Nhàn đàm: Nhớ nồi xông của mạ

05/03/2017 06:00 GMT+7

Có lẽ không mưa nào buồn hơn mưa thu, nhất là mưa ở xứ người, lại ở một mình. Hàng cây phong quanh nhà đang xanh sẫm mà chỉ sau vài cơn mưa đã vàng úa và chuyển dần sang sắc đỏ.

Tôi nằm cuộn tròn trong chăn ngó ra cửa sổ, từng giọt mưa cứ tí tách rơi trong một nỗi buồn mênh mang. Mưa thu đã buồn càng buồn hơn khi cơn cảm sốt dằng dai suốt mấy ngày không có dấu hiệu thuyên giảm. Ốm suốt ba ngày nay. Nguyên do là tiết trời châu Âu mùa này đỏng đảnh như cô gái quá thì. Buổi sáng trời đang còn nắng ấm, buổi chiều giá lạnh từ đâu quay ngoắt về . Và buổi tối là mưa, mưa miên man không dứt. Sáng và tối nhiệt độ có khi chênh nhau hàng mười mấy độ, những người chớm già như tôi, nhất là người mới qua xứ lạnh cũng phải đầu hàng cái kiểu thời tiết nắng sớm mưa chiều như vậy.
Sốt. Cứ nóng hầm hập dù ngoài trời đang chuyển dần sang âm độ. Cổ họng khát khô đau nhức. Hết nóng lại chuyển sang lạnh, từng cơn rét thấu xương. Đã uống thuốc cảm mà cơn sốt vẫn không lui. Trong cơn mộng mị, mê sảng, tôi mơ hồ thấy mạ tôi với nếp quầng thâm quen thuộc trên đôi mắt đầy âu lo. Bà dịu dàng đặt bàn tay mềm mại lên trán tôi và như khẽ nói: “Sao con không thử xông?”. Bà mất vừa tròn đầy năm...
Tôi vẫn nhớ như in nồi xông của mạ.
Quy Nhơn hồi ấy đã là thị xã. Nhưng mỗi lần cảm sốt, ngoài vỉ thuốc cảm thông thường, cạo gió và mấy nắm lá rau tần dày lá giã nát xoa khắp người thì nồi xông hình như là phương cách chữa cảm phổ biến nhất của người xứ biển. Nồi xông của mạ không cầu kỳ như trong sách vở, có khi chỉ là mấy nhúm lá khuynh diệp hái ngoài đường hay mấy ngọn lá gừng, tía tô mua vội ngoài chợ xép. Những hôm mưa bão không ra khỏi nhà, nồi xông có khi chỉ là nồi nước nấu sôi sùng sục, nhỏ vào vài giọt dầu Nhị Thiên Đường thơm lừng. Nhưng nồi xông mà chín anh em tôi mong chờ nhất là nồi xông củ lang. Khoai lang Lệ Cần đỏ au, rửa sạch nấu chín tới trên bếp. Chiếc mền cũ được mạ tự tay phủ lên và cũng chính mạ he hé nắp nồi để những làn hơi nóng quyện mùi khoai lang bốc lên thơm ngào ngạt. Mồ hôi túa ra như suối và cơn cảm sốt hình như cũng chảy tan theo từng làn hơi mù mịt.
Tôi nhớ như in đứa bệnh, cái đứa nằm ủ trong mùi khoai lang đó được phần khoai nóng nhiều nhất do chính tay mạ bóc và hối ăn cho mau giải cảm...
Trong cơn mê sảng, nồi xông khoai lang cứ chập chờn. Tôi vùng dậy lục trong tủ lạnh còn mấy củ khoai tây, hai quả cam và miếng gừng nhỏ mang từ VN sang. Lấy chiếc nồi cơm điện lưng lửng nước, tôi lần lượt bỏ vào mấy cái vỏ cam cùng ba củ khoai và nhánh gừng. Nhớ lá khuynh diệp, lá tía tô của mạ, tôi nhìn qua khung cửa sổ mùa đông nước Đức ảm đạm mây giăng giăng buốt giá, cây phong mùa thu vàng ươm vắt qua. Khoèo vội mấy nhành lá phong, mới hay cây phong cũng có mùi hăng hăng thơm thơm như khuynh diệp. Nhớ trong mấy câu chuyện của nước Nga xa xưa, mấy anh nông dân Nga vẫn dùng lá phong xông hơi trong những ngày mùa đông băng giá. Cứ thế khi nồi cơm điện sôi sùng sục, tôi lặng lẽ trùm kín chiếc chăn bông to sù sụ. Hơi nóng bốc lên thơm lừng. Tự dưng như thấy mạ tôi bên cạnh. Bà lấy chiếc khăn lông nhỏ lau lưng tôi đang ẩm ướt mồ hôi. Bàn tay bà mềm và có vài vết chai như đang vỗ về, an ủi tôi. Tự dưng tôi có cảm giác vị mằn mặn chảy xuống đâu đó trên đôi môi đang khô khốc nứt nẻ của một người không còn trẻ nữa... là tôi, đang ốm giữa trời Âu.
Mà kỳ lạ thật, ngày hôm sau tôi hết ốm. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.