Nhà hát trên giấy

06/01/2015 05:34 GMT+7

Theo kế hoạch, công trình Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HM sẽ hoàn công và đi vào hoạt động từ cuối năm 2015, nhưng đến nay, công viên 23.9 - nơi được chọn xây nhà hát vẫn không thấy động tĩnh gì.

Theo kế hoạch, công trình Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HM sẽ hoàn công và đi vào hoạt động từ cuối năm 2015, nhưng đến nay, công viên 23.9 - nơi được chọn xây nhà hát vẫn không thấy động tĩnh gì.

Vị trí sẽ xây dựng nhà hát trong khuôn viên công viên 23.9 - Ảnh: Đào Ngọc ThạchVị trí sẽ xây dựng nhà hát trong khuôn viên công viên 23.9 - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

“Chúng tôi vẫn chưa được giao đất”

NSƯT Trần Vương Thạch, Giám đốc Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM (HBSO) cho biết: “Sự thật là chưa từng có lệnh gì cả, sau kết luận của UBND TP về nhiệm vụ thiết kế xây dựng nhà hát từ năm 2013”. Theo ông, “Trong thời gian qua tôi được biết có nhiều đơn vị xã hội hóa làm việc với UBND, với ban quản lý dự án của Sở VH-TT-DL TP.HCM, là đơn vị chủ đầu tư. Nhưng cho đến nay vẫn chưa có đề xuất nào được chấp thuận hay được tiến hành”. Ông nói thêm: “Trong dự án này, ban giám đốc nhà hát chỉ là đơn vị tham mưu và thụ hưởng, thành ra chúng tôi rất thụ động”.

“Theo dự trù kinh phí, số tiền xây nhà hát ở công viên 23.9 khoảng hơn 100 triệu USD. Do đó có thể những năm qua chúng ta chưa chuẩn bị nguồn kinh phí lớn để sẵn sàng. Nhưng nếu chúng tôi chủ động, có lẽ sẽ có những tiến triển cụ thể hơn như tiếp xúc, tìm kiếm vận động, thương lượng..., kể cả vận động xã hội hóa. Vì có rất nhiều nhà tài trợ muốn tham gia, đóng góp cho bộ mặt văn hóa của TP”, Giám đốc HBSO khẳng định.

Đáng nói hơn, cho đến nay khu đất để xây nhà hát ở công viên 23.9 vẫn chưa được bàn giao. Đề cập vấn đề này, ông Thạch bức xúc: “Mọi chuyện vẫn chưa rõ ràng! Bởi nếu như giao đất thì dự án sẽ tiến triển nhanh hơn, việc tiếp xúc các đối tác và tiến hành xây dựng mới cụ thể hơn”.

Các đoàn nghệ thuật quốc tế ngại đến VN

 Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM vừa kỷ niệm 20 năm thành lập vào năm 2014, với những thành quả đáng tự hào: từ những chương trình biểu diễn định kỳ tại Nhà hát TP.HCM, tại Hà Nội và các tỉnh thành, tại các cuộc liên hoan quốc tế ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Indonesia, Lào, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Đài Loan, Mỹ, Pháp, Bỉ... đến những tác phẩm đỉnh cao trong kho tàng nghệ thuật thế giới đã được dàn dựng: các tác phẩm giao hưởng của các nhạc sĩ Mozart, Beethoven, Tchaikovsky, Brahms, Schumann..., các vở vũ kịch Carmen, Hồ Thiên Nga, Giselle, Kẹp hạt dẻ, Cô bé Lọ Lem, Cô bé Búp bê..., các vở thanh xướng kịch Messiah, Creation, các vở nhạc kịch Dido và Aeneas, Cây sáo thần... Và đặc biệt không thể không nhắc đến thành công của chương trình Giai điệu trẻ trong việc giới thiệu, phổ biến âm nhạc hàn lâm đến với khán giả trẻ. Sở dĩ phải nói “đáng tự hào” bởi trong ngần ấy thời gian, hàng trăm nghệ sĩ của HBSO phải “ăn nhờ ở đậu” mọi nơi có thể để hoạt động nghệ thuật: từ rạp chiếu phim Khải Hoàn, rồi rạp Nhân Dân, trụ sở 2 của  Sở VH-TT-DL và hiện nay là tầng hầm khá chật hẹp của Nhà hát TP.HCM. Chính vì không có nhà hát cho chính mình nên mỗi lần chuẩn bị ra mắt vở mới, các đoàn nhạc kịch, vũ kịch và giao hưởng của nhà hát phải phân tán đủ chỗ để tập luyện. Chưa kể còn nhiều nhạc cụ tiền tỉ vẫn “trùm mền” ở rạp Thanh Vân, vì chưa có sân khấu thiết kế riêng biệt để lắp đặt và sử dụng.

Giám đốc HBSO cho biết: “Cũng vì chưa có nhà hát đúng tiêu chuẩn nên chúng tôi đã bỏ lỡ nhiều cơ hội hợp tác, biểu diễn”. Vì Nhà hát TP.HCM quá nhỏ, từ sân khấu đến khán phòng (chỉ dưới 500 chỗ) nên những dự án biểu diễn xuyên châu Á của các nước trong khu vực đều... bỏ qua VN. Hoặc gần đây, dàn nhạc giao hưởng Philadelphia của Mỹ hay dàn nhạc giao hưởng Thái Lan cũng  muốn sang VN biểu diễn nhưng kết quả không thành vì Nhà hát TP.HCM không đạt yêu cầu của họ.

Ông  Trần Vương Thạch cho rằng việc xây dựng nhà hát giao hưởng không chỉ để phục vụ cho âm nhạc hàn lâm hay khán giả hàn lâm như nhiều người vẫn nhầm tưởng, mà là phục vụ cho đời sống văn hóa nói chung của người dân TP. “Nếu theo kế hoạch xây dựng, với 2 khán phòng chính có tổng sức chứa 1.700 chỗ, nhà hát có thể phục vụ tất cả các loại hình nghệ thuật, trong đó có giao hưởng nhạc vũ kịch”, ông nhấn mạnh.   

Ngày 5.1, trao đổi với PV Thanh Niên, ông Hứa Ngọc Thuận, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết TP đã có định hướng quy hoạch, chủ trương xây dựng nhà hát tại công viên 23.9 bằng nguồn vốn ngân sách nhưng thời gian chính thức thực hiện thì TP đang cân nhắc.

Theo ông Thuận, trong năm 2015 cũng chưa thể khởi công xây dựng nhà hát vì vướng công trình xây dựng nhà ga trung tâm Bến Thành (Q.1) của tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đang được triển khai. Công trình nhà ga trung tâm Bến Thành nằm ở vị trí phía trước chợ Bến Thành (khu vực vòng xoay Quách Thị Trang) và nối dài đến công viên 23.9, được xây dựng ở độ sâu khoảng 40 m dưới lòng đất. Do để đảm bảo thi công hoàn chỉnh nhà ga trung tâm Bến Thành (dự kiến năm 2018 mới hoàn thành - PV) nên trước mắt TP chưa xác định cụ thể thời điểm khởi công xây dựng nhà hát.
Đình Phú
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.