Nguyễn Hoàng Điệp: 'Tôi thuộc dạng mong manh vớ vẩn'

03/01/2015 09:21 GMT+7

(iHay) Giữa lúc mùa đông Hà Nội đang đẹp, Nguyễn Hoàng Điệp lại tất bật bay vô bay ra Sài Gòn để lo phát hành phim mới.

(iHay) Giữa lúc mùa đông Hà Nội đang đẹp, Nguyễn Hoàng Điệp lại tất bật bay vô bay ra Sài Gòn để lo chuyện phát hành Đập cánh giữa không trung. Mới thấy, chẳng phải cứ bay nhảy ở trời tây rồi là vô tư được.

>> Vũ Hoàng Điệp, Trà Ngọc Hằng thi nhau tạo dáng 'đỡ không nổi

 

Khắc nghiệt không chừa một ai

* Sau một chuyến chu du vòng quanh thế giới, khi nào Đập cánh giữa không trung sẽ ra rạp tại VN ạ?

Nếu đúng dự tính thì trong cuối tháng 1 này phim sẽ ra rạp.

* Đã đi tới nhiều Liên hoan phim (LHP) lớn, nhỏ trước khi về VN, nhưng đối mặt với thực cảnh là khán giả Việt cũng hơi... khó lường, chị có lo lắng?

Theo tôi thì Đập cánh giữa không trung là một phim không khó xem. Thậm chí, những người cộng sự của tôi còn nói phim này hơi thiếu sự buồn tẻ để có thể thành công hơn nữa tại các LHP, bởi vì nó đúng là một phim hấp dẫn. Tôi tin khán giả sẽ có thiện cảm với phim. Nhưng mình cũng hiểu rõ rằng Đập cánh giữa không trung không được truyền bá theo cách thông thường mà khán giả vẫn hay tiếp nhận. Khi tham dự LHP quốc tế Hà Nội (HANIFF), tôi chỉ nghĩ rất đơn giản là phim có thể rơi vào thảm cảnh không bao giờ được ra rạp, vì thế phim được xuất hiện ở HANIFF đã là quá hạnh phúc.

Cơ hội được chiếu phim là một chuyện, cơ hội được thừa nhận phim trên sân nhà còn quan trọng hơn. Chiếu phim tại LHP bạn sẽ không bao giờ lo việc bán vé và bạn sẽ không phải đối diện câu chuyện “Đấy, phim làm ra mất bao nhiêu tiền mà không bán nổi một đồng nào cả”. Nhưng tới lúc chuẩn bị chiếu phim thì tôi và cộng sự đã rất lo lắng, bảo “Chết rồi, chắc sẽ không ai ra rạp coi nên mình phải giả vờ là phim có khán giả”. Thế là cả đoàn vận động gia đình và bạn bè tới ủng hộ. Mọi người làm theo y thế.

Song đến khi rạp bắt đầu phát hành vé thì xảy ra một cái chuyện là hết vé. Tôi rất bất ngờ, ban đầu cứ nghĩ do rạp nhỏ hoặc do vé miễn phí. Chuyện kéo dài đến ba hôm, tôi mới nghĩ à, phim mình cũng được khán giả quan tâm, và ngồi trong rạp quan sát, tôi thấy họ đa phần là khán giả phổ thông chứ không phải nhà phê bình gì. Lúc đó, tôi thay đổi tư duy. Tôi muốn phát hành Đập cánh giữa không trung chứ không phải đem cất kho nó. Và tôi lại lao vào cuộc chiến mới.

* Với chị, việc “đánh trên sân khách” có khác gì “đánh trên sân nhà” không?

Chiếu phim ở LHP quốc tế không phải là phát hành thị trường thông thường. Phát hành thị trường thông thường đang được bắt đầu tại Đức, Na Uy, Pháp và kết quả khá khả quan. Tôi thấy phát hành thị trường thông thường ở nước ngoài chả động chạm gì đến tâm lý của mình cả. Nhưng phát hành ở VN lại mang ý nghĩa khác.

Tôi đóng vai trò sản xuất và đạo diễn cho phim này nên sự thành hay bại ở phòng vé cũng nói lên được tình cảm của mọi người dành cho phim. Khi trực tiếp làm công việc phát hành tại VN, tôi mới biết rõ những thiếu hụt của mình. Còn ở nước ngoài việc phát hành đã có người làm rồi, mình hỗ trợ được gì thì hỗ trợ, chỉ vậy thôi.

* Nói thật, khi phim chị được xướng tên ở LHP Venice, niềm vui vừa tới thì hình ảnh Bi, đừng sợ! lại cũng kịp hiện ngay lên trong đầu...

Ê kíp Đập cánh giữa không trung toàn những người đã từng tham gia vào làm Bi, đừng sợ! nên tôi thấy ngay được chuyện ấy. Đó là lý do tại sao ban đầu tôi không quan tâm gì tới phát hành mà chỉ nghĩ đến chuyện được về nước chiếu tại HANIFF là tốt nhất rồi. Tôi đã tin, hoặc là phim không được ra rạp, hoặc là có ra cũng sẽ chết như Bi, đừng sợ! Nhưng mình cần nghĩ khác đi. Phim tôi vẫn có một giọng khác so với Bi, đừng sợ! Và dù sao cũng đã sáu năm trôi qua, mọi thứ có thể đã thay đổi.

 

* Tôi cho rằng tất cả cũng do kỳ vọng. Kỳ vọng đôi khi cũng là điều khắc nghiệt nhỉ, kiểu như một phim được vinh danh ở LHP quốc tế phải đỉnh thế nào, và cả việc chuẩn bị đối diện với dự án thứ hai sau khi đã “đập cánh” bay khá xa...?

Khắc nghiệt không loại trừ ai, và chẳng phải phim thứ hai nghĩa là sẽ khắc nghiệt hơn phim thứ nhất. Nếu mình không thành công ở phim thứ hai, nó nói lên rằng khả năng của mình chỉ có thế. Mình không thể thành công chỉ vì người khác kỳ vọng ở mình. Mình thành công vì mình có tài để thành công.

Tất nhiên, nhiều thứ có sức mạnh về mặt tinh thần nhưng kiểu sức mạnh này chỉ giúp mình bứt phá đường chạy cuối cùng trong một cuộc thi marathon chứ không thể giúp gì mình trong một bộ phim tác giả. Làm gì có chuyện nhờ ai đó kỳ vọng mà tôi tìm thấy được một sáng kiến ngay giữa lúc tôi đang bế tắc về cảnh dựng. Không, nghệ thuật không như vậy. Nghệ thuật có thể đem đến nỗi đau và ép mình tới một cỡ nào đấy phải bật ra, còn bản thân mình có bao nhiêu tài thì nó đã hiện hết lên tác phẩm rồi.

* Nếu có lời nhận xét, phim của chị rốt cuộc cũng giống như muôn vàn phim Pháp điển hình, khác chăng chỉ là một phim Pháp do người Việt làm?

Tôi là người Việt một trăm phần trăm, từ bé tới lớn học tại VN và chưa hề tu nghiệp ở bất kỳ quốc gia nào. Tôi thừa hưởng những thứ rất cũ kỹ. Thỉnh thoảng, tôi cũng muốn cắp cặp sang Tây học nhưng rồi lại ngãng ra vì việc gia đình. Nhưng tôi có niềm tin rằng, nếu mình có tài thì cái tài ấy nhất định sẽ được thể hiện bằng tác phẩm mình làm ra, bất chấp việc mình được đào tạo hay chịu ảnh hưởng từ đâu, từ ai và như thế nào.

Trong giai đoạn làm phim Đập cánh giữa không trung, tôi chỉ có hai câu hỏi thường trực trong đầu mình. Câu hỏi thứ nhất là phim này sẽ ra sao. Câu hỏi thứ hai, thậm chí còn quan trọng hơn cả hình hài của phim, đó là mình có đủ tài để làm phim không. Bởi nếu không có tài thì tôi sẽ dẹp điện ảnh qua một bên để tập trung làm việc khác. Tôi có thể làm phục trang cho phim, họa sĩ thiết kế và một công việc tôi cực kỳ yêu thích là hình ảnh. Tôi không hề nói đùa.

Trước đây Phan Đăng Di cứ tưởng tôi đùa mỗi lần nghe tôi nói với anh Minh đạo diễn hình ảnh rằng: “Hai chúng tôi một người thì quá béo, một người lại bị run tay nên bọn tôi mới không làm quay phim đấy”. Và giả sử không đủ tài làm đạo diễn thì tôi dừng lại chứ chẳng tiếc nuối gì cả. Câu hỏi tôi thường xuyên hỏi những người mình tin tưởng chẳng phải là “có thấy phim hay không?” mà chính là “thấy tôi có đủ tài để làm công việc này không?”.

LHP nào mà đàn bà chẳng tham gia được

* Chị có nghĩ đàn bà vốn là một lợi thế? Vì dù sao nếu muốn đánh, dư luận cũng chọn một gã đàn ông beo béo mà đánh chứ với phụ nữ thì chắc họ sẽ có phần nương tay, chưa kể yếu tố mới lạ nữa!

 

Nếu mình có tài thì cái tài ấy nhất định sẽ được thể hiện bằng tác phẩm mình làm ra, bất chấp việc mình được đào tạo hay chịu ảnh hưởng từ đâu, từ ai và như thế nào.

Tôi thuộc dạng mong manh vớ vẩn. Làm việc cùng đàn ông, nếu thất bại thì họ sẽ vỗ về mình, còn nếu mình thành công thì họ lại bảo: “Vì em là đàn bà nên dễ kiếm cơ hội hơn, các quỹ cũng ưu tiên cho đạo diễn nữ...”. Tôi cứ tỏ ra không quan tâm những lời nhận xét song thực ra nó đã ở trong đầu tôi từ lâu và nó theo tôi mãi cho tới khi tôi có những hành vi điên rồ. Lúc gửi phim đi, trong tờ khai mẫu, tôi đã ghi giới tính là nam thay vì nữ. Rồi khi đến Venice, được gặp trực tiếp người giám tuyển của LHP, tôi đã hỏi là: “Có phải các anh chọn tôi vì tôi đến từ VN và vì tôi là một phụ nữ không?”. Ông ấy rất sốc và hỏi tại sao tôi lại nghĩ vậy. Tôi liền trả lời: “Vì chọn một phim đến từ đất nước chẳng có phim ảnh gì nhiều sẽ tăng thêm thú vị và chọn phụ nữ sẽ giúp cân bằng về mặt giới tính. Ông cũng thấy ở Cannes, người ta đã đấu tranh cho đạo diễn nữ”. Ông ta mới nói, đúng là trên thế giới có những LHP mang nhiều yếu tố chính trị, lãnh thổ, giới tính... nhưng Venice không có chuyện đó. Bọn họ chọn phim này chỉ đơn giản bởi họ thích nó từ khi nó còn là bản nháp.

* Làm ra một bộ phim tác giả, chị có tự thấy mình là một người phụ nữ khá mạnh?

Cái mạnh mà bạn nói thì phụ nữ VN nào cũng có hết. Tôi thấy đàn bà nước mình quả thật có một ưu điểm, đó là họ không mất thời gian phô trương sức mạnh, thành ra sức mạnh của họ tập trung và đúng lúc hơn. Trong khi đàn ông hoàn toàn khác, họ thường mất sức vào việc đó. Phụ nữ ở một thời điểm chín muồi sẽ nhận thức rằng họ đúng là người mạnh thật. Đập cánh giữa không trung là một hành trình khám phá bản thân của người phụ nữ. Họ những tưởng rằng mình mềm và yếu, cho nên họ cư xử giống thế cho đến lúc có sự va đập nào đấy để họ có cơ hội so sánh hoặc nhìn sự tương quan và hiểu ra, thật ra họ không mềm và không yếu.

Tất nhiên trong phim của tôi thì không có cái nhìn lạc quan, đại loại khi phát hiện ra rồi họ sẽ đấu tranh, giành quyền, giải phóng, vân vân, song họ cũng không tới nỗi bi quan. Họ chấp nhận chuyện ấy như lẽ đương nhiên.Thật ra chuyện biết chấp nhận vốn là cách sống rất thú vị mà không phải ai cũng làm được. Những người biết chấp nhận phải là những người rất mạnh. Và họ chấp nhận để làm gì? Để tránh không bị tổn thương thêm nữa, và để họ bảo toàn được năng lượng dùng cho những việc khác và dùng cho những người khác.

* Chị chọn con đường phim độc lập, đi gõ cửa các quỹ điện ảnh rồi đem phim trình chiếu ở nước ngoài vì chị ý thức được nó là cách tốt nhất để hoàn thành một tác phẩm hay trong đó còn lý do gì to tát hơn, như muốn góp sức đưa điện ảnh VN giao lưu quốc tế chẳng hạn?

Với tôi, làm Đập cánh giữa không trung đầu tiên để trả lời câu hỏi mình có đủ tài làm công việc này hay không, mà việc đi LHP là một phép thử rất tốt, dù mình chưa nắm rõ được thế nào, thì thôi mình cứ vin vào những thứ LHP cho mình để mình tiếp tục. Còn câu chuyện mang tính dân tộc kia, hoặc là nó đã tồn tại bên trong mình từ trong vô thức, hoặc nó không phải là điều đến trước song rõ ràng nó đã đến khi mình mang phim đi trình chiếu ở Venice. Tôi chợt nhận ra, mình cùng bộ phim của mình đang nói một ngôn ngữ rất xa lạ tại Venice, và cảm giác bạn hỏi có hiện hữu, vừa lãng mạn vừa chân thật. Tôi giữ cảm giác này rất lâu vì nó là cảm giác tốt để mình luôn thấy tươi mới khi mình đến những LHP sau đó. Chiếu một cái phim mà mình đã thuộc lòng thì có gì hay đâu nếu như mình không còn cảm xúc khác.

* Chị có nghe qua câu “đàn bà không làm được cách mạng” chưa?

Tôi thì đồng ý hoàn toàn câu ấy. Đàn bà không làm cách mạng. Đàn bà chỉ sinh ra những người làm cách mạng thôi. Như tôi nói, đàn bà không tốn quá nhiều thời gian cho việc phô trương sức mạnh, vì họ có quá nhiều việc, hết chăm chồng lại nuôi con. Năm ngoái tôi có đến một LHP tên Films de Femmes, tức là phim của đạo diễn nữ. Nữ đạo diễn VN có tôi, chị Síu Phạm, chị Việt Linh, cả Nguyễn Thị Thắm. Nói thật, ngay từ khi nghe tiêu chí của LHP, tôi cứ thấy nó “củ chuối” kiểu gì ấy. Nguyên cái chuyện phải đẻ ra LHP cho đàn bà thì nó đã nhấn mạnh về cái vị thế hơi thấp của đàn bà rồi. Chuyện đó không đúng, vì LHP nào đàn bà chẳng tham gia được.

Cám ơn chị về cuộc trò chuyện!

Nguyễn Khắc Ngân Vi

>> Vũ Hoàng Điệp gây xôn xao vì trót 'thử áo cô dâu
>> Vũ Hoàng Điệp 'thả rông' vòng 1, tự tin không 'dao kéo
>> Vũ Hoàng Điệp tái xuất với bộ ảnh lấy hoa hồng che ngực
>> Vũ Hoàng Điệp bật mí chuyện tắm trắng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.