Nhà máy 100 tuổi thành bảo tàng?

Cơ quan chức năng đề nghị tạm dừng phá dỡ và xem xét lập hồ sơ di tích cho nhà máy kẽm 100 tuổi tại xã Quảng Yên, Quảng Ninh.

Nhà máy kẽm duy nhất còn lại tại Đông Nam Á


Công trình Nhà máy kẽm Quảng Yên do người Pháp thiết kế, người Việt thi công vào đầu thế kỷ 20 hiện chưa thuộc danh mục di tích lịch sử. Theo ông Nguyễn Việt, đó cũng là công trình duy nhất còn sót lại đại diện cho thời kỳ tiền công nghiệp, trong khi các nhà máy ở TP.Hải Phòng, TP.HCM, Nam Định... đã bị phá dỡ. Tổng diện tích nhà máy là 56.600 m2.
Ông Nguyễn Trung Hà, Trưởng phòng Quản lý di sản, Sở VH-TT tỉnh Quảng Ninh, cho rằng dù chưa được công nhận nhưng Nhà máy kẽm Quảng Yên có đủ yếu tố cấu thành một di tích lịch sử. Vì vậy cần đưa vào danh mục di tích, đề nghị tỉnh xét duyệt công nhận di tích lịch sử.

Có rất nhiều thành phần tham dự cuộc họp chiều 6.7 tại UBND TX.Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh để quyết định số phận của Nhà máy kẽm Quảng Yên: Sở Xây dựng, Sở VH-TT, Cục Di sản (Bộ VH-TT-DL), Viện Nghiên cứu kỹ thuật xây dựng...
Theo TS Nguyễn Việt, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu tiền sử Đông Nam Á, đây là nhà máy kẽm duy nhất còn lại trong khu vực Đông Nam Á đã đối diện với nguy cơ bị phá dỡ hồi đầu năm nay. Ông Việt cũng chính là người đã gửi đơn kêu cứu cho nhà máy tới Hội đồng Di sản quốc gia.
Ông Trần Bá Việt, Phó viện trưởng Viện Khoa học công nghệ xây dựng (Bộ Xây dựng), cho biết công trình không chỉ mang giá trị lịch sử mà còn có giá trị về công nghệ sản xuất và khoa học. “Mái vòm của công trình được thiết kế, xây dựng rất đẹp và chắc chắn. Việc xây dựng kiểu mái vòm vốn rất khó nhưng từ ngày xưa những người thợ VN đã làm được như vậy phải nói là rất giỏi”, ông nói.
Theo PGS-TS Đặng Văn Bài, Phó chủ tịch Hội Di sản văn hóa VN, sau hàng trăm năm, các dấu ấn di sản công nghiệp ở nhiều địa phương đã biến mất hoàn toàn. Vì thế, nhà máy này cần được giữ để làm chứng tích cho lịch sử luyện kim VN. Trước đó, ngày 13.6, Cục Di sản cũng đề nghị địa phương nghiên cứu giá trị, đề xuất phương án bảo tồn nhà máy kẽm.
Chủ trì cuộc họp, ông Trần Văn Hà, Phó giám đốc Sở Xây dựng Quảng Ninh, cho biết sẽ tạm dừng chủ trương dỡ phần ống khói bị xuống cấp. Trước mắt, trong tháng 7 này, sẽ giám định lại công trình để lên phương án bảo tồn. Đồng thời ông cũng đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh xem xét xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cho nhà máy.
Bảo tàng công nghiệp
TS Vũ Thế Long, Viện Khảo cổ học, chia sẻ khoảng 20 năm trước khi lập dự án Bảo tàng Quảng Ninh, ông đã kiến nghị giữ lại những di tích mỏ than cổ khai thác từ các thời đại xưa của địa phương này, gồm: thang máy, đường hầm và các xưởng máy, trang bị khai thác than cổ. Tuy nhiên, Bảo tàng Quảng Ninh đã không làm vậy, và ông Long nghĩ tới việc nhà máy kẽm sẽ thành bảo tàng lưu dấu ấn công nghiệp.
Trong khi đó, TS Nguyễn Việt cho biết nếu được giữ toàn bộ lại, hoàn toàn có thể biến nhà máy này thành một bảo tàng công nghiệp. “Chúng ta phá quá nhiều, nào là Nhà máy dệt Nam Định, Nhà máy đóng tàu Ba Son, Nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo, các nhà máy rượu bia... Đừng quên phát huy giá trị di sản chứ không phải chỉ xây hết lên. Nhà máy kẽm này gắn với công nghệ thời xưa, với đời sống công nhân chủ thợ. Một loại hình giáo dục tuyên truyền khá hấp dẫn”, ông nói.
Bảo tàng công nghiệp này có thể có nội dung tương tự một bảo tàng công nghiệp khác tại Đức. Chỉ khác là bảo tàng ở Đức được xây dựng trên cơ sở của một nhà máy gang. “Khách thăm sẽ hiểu thế nào là kẽm, từ quặng qua nhiều quá trình, làm thế nào ra kẽm. Từ khai quặng sẽ có đồ gia dụng như thế nào. Khách tham quan cũng có thể ra khỏi bảo tàng với sản phẩm kẽm của chính mình. Sẽ có mấy chục cái khuôn. Và thậm chí sẽ có cả nhóm được tự làm khuôn. Số còn lại sẽ dùng các khuôn đơn giản như thìa, cốc, bát”, ông Việt nói.
Cũng tại bảo tàng này, khách có thể thăm ngành than qua những tái hiện hầm mỏ, hiện vật sưu tập tập trung về. “Đấy không chỉ là nhà máy kẽm. Hoàn toàn có thể tái hiện hầm mỏ, công nghiệp than trong khu vực này để khách tham quan hình dung việc hình thành công nghiệp VN thế kỷ 19”, ông Việt nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.