"Nguyễn Công Trứ trong dòng lịch sử"

14/12/2008 23:56 GMT+7

Tập sách bề thế 1.100 trang Nguyễn Công Trứ trong dòng lịch sử (*) vừa được NXB Nghệ An và Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây xuất bản nhân kỷ niệm 230 năm ngày sinh và 150 năm ngày mất của danh nhân Nguyễn Công Trứ. Có thể coi cuốn sách là một tập đại thành của cả quá trình nghiên cứu về Nguyễn Công Trứ từ trước đến nay.

Nhóm biên soạn gồm nhà sử học Chương Thâu, nhà nghiên cứu Trần Nho Thìn, dịch giả Đoàn Tử Huyến và ThS Nguyễn Hoàng Diệu Thủy, với sự giúp đỡ của TS Nguyễn Thị Lâm (Viện Nghiên cứu Hán Nôm), TS Nguyễn Đức Mậu (Viện Nghiên cứu văn học), cùng nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước.

Nguyễn Công Trứ là một văn quan minh trí, một võ tướng thao lược, một nhà doanh điền tài năng, một nhà thơ xuất chúng, và đặc biệt, ông cũng là một tay chơi ngông nghênh, ngạo đời, coi đời là một cuộc chơi: "chơi cho phỉ chí", "chơi bao nhiêu là lãi đấy!". Chính vì thế, Nguyễn Công Trứ là một nhân vật hấp dẫn để khám phá. Tư tưởng, tài năng, tính cách của ông thu hút nhiều ý kiến phong phú đến phức tạp, và đến nay cuộc tranh luận về ông vẫn chưa dừng lại.

Cuốn sách đã trình bày các bài thơ, hát nói, phú, tuồng, câu đối...  của ông cùng một hệ thống khảo dị chi tiết, kỹ lưỡng gồm cả chữ Nôm và Quốc ngữ. Đọc một câu thơ nào đó, độc giả có thể biết câu này ở các bản chữ Nôm chép thế nào, ở bản chữ Quốc ngữ của Lê Thước năm 1928, của Lê Thước - Trương Chính - Hoàng Ngọc Phách năm 1958 hay bản của Đỗ Bằng Đoàn - Đỗ Trọng Huể năm 1962... chép thế nào.

Đây là một việc làm có ích đối với người nghiên cứu về sau. Lần đầu tiên, bản dịch bài văn đỗ Giải nguyên của Nguyễn Công Trứ và một dị bản của bài phú nổi tiếng Hàn Nho phong vị phú cũng được công bố.

Cuốn sách đã dựng lại toàn cảnh quá trình ghi chép và nghiên cứu về Nguyễn Công Trứ từ thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XXI. Nguyễn Công Trứ đã hiện lên qua ghi chép, đánh giá của các bộ sử Đại Nam thực lục chính biên, Đại Nam chính biên liệt truyện, Quốc triều sử toát yếu; trong cái nhìn phong phú, đa chiều của các nhà nghiên cứu thế kỷ XX đầy biến động, và hiện lên trong hoàn cảnh lịch sử mới của những năm đầu thế kỷ XXI, của sự cởi mở hơn trong tư duy, của tinh thần đối thoại và hòa nhập. Tất cả các ý kiến, quan điểm đa dạng trong dòng chảy lịch sử đều hội tụ ở sự khẳng định chắc chắn hơn nữa tư tưởng, tài năng, nhân cách của danh nhân lịch sử Nguyễn Công Trứ.

Cuốn sách cũng góp thêm chùm giai thoại về Nguyễn Công Trứ, với giọng văn hóm hỉnh, làm hiện lên chân dung Uy Viễn tướng công dưới góc nhìn "dân gian hóa", thể hiện lòng yêu kính của nhân dân đối với ông. Cuốn sách là sự tỏ lòng tưởng nhớ, không chỉ của những người biên soạn, tham gia mà của tất cả người Việt Nam đối với một danh nhân văn hóa Việt Nam.

"Công Trứ là người trác lạc, có tài khí, có tài làm văn, càng giỏi về quốc âm, làm ra thi ca rất nhiều, khí hào mại, phổ đầy ở trong âm luật, đến nay hãy còn truyền tụng, Trứ làm quan thường bị bãi cách rồi lại được cất nhắc lên ngay: tỏ sức ở chiến trường, nhiều lần lập công được chiến trận.

Buổi đầu Trứ lãnh chức Doanh điền, sửa sang mới có trong một năm mà các việc đều có đầu mối, mở mang ruộng đất, tụ họp lưu dân, thành ra mối lợi vĩnh viễn. Khi tuổi già về nghỉ, tức thì bỏ qua việc đời, chơi thú sơn thủy, trải hơn mười năm có cái hứng thú phớt thoảng ra ngoài sự vật...".

(Đại Nam chính biên liệt truyện, NXB Văn học, 2004, trang 526).

Quế Anh

(*) Đoàn Tử Huyến chủ biên, NXB Nghệ An và Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, 2008.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.