Người Việt trên đất Thái - Kỳ 2: Thợ ảnh ở Wat Phra That Phanom

19/07/2012 03:13 GMT+7

Wat Phra That Phanom là một ngôi chùa nổi tiếng ở huyện Phanon, phía nam của tỉnh Nakhon Phanom vùng đông bắc Thái Lan. Tại đây, chúng tôi đã gặp những thợ ảnh dạo người Việt.

Giấc mơ hồi hương

Wat Phra That Phanom là quần thể chùa và các bảo tháp, trong đó có tháp lớn nhất có chứa xá lợi của Đức Phật. Theo truyền thuyết, trong bảo tháp có chứa xương ngực của Đức Phật, nên được xem là một trong những cấu trúc quan trọng nhất của Phật giáo nguyên thủy trong khu vực. Ban đầu nó được xây dựng vào thế kỷ 16 do vua Lào Setthathirath khởi xướng. Mỗi năm, một lễ hội được tổ chức tại Phanom để tôn vinh các ngôi đền. Lễ hội diễn ra trong suốt một tuần lễ với sự tham dự hàng ngàn người hành hương đến chiêm bái tại chùa. Ngôi chùa trước đó đã xuống cấp và được trùng tu xây dựng lại từ kinh phí của chính phủ nên đã mang một dáng vẻ rất tráng lệ.

 Người Việt trên đất Thái: Thợ ảnh ở Wat Phra That Phanom 1
Hai anh em chị Nguyễn Thị Bé và Nguyễn Văn Diêm chụp ảnh dạo ở Wat Phra That Phanom
- Ảnh: B.N.L

Đang mải mê với những ngôi tháp tráng lệ ở Wat Phra That Phanom, chợt có người vỗ vai tôi bảo: Có chụp một tấm hình kỷ niệm không? Tôi quay lại, đó là một người con gái khoảng 30 tuổi, với áo ghi lê, mang đầy máy ảnh, ống ngắn ống dài. Tôi hỏi, chị đi du lịch à? Người phụ nữ áo đẫm mồ hôi giữa cái nắng trưa đáp: “Không, em ở đây, em chụp ảnh ở đây”.

Dù trong đoàn ai cũng đều có máy ảnh, nhưng trước cuộc gặp gỡ bất ngờ ấy, chúng tôi cũng phải dừng lại chụp một tấm ảnh để ủng hộ chị.

Người phụ nữ đó tên Nguyễn Thị Bé, có gương mặt rám nắng. Chị Bé cùng với anh trai của mình là Nguyễn Văn Diêm hằng ngày đến chùa Wat Phra That Phanom để chụp ảnh dạo kiếm sống.

Bé cho biết ba mẹ chị sang đây lâu lắm rồi. Bây giờ họ đã qua đời hết. Chỉ còn lại hai anh em sống nương tựa vào nhau. Chị Bé năm nay đã hơn 30 tuổi còn anh trai của mình 34 tuổi. Cả hai sinh ra ở đây, được cha mẹ dạy cho tiếng Việt để khỏi mất gốc. “Nghe ba mẹ nói quê ở Quảng Bình nhưng không biết ở đâu cả. Rất muốn có tiền để về thăm quê, thăm nước mình một chuyến, nhưng nghèo quá nên thôi”, chị Bé rớm nước mắt.

Anh Nguyễn Văn Diêm cho biết mỗi tháng họ nộp cho nhà chùa 6.000 baht (gần 4 triệu đồng) để được hành nghề ở đây. Sau khi trừ khoản phí hành nghề đó, mỗi tháng họ kiếm khoảng 8.000 baht. Với số tiền ấy, họ chỉ đủ sống chứ không thể dư dả để dám mơ trở về thăm quê, thăm đất nước.

Nhọc nhằn mưu sinh

Ở Wat Phra That Phanom có hàng trăm thợ ảnh hành nghề, đa số họ là người Thái, chỉ có khoảng chục người Việt cùng làm công việc này. Cũng giống như các điểm di tích lịch sử hay thắng cảnh ở VN, thợ ảnh dạo mời chào khách để chụp ảnh kiếm tiền. Nghề của họ trước đây vốn kiếm được rất nhiều tiền, nhưng từ khi các loại máy ảnh kỹ thuật số ra đời, công việc của họ khó khăn hơn. Để hấp dẫn du khách, các thợ ảnh của Thái đã đầu tư luôn máy sang rửa ảnh tại chỗ. Chỉ sau vài phút bấm máy, du khách có thể được cầm trên tay tấm ảnh của mình. Và quan trọng hơn, dù du khách chụp ảnh có sành bao nhiêu thì các góc chụp vẫn không thể nào đẹp bằng các thợ ảnh chuyên nghiệp này. Bởi họ chỉ cần nâng máy lên là đã biết ngay trong ảnh sẽ có tiền cảnh, hậu cảnh là gì. Chính vì vậy, mà dù ai cũng có máy ảnh, nhưng khi đến các điểm di tích cũng bỏ ra 15 baht để các thợ ảnh chụp một tấm hình kỷ niệm.

 Người Việt trên đất Thái: Thợ ảnh ở Wat Phra That Phanom 2
Du khách chiêm bái tháp có xá lợi Đức Phật tại Wat Phra That Phanom - Ảnh: B.N.L

Ở Thái, dịch vụ chụp hình ở các điểm tham quan còn có rất nhiều cách làm hay để lấy tiền từ du khách. Các thợ ảnh mang máy đứng canh ngay ở lối vào. Khi du khách vừa xuống xe họ liền âm thầm bấm máy liên tục. Ảnh được sang rửa ngay tại chỗ và sau một vòng tham quan, khi du khách trở lại xe sẽ vô cùng ngạc nhiên và thú vị khi thấy ảnh của mình được bỏ vào khung trang trọng đặt lên một chiếc bàn. Nếu du khách nào muốn lấy ảnh thì phải bỏ ra 15 baht, còn nếu không lấy cũng không sao. Ảnh ấy sẽ được bỏ đi, còn khung ảnh sẽ được sử dụng cho người khác.

Khi chúng tôi hỏi, thợ ảnh Việt và Thái ai làm giỏi hơn, chị Bé cho biết: Người Việt mình chịu khó hơn nên kiếm được nhiều tiền hơn. Thêm một lợi thế nữa là những năm gần đây các đoàn khách Việt sang du lịch Thái Lan ngày càng nhiều và hầu như ai cũng đều chụp một vài tấm hình để ủng hộ cho thợ Việt. Chính vì thế mà các thợ ảnh Việt kiếm được nhiều tiền hơn các đồng nghiệp người Thái.

Cùng với nghề chụp ảnh dạo, tại Wat Phra That Phanom nhiều người Việt cũng đã đến đây bán buôn đủ loại từ các sản phẩm địa phương như thơm, mít, xoài đến hàng lưu niệm, bán chim và lươn để cho du khách đi hành hương chùa mua để phóng sinh. Nếu gặp người Thái họ sẽ nói tiếng Thái nhưng nếu gặp người Việt họ lập tức nói tiếng Việt.

Bên cạnh những người rất thành đạt như chủ của khu Nakhon Phanom River View Hotel Nguyễn Thị Nhung (quê gốc Hà Tĩnh) và Lương Thị Vỵ, chủ nhà hàng nem nướng… thì cộng đồng người Việt ở Thái vẫn còn nhiều người rất khó khăn. Họ phải làm đủ thứ nghề để kiếm sống và câu chuyện những người thợ ảnh Việt ở Wat Phra That Phanom chỉ là một nét phác họa xúc động về họ. Dù thành đạt hay còn khó khăn, nhưng khi tiếp xúc, chúng tôi đều cảm nhận được sự ấm áp tình đồng bào và một tình yêu Tổ quốc thiêng liêng luôn hiện hữu trong lòng những người Việt xa quê hương này.

Bùi Ngọc Long

>> Người Việt trên đất Thái - Nem nướng Việt vào Hoàng cung Thái
>> Tiếng Việt trên đất Thái
>> Cộng đồng đặc biệt trên đất Thái
>> Chân dài Việt “lạc” trên đất Thái
>> Biểu tượng Việt trên đất Thái
>> Gieo chữ Việt trên đất Thái
>> Tiếng hát Việt trên đất Thái
>> Người Việt thành đạt trên đất Thái
>> Học làm báo trên đất Thái
>> Việt kiều Thái Lan với Tết Songkran trên đất Thái

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.