Nhà văn Nguyễn Văn Xuân người hạnh phúc

13/08/2009 22:23 GMT+7

Nhà văn Nguyễn Văn Xuân về bên kia thế giới đã 2 năm. Ông ra đi, để lại một khoảng trống trong những cuộc luận bàn văn chương thế sự...

1.Trước 1975, đọc văn và những sách khảo cứu của ông về Chinh phụ diễn âm tân khúc, Phong trào Duy Tân... tôi rất mê. Không chỉ vì tri thức của ông mà còn vì tính phản biện luôn đầy ắp trong ông.

Một bài viết trên trang web của cựu học sinh - giáo chức trường Trung học Phan Thanh Giản - Đà Nẵng, bộc lộ rõ tinh thần phản biện của ông. “Nói đến Quảng Nam, người ta hay nhắc chuyện học. Người Quảng Nam cũng tự tin, tự hào về mặt này. Họ lại cũng hay nhắc về “Ngũ phụng tề phi”. Tôi nhớ trước kia, các sinh viên Quảng Nam có đề nghị tôi phát biểu về sự kiện này. Tôi cũng cho đó là điều đáng quan tâm qua những kỳ thi Hội, thi Đình ở một vài tỉnh. Ba tiến sĩ, hai phó bảng cùng đỗ một khoa thi thì cũng đúng là “Năm con phượng cùng bay”. Nhưng trong việc học, bằng cấp cao đến đâu cũng chỉ đánh dấu sự khởi đầu... Điều quan trọng nhất của việc học hành, chính là đậu để làm gì? Để lập sự nghiệp. Năm nhà đại khoa đó có sự nghiệp chính trị, văn hóa, học thuật nào? Tôi không thấy. Vậy ta nên coi đó là giai thoại giúp cho các bạn trẻ phấn chấn hơn trong việc học hành. Học giỏi, đậu cao, phụng sự đất nước, có sự nghiệp xứng đáng, lưu danh là điều đáng quý, đáng trân trọng, noi gương. Song đã có “Lục phụng bất tề phi”. Phạm Phú Thứ (tiến sĩ), Phan Châu Trinh, Nguyễn Duy Hiệu (phó bảng), Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng (tiến sĩ), Phạm Như Xương (Hoàng Giáp)...”. Ông Nguyễn Văn Xuân khẳng định: “Lục phụng bất tề phi mới thực sự nêu gương cho tuổi trẻ biết thế nào là học và hành, bây giờ và cả trong trường kỳ lịch sử...”.

2.Đêm ông mất, nhận điện thoại của nhà văn Thái Bá Lợi, tôi vẫn chưa tin, sáng ra mới biết đúng là ông đã "không còn thở nữa". Nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng đã chọn nơi định cư vĩnh viễn cho ông với phác thảo ngôi mộ toát lên tinh thần tĩnh tại, phóng đạt của “Một nhà văn hóa lớn quê tôi” - chữ dùng của nhà văn Nguyên Ngọc. Ông Hạng cho hay, ban đầu gia tộc chỉ dành 12 mét vuông đất nghĩa trang cho ông Xuân nhưng sau khi được xem các bài báo viết về Nhà văn - học giả Nguyễn Văn Xuân, bà con ở quê đã vui vẻ nhường đến 100 mét vuông đất. Nhiều nhà báo, văn nghệ sĩ và đông đảo thân hữu của nhà văn ở miền Nam, miền Trung đã đóng góp kinh phí xây mộ. Chỉ một việc nhỏ không vui, theo nhà văn Thái Bá Lợi, Hội Nhà văn VN đã không gửi vòng hoa viếng, do nhà văn Nguyễn Văn Xuân... không có tên trong danh sách hội viên!

Sinh thời, ông Nguyễn Văn Xuân có rất nhiều danh hiệu: nhà văn, học giả, nhà nghiên cứu, nhà viết kịch, nhà diễn thuyết, nhà giáo... Ông Phạm Văn Hạng tiết lộ, nhà văn từng ước muốn khi qua đời, được an táng bên dưới ngôi mộ của Ông Ích Khiêm trên đồi Phong Lệ Bắc. Nhưng rồi ước muốn ấy của ông đã không thành. Theo quốc lộ 1, đoàn đã đưa ông về làng cũ, nơi năm đầu của thập niên 20 thế kỷ trước, ông cất tiếng chào đời. Tại đây, các cụ cao niên đã làm lễ tưởng niệm “Nhà văn Nguyễn Văn Xuân - người con ưu tú đất Thanh Chiêm” với bao tình cảm chứa chan. Và rồi, ông đã mãi mãi yên nghỉ tại nghĩa trang xã Điện Nam, huyện Điện Bàn - Quảng Nam.

3.Khi nằm xuống, nhà văn Nguyễn Văn Xuân đã để lại một khoảng trống trong những cuộc luận bàn văn chương thế sự. Theo nhà phê bình Đặng Tiến, Nguyễn Văn Xuân là một nhà văn hóa, thập niên 1960 có lúc dạy chữ Nôm tại Đại học Huế và phát hiện trong một tủ sách gia đình bản văn chữ Nôm của Phan Huy Ích dịch Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn, mà bản dịch này trước đây vẫn được xem là của bà Đoàn Thị Điểm. Theo ông Tiến: "Phát hiện của ông Nguyễn Văn Xuân đã giúp thêm bằng chứng cho học giả Hoàng Xuân Hãn, người đã khẳng định, từ 1950, dịch phẩm Chinh phụ ngâm hiện nay là của Phan Huy Ích". Sinh thời, ông Nguyễn Văn Xuân luôn xác quyết phát hiện trên, và khẳng định tên tác phẩm là Chinh phụ diễn âm tân khúc chứ không phải Chinh phụ ngâm. Điều này đã gây ra tranh cãi trên văn đàn miền Nam, trước 1975, còn đến nay thì hầu như bỏ ngỏ.

4.Trong mắt nhà văn Thái Bá Lợi, ông Nguyễn Văn Xuân là người hạnh phúc: "Người ta nói ông là người ít hạnh phúc trên đường đời, nhưng tôi nghĩ khác. Người hạnh phúc là người nói được điều mình muốn nói, làm được điều mình muốn làm. Một ví dụ: năm 1985, Nhà xuất bản Đà Nẵng đặt ông viết một cuốn biên khảo tạm lấy tên là Quảng Nam từ khi hình thành đến khởi nghĩa Tây Sơn. Trong hai năm, anh em biên tập thường đến nhà ông, vừa thăm hỏi vừa xem công việc tiến triển đến đâu. Ông không đả động gì đến cuốn biên khảo mà chỉ tâm sự về một tiểu thuyết. Cuốn sách ấy ông đặt tên là Quái nữ, viết về một người đàn bà kỳ lạ thời Chúa Nguyễn. Hết thời gian thỏa thuận với nhà xuất bản, thay vì nộp cuốn biên khảo, ông lại có tiểu thuyết Kỳ nữ họ Tống. Ông đã làm được điều ông muốn mà không hề để tâm đến những ràng buộc trước đó. Ông thật sự là một người hạnh phúc".

Kỳ nữ họ Tống dựa theo câu chuyện về một người đàn bà có thật trong lịch sử xứ Đàng Trong, một thời làm đảo điên cả triều đại Chúa Nguyễn, suýt xóa bỏ cả triều đại này trong lịch sử Việt Nam... Báo Nông thôn ngày nay đã đăng dài kỳ tiểu thuyết lịch sử này trên báo. Sau đó, tác phẩm đã được Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật toàn quốc trao giải A năm 2003.

Đặng Ngọc Khoa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.