Nhàn đàm: Cá ồ nấu mẳn trên đất Mỹ

25/04/2021 06:00 GMT+7

Cuối tuần đi chợ Việt, thấy người ta bán cá ồ tươi rói. Đất hỡi trời ơi tay chân tôi cứ luống cuống vì mừng bởi lâu rồi mới có.

Mùa này ở quê, cá ồ theo con gió Nam non đổ lửa, tràn về vùng biển Khánh Hòa, Phú Yên trù phú. Cá ồ gần giống cá bò, lưng xanh, lườn trắng, nhỏ cỡ cùm tay, lớn thì bằng bắp tay, dài hơn một gang, bơi từng đàn dập dìu cả vùng biển rộng. Thế là mua một mớ, nhờ làm sẵn rồi mang về. Hai chị em bàn coi nấu món gì cho ngon? Xẻ lườn đem hấp trong xửng hay lấy muối, đường, bột ngọt với ớt xanh giã nát rồi trét bên ngoài, cuộn lá chuối… đông lạnh, bỏ vô lò nướng sau đó cuốn bánh tráng, kèm rau sống, dưa leo, xoài chua, chấm mắm nêm trộn thơm? Một đỗi sau, chị quyết định lấy hai con bỏ tủ lạnh bữa nào hấp, còn hôm nay thì nấu mẳn.
Nhắc lại món này cũng vui. Mấy năm trước tôi đăng lên Facebook. Có người vô nói tôi viết sai chính tả, nấu mặn chứ nấu mẳn là món gì? Tôi giải thích thế nào cô ấy cũng không chịu, tại bảo hồi giờ chưa thấy sách báo nào nhắc tới. Cá ồ nấu mẳn dễ òm à. Nhà tôi từ lớn tới nhỏ ai cũng biết nấu. Coi như đó là một trong những món tổ của gia đình. Cắt cá làm bốn, nêm mắm, hành củ, thiệt nhiều tiêu bột và màu kho, đổ nước khoảng nửa nồi, để lửa nhỏ chừng hơn nửa tiếng, nêm nếm vừa ăn là nhấc xuống. Gia vị thấm vào từng thớ thịt tươi rói, đậm đà tới tận xương. Nước cá đen thui bởi màu kho và tiêu. Cay xè. Nấu mẳn là phải cay tiêu, không cay thì chẳng thể gọi là nấu mẳn. Ăn cẩn thận chứ không tiêu hăng tới mũi, hắt xì long não. Múc một tô, canh chẳng ra canh, kho chẳng ra kho, lưng lửng nước. Dầm hai trái ớt xanh, chan lên chén cơm, lua một đũa, mồ hôi mẹ mồ hôi con thay phiên rớt lộp độp, nhưng trời ơi ngon không gì sánh nổi.
Bọn tôi hỏi má, sao không nấu canh hay kho cá ồ, mà đem nấu mẳn chi cho lỡ cỡ. Má nói chắc tại ông bà mình ngày xưa nghèo quá, mua hai con cá, nấu canh thì lõng bõng, nước không đủ ngọt. Kho thì quá ít, nhà lại đông con, cứ sợ chia chẳng đều. Chắc vì vậy nên người ta nghĩ ra món nấu mẳn để có nhiều nước mặn chan cơm cho khắp mà còn ngon miệng. Hồi nhỏ má nói sao thì tôi nghe vậy, nhưng lớn lên, đi tám hướng mười phương, tôi tìm ra những ẩn tình lẫn triết lý ẩm thực của món ăn ghi đậm dấu ấn tuổi thơ nơi quê nghèo. Trời khô nắng nóng, cứ ra vườn gom đủ thứ các loại rau, từ nhút, tới mồng bát, mồng tơi, dền trắng, dền đỏ đủ loại vô nấu một nồi nêm bột ngọt với muối, thành canh rau tập tàng giải nhiệt. Lụt về, nước ngập khắp lối đi, chị vô bếp lôi mớ mực cơm muối mặn để cả năm ra, ngâm nước cho mềm, xắt khúc, đem kho với mắm, đường, tỏi, tiêu, hành ăn sinh nhiệt. Thịt vịt hàn phải ăn với mắm gừng cho ấm bụng. Cá trắng xương cứng thì đem kho với lá gừng và tương hột để mau mềm… Và còn hàng trăm món khác nữa.
Bạn hỏi thèm ăn thứ gì không, em gửi qua? Tôi bảo có mà đóng thùng gửi hết tất cả món ngon vật lạ xứ Ninh Hòa qua đây cũng chưa đủ. Cả năm dịch bệnh chưa thể thăm nhà. Mấy món mắm muối, cá mực đậm tình quê trong tủ lạnh cũng đã cạn dần mà ngày về còn xa tít tắp. Giữa hàng trăm món mỹ vị cao lương, xoong cá ồ nấu mẳn thấm đẫm tình thương lẫn nhớ khôn nguôi năm tháng ấu thơ ở một quê hương cách nơi tôi thiên di nửa vòng trái đất.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.