Nhà văn Đức… 'sốc' khi viết 'Những cô gái đi xe máy mặc áo khoác hoa'

14/11/2017 17:37 GMT+7

Ngày 14.11 tại TP.HCM, First News và Viện Goethe đã tổ chức buổi giao lưu với dịch giả Đinh Bá Anh và nhà văn Lê Minh Khôi nhân dịp NXB Tri Thức ra mắt cuốn Những cô gái đi xe máy mặc áo khoác hoa của nhà văn người Đức Juli Zeh khi cô đến Việt Nam.

Dịch giả Đinh Bá Anh chia sẻ: “Juli Zeh là con gái của một nghị sĩ Đức. Cô bén duyên với Việt Nam khi nhận được lời mời từ Viện Goethe nhân dịp kỷ niệm 35 năm Đức và Việt Nam thiết lập quan hê ngoại giao. Với 21 ngày ngắn ngủi đi từ Hà Nội xuôi vào TP.HCM, Juli Zeh gần như huy động mọi giác quan của mình ở cường độ cao để xem, nghe, cảm nhận và kết quả của hành trình này là những trang du ký vô cùng độc đáo về văn hóa, con người Việt Nam…".
"Cô là người “có khiếu” đi rất nhanh, ngay cả đàn ông mạnh mẽ của Việt Nam cũng khó bì kịp việc… đi với cô. Mỗi ngày 1 balô to trên vai, nhà văn ''trèo đèo vượt suối'' với cây bút và cuốn sổ ghi chép, rong ruổi tới mọi vùng đất để viết và viết. Juli Zeh tự coi mình như là một con chó nhỏ chơi cuộn len, nó tò mò, săm soi, háo hức, lăn cuộn len ra rồi kéo lại gần, tung lên, dằn xuống… để tìm kiếm điều bí mật. Và những "bí mật" rất con người nơi đây để Juli Zeh cho ra đời những trang viết giàu tính hài hước, tự trào nhưng cũng không kém phần sắc bén với hiện thực mà càng đọc lại càng cảm thấy thích thú”, ông Đinh Bá Anh nhận xét.
Nhà văn Juli Zeh Ảnh: Quỳnh Trân chụp từ tư liệu
Trong tác phẩm, Việt Nam đón Juli Zeh bằng những cú sốc. Vừa đặt chân xuống sân bay: sốc nhiệt. Bước ra đường: sốc giao thông. Ẩm thực: sốc rối loạn tiêu hóa… Tất cả, dồn dập đến mức, Juli Zeh gọi Việt Nam là “đất nước của sự hòa tan những mâu thuẫn khó hiểu”.
Đồng hành cùng chứng tụt huyết áp lẫn rối loạn tiêu hóa nặng đến mức phải vào bệnh viện cấp cứu nhưng rất lạ là những câu chuyện Việt Nam mà Juli Zeh kể, dù có những điều vi tế khiến nữ nhà văn khó chịu nhưng suốt hành trình của cô, độc giả không hề thấy sự bài xích hay miệt thị. Ngược lại, đó là thái độ của một người bạn, đang dành những góp ý chân thành của mình cho một người bạn, bằng thứ ngôn ngữ hóm hỉnh và bình dân nhất có thể.
Rất thẳng thắn, Juli Zeh viết: “Ở Hà Nội chúng tôi khổ sở vì bị phục vụ quá nhiều, đến nỗi chúng tôi phải ngăn họ tiếp thức ăn mỗi khi cốc bia hoặc đĩa thức ăn vơi đi một nửa. Cứ ba phút chúng tôi phải ngưng trò chuyện để sốt ruột buông một câu "No thank you" dành cho đội ngũ tiếp viên chuyên nghiệp quá mức”.
Còn độc đáo nhất ở Việt Nam, theo Juli Zeh, đó lại là “những cô gái đi xe máy mặc áo khoác hoa, khăn trùm kín mặt, lại còn thêm cả khẩu trang sặc sỡ, kính râm và mũ bảo hiểm bọc vải hoa. Như một ánh chớp, ngôn ngữ chụp ngay lấy hiện tượng, nuốt trôi, tiêu hóa và bắn ra thành khái niệm chính xác: đội quân cướp nhà băng sặc sỡ. Tôi hoan hỉ ngắm nghía khái niệm này từ mọi hướng, tuyệt diệu, chuẩn không cần chỉnh. Nhưng Sài Gòn thân mến và Việt Nam thân mến ạ, mặc dù vậy, tôi vẫn không còn cảm hứng để viết về bạn nữa, chỉ vì một lý do đơn giản: Tôi bắt đầu thấy ở đây quen thuộc như ở nhà mất rồi…”. 
Juli Zeh sinh năm 1974 tại Bonn (CHLB Đức). Cô là tiến sĩ luật, nhà báo, nhà hoạt động xã hội và nhà văn. Tác giả của 5 cuốn tiểu thuyết, kịch, nhiều tiểu luận về văn chương và xã hội. Tác phẩm Đại bàng và Thiên thần in năm 2001, được dịch ra 31 thứ tiếng, đã đưa tên tuổi Juli Zeh nổi lên như cồn. Cô được trao nhiều giải thưởng văn chương uy tín, trong đó đáng kể nhất là Giải sách Đức năm 2002 và Giải Thomas Mann năm 2013.
Trong lĩnh vực du ký, Juli Zeh tạo được dấu ấn với tập ký sự Sự im lặng là một tiếng động (Stille ist ein Gerausch, 2002), kể về đất nước Bosnia thời hậu chiến với những con người bị lãng quên giữa lòng châu Âu.
Năm 2010, cô tham gia dự án khám phá Việt Nam do Viện Goethe tổ chức và Những cô gái đi xe máy mặc áo khoác hoa được hoàn thành sau chuyến đi này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.