnh về được”- ông cho biết.

“Ai cũng bảo tôi “điên” nhưng đó là người ta chưa hiểu đấy thôi, chứ mê rồi phải đi đến tận cùng từng loại nhạc cụ”- ông chia sẻ. Chính vì thế, nên mỗi khi nghe nơi nào có nghệ nhân giỏi, nhạc cụ sắp thất truyền là ông lại bỏ hết thời gian, công sức và tiền bạc để đến tận nơi, học cho bằng được rồi “thỉnh” về bảo quản.

Từ tiếng đàn bầu…

Nghệ sĩ Đức Dậu tên thật là Trần Trọng Dậu, sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. “Lúc nhỏ, nhà ở gần rạp hát Đại Nam nên tôi có điều kiện xem nhiều loại hình và nhạc cụ biểu diễn. Ta có, Tây có nhưng không hiểu sao tiếng đàn bầu luôn làm tôi say đắm. Cung trầm cung bổng da diết, tình cảm làm tôi nao lòng mỗi khi nghe và từ đó trong tôi có gì đó thôi thúc mãnh liệt”- ông chia sẻ.

Đến năm 15 tuổi, ông theo học đàn bầu với nghệ nhân Bá Sách, rồi học đàn bầu tại Trường Văn hóa - Nghệ thuật Quân đội khi trúng tuyển vào Đoàn Ca múa Tổng cục Chính trị. Tình cờ xem nghệ sĩ Đức Dũng độc tấu trống trận Tây Sơn, với tình yêu âm nhạc dân tộc sẵn và sự am hiểu cái hay, cái độc đáo của bộ gõ đã thôi thúc ông quyết tâm theo học.

Sau 6 tháng được nghệ sĩ Đức Dũng chỉ tường tận từ cách đánh tiếng tang, cắc, tùng, rụp cho đến “hơi” đổi từng hồi trống, nhịp trống, ông đã biểu diễn được bài Trống trận Quang Trung mà mình hằng yêu thích. Tiết mục này giúp ông giành huy chương vàng trong Hội diễn toàn quốc năm 1982.

Năm 1980, nghệ sĩ Đức Dậu là thành viên nhóm nhạc gõ Phù Đổng do nghệ sĩ Đức Dũng thành lập và nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát làm cố vấn. Năm 1987, nhóm Phù Đổng “Nam tiến” và nghệ sĩ Đức Dậu bắt đầu sự nghiệp âm nhạc dân tộc của mình.

“Với tôi, việc sưu tầm và học cách biểu diễn các loại nhạc cụ dân tộc như cái duyên mà cũng là cái nợ. Bởi âm nhạc dân tộc là tiếng vọng của tâm linh từ ngàn đời, là những di sản đầy kiêu hãnh của hàng ngàn năm sinh tồn và tranh đấu của tổ tiên mà mỗi người con đất Việt phải có ý thức giữ gìn và giải mã nó” - Nghệ sĩ Đức Dậu chia sẻ.

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.