Người viết kịch bản đêm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long

29/05/2010 12:20 GMT+7

(TNTT>) Năm nay ông 65 tuổi, đã viết 12 cuốn tiểu thuyết, 12 kịch bản phim, 70 kịch bản sân khấu được các nhà hát tầm cỡ quốc gia công diễn, chưa kể hàng mấy chục kịch bản các lễ hội, trong đó có kịch bản cho đêm hội Văn hóa - nghệ thuật mừng Đại lễ 1.000 năm.

Chiều 24.5, sau hội nghị do Chính phủ và lãnh đạo TP. Hà Nội chủ trì về việc triển khai thực hiện chương trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội, có một ông già tóc bạc xóa, lững thững rời trụ sở UBND thành phố đi ra phía Hồ Gươm “bắt” xe ôm trở về nhà. Đó là nhà văn Nguyễn Khắc Phục, người viết kịch bản văn học đêm Đại lễ diễn ra tối 10.10, vừa được các cấp lãnh đạo chấp nhận thông qua tại hội nghị trên.    

Nguyễn Khắc Phục cho biết, trong những ngày tới ông sẽ phải viết kịch bản chi tiết cho toàn bộ đêm hội Văn hóa - nghệ thuật diễn ra trong đúng 100 phút theo yêu cầu của Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng. “Chỉ cần 100 phút thôi, nếu diễn giỏi là sẽ để đời. Tôi muốn thông qua đêm diễn này để kể một câu chuyện về Thăng Long ngàn năm, và điều quan trọng nhất là truyền cảm hứng văn hóa, cảm hứng anh hùng của dân tộc Việt Nam cho thanh thiếu niên hôm nay. Điều thôi thúc lớn nhất đối với tôi là ý tưởng đề cao văn hóa Diên Hồng là văn hóa của 54 dân tộc Việt Nam. Tinh thần Diên Hồng vừa là động lực văn hóa, vừa là vũ khí vĩ đại nhất của người Việt Nam để dựng nước và giữ nước. Hiện nay, chúng ta có thể dùng ngôn ngữ hiện đại để giải thích tinh thần Diên Hồng là đại đoàn kết dân tộc. Hồng là hồng phúc, Diên là dài lâu, vậy Diên Hồng nghĩa là hồng phúc lâu dài của đất nước chính là sức mạnh đại đoàn kết của dân tộc chúng ta”, nhà văn Nguyễn Khắc Phục dẫn giải.

Hôm tôi đến thăm căn nhà ông trọ thuê ở xóm Kim Giang, Hà Nội, nhà văn Nguyễn Khắc Phục cho tôi xem bản thảo cuốn tiểu thuyết Hỗn độn đang viết dở của ông. Trong số 12 cuốn tiểu thuyết của mình, ông tâm đắc nhất là 3 bộ tiểu thuyết: Thăng Long ký, Bay qua cõi chết và Hỗn độn. Nhìn gương mặt ông khi ấy, phảng phất nét gì đấy gân guốc, kiên định của một nhà văn cương trực. Ông thong thả lý giải: “Thăng Long tồn tại và đứng vững qua ngàn năm bằng cái gì nhỉ? Chắc chắn không phải bằng vũ khí, không phải bằng lợi thế về người và đất đai. Theo tôi, Thăng Long đứng vững được qua ngàn năm là do thái độ anh hùng và văn hóa. Thăng Long đứng vững được là còn do các triều đại biết tập hợp tinh thần yêu nước của trăm họ. Đây không phải là câu chuyện của ngày hôm qua và cũng không phải là câu chuyện của riêng ngày mai khi hùng khí Thăng Long vẫn là sức mạnh muôn thuở…”.

Nhà văn Nguyễn Khắc Phục hiện sống đạm bạc một mình trong  căn nhà đi thuê ở một xóm ven đô Hà Nội và vẫn phải thường xuyên thay đổi chỗ thuê trọ như vậy. Thật thương cho tấm thân già. Ông đã phải mang vác biết bao thứ trên đời trong mỗi cuộc chuyển nhà “vã mồ hôi sôi máu mắt” với cả đống tranh sơn dầu ông vẽ trong nhiều năm qua.  “Các bạn đừng nghĩ tôi khổ, tôi sung sướng lắm chứ! Vì tôi được làm tất cả những gì tôi muốn và tôi được nhiều người tin cậy. Tôi rất hạnh phúc khi viết kịch bản văn học cho đêm Đại lễ 1.000 năm. So với các bạn bè tôi đã nằm lại ở chiến trường phía nam thì may mắn là cái chết chưa chặn tôi lại, và hiện nay bệnh tật cũng không chặn nổi tôi, mặc dù tôi đã phải 3 lần đại phẫu mổ dạ dày, mổ mật, cắt ruột non. Lần nào bạn bè cũng tưởng tôi sẽ ra đi, nhưng tôi vẫn sống, viết truyện, viết kịch bản và vẽ tranh chơi…”, nhà văn hào hứng nói.

Tôi bất ngờ và xúc động khi Nguyễn Khắc Phục cho biết, ông chính thức nhờ báo Thanh Niên chuyển số tiền nhuận bút kịch bản đêm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội đến các trẻ em nghèo và gặp hoàn cảnh khó khăn. “Số tiền đó có thể rất lớn đối với một nhà văn như tôi, nhưng nó là quá ít để giúp cho trẻ em của chúng ta. Báo Thanh Niên làm giúp tôi điều này”.

Tôi còn nhớ trước đây, tại lễ khai mạc “Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam” tại Đồng Mô, Sơn Tây, nhà văn Nguyễn Khắc Phục tuyên bố dành toàn bộ nhuận bút kịch bản của ngày lễ này là 39 triệu đồng để tặng các cháu dân tộc  ít người Rơmăm ở làng Le, tỉnh Kon Tum. Ông dặn bạn bè ở Hội văn nghệ Kon Tum khi mang giúp ông quà tặng tới các cháu: “Với tôi, 39 triệu đồng là cả một gia tài, nhưng các vị không được nói là tôi giúp các em mà phải nói thế này: Có một ông già ở vùng xuôi, bây giờ con cái đã lớn, ông sống bằng lương hưu đủ rồi, và lần này ông làm thêm được một ít tiền, ông gửi biếu các cháu bé ở  làng Le, Kom Tum là chiến trường trước đây ông từng công tác”.

Nguyễn Việt Chiến

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.