Nhạc sĩ của Trường Sa

22/01/2012 07:51 GMT+7

(TN Xuân Nhâm Thìn) Đã có hàng ngàn trang sách cả thơ lẫn văn viết về Trường Sa, song ca khúc viết cho quần đảo này thì chưa nhiều. Trong số ít đó, Gần lắm Trường Sa của Hình Phước Long đã trở nên nổi tiếng.

(TN Xuân Nhâm Thìn) Đã có hàng ngàn trang sách cả thơ lẫn văn viết về Trường Sa, song ca khúc viết cho quần đảo này thì chưa nhiều. Trong số ít đó, Gần lắm Trường Sa của Hình Phước Long đã trở nên nổi tiếng.


Nhạc sĩ Hình Phước Long - ảnh: Thiện Nhân

Năm nay nhạc sĩ Hình Phước Long đã qua tuổi 60, ông sống cùng gia đình trong căn nhà nhỏ ở TP.Nha Trang, Khánh Hòa. Sau hơn 40 năm gắn bó với âm nhạc, Hình Phước Long đã có 400 ca khúc. Nhưng bài hát đã làm cho hàng triệu người Việt Nam không thể quên tên ông chính là Gần lắm Trường Sa. Một điều khá đặc biệt xung quanh ca khúc là cho đến năm 1982, Hình Phước Long chưa hề đặt chân lên quần đảo thiêng liêng này nhưng ông đã có Gần lắm Trường Sa rồi. Ông nhớ lại: “Giữa năm 1980, tôi đang công tác tại Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Cam Ranh, được Lữ đoàn 146, đơn vị bảo vệ quần đảo Trường Sa mời thiết kế chương trình biểu diễn văn nghệ quần chúng. Tại đây tôi được xem bộ phim tài liệu Tổ quốc trên một vùng đảo nhỏ và nghe những người lính trẻ kể về cuộc sống nơi đảo xa. Xúc động trước những hy sinh, gian khổ của người lính nơi quần đảo ấy, tôi tự hứa với lòng mình rằng thế nào cũng viết một ca khúc về Trường Sa. Bắt đầu từ hôm đó, Trường Sa cứ thức ngủ trong tôi, một tiếng sóng biển hay nhìn một cánh chim, tôi cũng thấy xao xuyến trong lòng. Nhưng mãi đến đầu năm 1982, những nốt nhạc đầu tiên về Trường Sa mới thoát ra khỏi nỗi ám ảnh đó rồi hiện dần thành ca khúc Gần lắm Trường Sa như mọi người đã biết”.

Mãi đến hai năm sau, năm 1984, nhạc sĩ Hình Phước Long mới có dịp ra thăm Trường Sa trong chuyến đi dài 21 ngày, đến được 9 đảo. Ông nói: “Khi biết tác giả ca khúc Gần lắm Trường Sa ra thăm đảo, những người lính vây quanh, rồi ôm chầm lấy tôi như bạn cũ lâu ngày gặp lại. Họ bắt tôi hát đến mệt nhoài. Trường Sa lúc ấy đã không còn “gần lắm” nữa, chính tôi cùng những người lính đã được Trường Sa ôm chặt vào lòng. Nơi anh đóng quân là một vùng đảo nhỏ, bên đồng đội yêu thương/Chỉ có loài chim biển sóng vỗ điệp trùng quanh gành trúc san hô/Trường Sa ơi biển đảo quê hương... Không xa đâu Trường Sa ơi/vẫn gần bên em vì Trường Sa luôn bên em/vẫn gần bên anh vì Trường Sa luôn bên em… Hát xong ca khúc, tôi và nhiều anh em không cầm được nước mắt”. Sau chuyến đi đó, ông viết tiếp ca khúc Tiếng hát đảo Sơn Ca, Đêm trên đảo Thuyền Chài, Tâm tình người lính Trường Sa, Vầng trăng nơi đảo xa, Khi người lính hát trên đảo, Xuân về bỗng nhớ, Lung linh hồn biển…

Những ca khúc viết về Trường Sa của Hình Phước Long đã vượt qua thời gian và cả không gian để đến với đông đảo kiều bào. Trong lá thư gửi nhạc sĩ Hình Phước Long vào giữa tháng 8.2011, bà Huỳnh Thị Qua (69 tuổi, Việt kiều Úc) đã viết: “Tôi là người con xa quê hương nhưng luôn hướng về Tổ quốc. Nghe những ca khúc của ông viết về Trường Sa, như là món quà tinh thần, vừa động viên người lính đang làm nhiệm vụ ở đảo xa, vừa gắn kết bao tấm lòng trong nước và kiều bào nước ngoài với chủ quyền thiêng liêng Tổ quốc...”.

Thiện Nhân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.