Nhóm nhạc chưa nổi đã chìm

06/01/2020 06:20 GMT+7

Phong trào thành lập nhóm nhạc đang trở lại, nhưng tiếc rằng phần lớn các nhóm rơi vào tình trạng giọng hát 'non', phong cách thiếu chuyên nghiệp... và dần mất hút.

Khi ngoại hình trội hơn giọng hát

Nếu xem các sản phẩm của những nhóm nhạc Hàn không khó nhận ra họ tập luyện rất nhiều để có hình thể đẹp, vũ đạo điêu luyện và khoe giọng hát đẹp trong nhiều show diễn. Chúng ta đang học hỏi từ họ nhưng chỉ mới làm được phần bề nổi

Nhạc sĩ Nguyễn Hồng Thuận

Các nhóm nhạc như: Zero 9, Her, G.A.S, La Thăng New, The Air… từng bị xem là “thảm họa” của showbiz mỗi khi xuất hiện hoặc ra sản phẩm âm nhạc. Ngày La Thăng New thành lập, các fan của nhóm La Thăng (đã nổi tiếng trước đó) tưởng rằng đây là “phiên bản” mới của nhóm nhạc họ yêu mến. Nhưng sự thật không phải. La Thăng New và ông bầu luôn có những phát ngôn sốc như: “Chúng tôi là GOT7 (nhóm nhạc của Hàn Quốc - PV) phiên bản Việt”, hoặc “Nhờ chúng tôi mà GOT7 mới nổi tiếng tại Việt Nam…”. Dù PR mạnh miệng và liên tục phát ngôn gây “bão” mạng, nhưng khi nhóm xuất hiện, cất giọng hát thì khán giả đều… lắc đầu. Đến giờ, người ta không thấy nhóm biểu diễn trên các sân khấu ca nhạc nữa.
Nhóm G.A.S có các thành viên từng ca hát riêng lẻ, sau đó được kết nạp vào chung một nhóm. Nhóm từng tuyên bố: “Chúng tôi tin G.A.S có thể đánh bật được Uni5, Monstar (2 nhóm đi theo mô hình được đào tạo chuyên nghiệp - PV)...”. Tiếc rằng do không được đào tạo theo mô hình hát nhóm mà các hành viên G.A.S cứ hát theo bản năng, nên khi biểu diễn họ bỗng rời rạc, lọt chọt từ giọng hát đến phong cách. Các nhóm Zero 9, Her, The Air… cũng bị xem là “thảm họa” nên dường như không có đất diễn. Ba nhóm đang có lượng fan hùng hậu như Lip B (4 nữ), Uni5 (5 nam), Monstar (5 nam) cũng gặp không ít “sóng gió” để tồn tại vì thay đổi thành viên. Cả ba nhóm đều có thế mạnh là ngoại hình nổi trội hơn giọng hát. Chưa kể các nhóm nhạc nói trên khi xuất hiện trên sân khấu đa phần cần vũ đạo nên hầu hết phải hát “nhép” để đảm bảo âm thanh.
Theo nhạc sĩ Nguyễn Hồng Thuận: “Việc các nhóm nhạc sau này khả năng hát live (hát thật) yếu là vì một số công ty chủ quản khi tuyển chọn đầu vào đã đặt ngoại hình làm yếu tố hàng đầu. Nếu trước kia một thành viên muốn được tuyển chọn vào nhóm yếu tố đầu tiên phải hát tốt, giọng hát các thành viên phải hòa hợp… thì hiện xu hướng phần nhìn lại được đánh giá cao hơn. Người có ngoại hình luôn được ưu tiên rồi ghép lại thành một nhóm mà đôi khi khả năng thanh nhạc yếu hoặc cảm âm không có…”.
Thêm một thực tế đáng buồn từ các bầu show là hiện không có nhóm nhạc nào đảm bảo doanh thu phòng vé; đa phần các nhóm chỉ góp mặt để show diễn thêm sinh động.

Cần theo mô hình chuyên nghiệp

Đang phát triển theo mô hình các nhóm nhạc Hàn Quốc, Nhật Bản là 3 nhóm nhạc đông thành viên nhất hiện nay: O2O Girl Band (10 thành viên nữ), nhóm SG048 (27 nữ), P336 (9 thành viên nam, nữ). Thế mạnh của cả ba nhóm nhạc này là được 2 công ty giải trí lớn quản lý; có nhóm từng được tập huấn tại học viện âm nhạc hàng đầu châu Á ở Nhật Bản... Ba nhóm đều ra MV, album được đầu tư chỉn chu. Tuy nhiên, để hoạt động thật sự với nghề, họ vẫn còn thiếu đất diễn; hiếm xuất hiện trong các show ca nhạc lớn. Họ phải tham gia thêm các game show, đóng phim, chương trình truyền hình... để được khán giả nhớ đến.
Sự xuất hiện mới đây của hai nhóm nhạc đa quốc tịch Z-Boys (7 nam) và Z-Girls (7 nữ), trong đó có 2 thành viên đến từ Việt Nam là Roy (Z-Boys) và Queen (Z-Girls), đã mang đến sắc màu mới. Nhưng Việt Nam cũng chỉ nằm trong kế hoạch “thoáng qua” của 2 nhóm này. Theo ông Khánh Nguyễn (từng thành lập nhóm nhạc GMC trước đây) thì: “Nhóm nhạc đông thành viên đang là mô hình của các nước Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản… Vì theo họ, đông thành viên sẽ hút thêm một lượng fan hùng hậu, nếu bị mất 1 - 2 người sẽ không rã nhóm. Theo tôi, đông thành viên chỉ phù hợp với nền công nghiệp giải trí đang phát triển bài bản, chuyên nghiệp và đặc biệt tính pháp lý cao. Ở Hàn Quốc, một thành viên ký hợp đồng độc quyền 5 - 7 năm thì khó tách riêng hoặc rời nhóm, trừ lý do quá đặc biệt. Họ có hợp đồng ràng buộc rất chuyên nghiệp nên khó tan rã. Các nhóm nhạc ở Việt Nam thường vội đến, vội đi. Thực tế nếu 1 - 2 thành viên của nhóm khi vững chãi, có lượng fan lớn thường tách ra solo vì có nhiều quyền lợi hơn. Các nhóm nhạc đa phần tự phát và thiếu đào tạo chuyên nghiệp, ít đầu tư bài bản, nhiều lỗ hổng... Đến thời điểm này dường như rất hiếm nhóm nhạc Việt Nam nổi tiếng hội đủ cả hai yếu tố hình thức và nội dung”.
Trước thực trạng thiếu nhóm nhạc chuyên nghiệp và khó tồn tại đường dài, nhạc sĩ Nguyễn Hồng Thuận chia sẻ: “Vẫn biết rất khó để tìm ra các nhân tố mới vừa có ngoại hình vừa có giọng hát nhưng không phải là không có. Các công ty Việt Nam hiện đang học theo một số mô hình đào tạo từ nước ngoài, đặc biệt Hàn Quốc. Nếu xem các sản phẩm của những nhóm nhạc Hàn không khó nhận ra họ tập luyện rất nhiều để có hình thể đẹp, vũ đạo điêu luyện và khoe giọng hát đẹp trong nhiều show diễn. Chúng ta đang học hỏi từ họ nhưng chỉ mới làm được phần bề nổi. Điều quan trọng nhất của một ca sĩ phải có và phải tập luyện nhiều nhất chính là giọng hát”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.