Nguyễn Nhật Ánh: ‘Nhà văn là trụ đỡ tinh thần của trẻ em’

01/01/2015 03:08 GMT+7

Bất chấp sách văn học thiếu nhi nước ngoài ăn khách đang tràn ngập thị trường nước ta, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh vẫn ung dung chiếm lĩnh thị phần và trái tim người đọc. Anh đã có buổi phỏng vấn với Thanh Niên nhân dịp đầu năm mới 2015.

Bất chấp sách văn học thiếu nhi nước ngoài ăn khách đang tràn ngập thị trường nước ta, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh vẫn ung dung chiếm lĩnh thị phần và trái tim người đọc. Anh đã có buổi phỏng vấn với Thanh Niên nhân dịp đầu năm mới 2015.
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh tặng chữ ký cho bạn đọc trong ngày ra mắt tác phẩm Ngồi khóc trên câyNhà văn Nguyễn Nhật Ánh tặng chữ ký cho bạn đọc trong ngày ra mắt tác phẩm Ngồi khóc trên cây - Ảnh: DYO PAN
Anh có lo ngại về sự cạnh tranh giữa các tác phẩm văn học thiếu nhi đang ăn khách của nước ngoài với tác phẩm nội? Làm sao để nhà văn nội đủ sức giữ độc giả trước những cám dỗ của thời đại thông tin và sách ngoại tràn lan?
Về lý thuyết thì đây là một cuộc cạnh tranh không cân sức. Các NXB trong nước không chỉ in sách nước ngoài mà thường chọn in những tác phẩm best seller của nước ngoài. Điều đó có nghĩa các nhà văn viết cho trẻ em ở VN lâm vào thế "một mình chống cả thế giới", chính xác là chống những gì "đỉnh" nhất của thế giới. Nghe giống như thằn lằn đấu với khủng long. Nhưng trên thực tế, cho đến nay ngoài hiện tượng Harry Potter, chưa tác phẩm thiếu nhi nước ngoài nào trở thành best seller ở VN. Nguyên nhân: do sự khác biệt văn hóa, "gu" đọc của trẻ em Việt vẫn có điểm khác biệt với "gu" đọc của trẻ em các nước khác. Theo tôi, chính điểm khác biệt này đã tạo ra một miền đất hứa cho các nhà văn VN thỏa sức khai thác. Các tác phẩm được sáng tác bởi các nhà văn trong nước dù sao vẫn gần gũi hơn, quen thuộc hơn, dễ cảm nhận hơn với các độc giả nhỏ tuổi. Chỉ cần tận dụng tốt ưu thế đó, các nhà văn trong nước sẽ không ngại gì sách ngoại.
Viết sách cho thiếu nhi thời nay, nhà văn có cần học thêm kiến thức gì không và cá nhân anh đã phải bổ sung kiến thức đó bằng cách nào (nếu có)?
Khác với các nhà khoa học, tôi nghĩ nhà văn viết sách cho trẻ em chỉ cần giữ gìn sự tươi trẻ của tâm hồn và nuôi dưỡng thật tốt cảm hứng sáng tạo. Còn kiến thức là thứ trí óc thu nạp mỗi ngày một cách tự nhiên, không cần phải cố, trừ khi anh cần tới những kiến thức đặc biệt cho một tác phẩm cụ thể.
“Truyện của chú không chỉ dạy chúng con cách đọc, cách viết mà còn dạy chúng con cách yêu thương và chia sẻ" là nhận định của độc giả từng viết cảm nhận về anh. Đó có đúng là ý định mà anh thực sự muốn gửi gắm vào từng tác giả, hay chỉ là ý kiến cảm nhận chủ quan của độc giả?
Tôi vẫn luôn nghĩ nhà văn viết cho trẻ em là nhà giáo dục bẩm sinh. “Bẩm sinh” có nghĩa là anh không cố ý rao giảng đạo đức trong tác phẩm nhưng quá trình sáng tác, một cách tự nhiên anh biết điều gì sẽ giúp cho bạn đọc yêu mến cái Tốt, cái Thiện và ghê sợ cái Xấu, cái Ác. "Nhà văn là trụ đỡ tinh thần của trẻ em", tôi tin điều đó, cũng như tôi tin "bồi đắp tâm hồn và nhân cách một cách âm thầm và bền bỉ, đó là chức năng gốc rễ của văn chương, đặc biệt là văn chương viết cho thanh thiếu niên".
“Mỗi lần đọc tác phẩm của bác Ánh, mình có cảm giác như mình là một nhân vật trong câu chuyện ấy, có thể là nhân vật phụ cũng đôi lúc là nhân vật chính. Có những lúc đọc rồi cũng hoàn toàn nhập tâm vào nhân vật cảm giác như chính câu chuyện của mình cùng khóc cùng cười". Phải chăng đây là bí kíp khiến sách nào của anh cũng bán chạy và làm sao để có được bí kíp này?
Cái này không phải là bí kíp. Đó chỉ là sự đồng cảm về mặt tâm hồn giữa người viết với người đọc. Theo tôi, trong sáng tác cho trẻ em yếu tố này còn quan trọng hơn cả kỹ thuật, mặc dù đây là hai yếu tố không thể tách rời nhau.
Trong tác phẩm đang viết Bảy bước tới mùa hè xoay quanh những câu chuyện diễn ra trong mùa hè ngọt ngào, những trò chơi nghịch ngợm và bâng khuâng tuổi mới lớn, có bao nhiêu phần trăm là kỷ niệm thật của anh, của người thân bạn bè và bao nhiêu phần trăm là hư cấu? Anh có kỳ vọng cuốn sách này cũng trở thành sách best seller trong năm 2015 không?
Tỷ lệ sự thật/hư cấu trong một tác phẩm văn học không bao giờ là con số chi li, rạch ròi. Tôi chỉ có thể tiết lộ chính nỗi nhớ bạn bè trong những năm tháng ấu thơ ở quê ngoại Cẩm Lũ của tôi là cảm hứng cho tác phẩm này ra đời. Còn cuốn này có thành best seller 2015 hay không thì tôi không biết, tất nhiên nhà văn nào viết sách cũng mong muốn tác phẩm của mình sẽ được bạn đọc nồng nhiệt đón nhận.
Bốn bài thơ sẽ được in trong cuốn sách trên do anh sáng tác vào thời gian nào? Và hẳn có liên quan mật thiết tới tình tiết nào trong tác phẩm đó. Anh có thể hé lộ chút ít không?
Đây là 4 bài thơ dành cho học trò, tôi viết cho Báo Mực Tím trước đây. Tất cả các bài thơ đều ra đời trước cuốn truyện rất lâu. Điều thú vị là nhiều câu trong 4 bài thơ đó lại tình cờ liên quan đến các chi tiết trong truyện. Tôi thấy phù hợp nên đưa vào làm phụ bản trên nền tranh của họa sĩ Đỗ Hoàng Tường. Cũng là một cách làm mới cho vui.
Thật háo hức chờ đợi cuốn sách này. Chúc anh một năm mới tràn trề cảm hứng sáng tác với nhiều tác phẩm mới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.