Như trăng trong đêm và những kết nối thú vị

Phan Cao Tùng
Phan Cao Tùng
24/04/2021 07:31 GMT+7

Dự án Như trăng trong đêm 2021 xoay quanh chủ đề điện ảnh Việt Nam qua góc nhìn từ quá khứ, hiện tại và tương lai, vừa diễn ra suốt một tuần lễ tại TP.HCM.

Như trăng trong đêm, do Trung tâm hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh (TPD) - Hội Điện ảnh Việt Nam và COLAB Việt Nam tổ chức, là một dự án dài hạn diễn ra lần đầu tại Hà Nội vào tháng 6 - 7.2020 và năm nay, sự kiện diễn ra từ 11 - 18.4 tại TP.HCM.

“Tiệc phim” kết nối quá khứ đến đương đại

Đến sự kiện, người xem được trải nghiệm điện ảnh Việt Nam qua những lát cắt quen mà lạ: từ phim ngắn đầu tay của đạo diễn đã định danh đến phim ngắn của các tác giả trẻ; các phim hoạt hình kinh điển qua lăng kính mới; những phim tài liệu độc lập ấn tượng… Qua các buổi trình chiếu, trò chuyện, trưng bày, dự án ý nghĩa của điện ảnh Việt này đã soi rọi những ký ức và câu chuyện, đưa đến góc nhìn khác về một nền điện ảnh tưởng như quen thuộc. Vì thế, chương trình nhận được sự chung tay tiếp sức từ các đối tác: Hội đồng Anh tại Việt Nam (British Council Vietnam), Viện Phim Việt Nam, Trường đại học Hoa Sen, DCine Cinemas, Xinê House; đồng thời là một phần của chuỗi sự kiện In Progress (gồm 12 sự kiện văn hóa - nghệ thuật) do Hội đồng Anh tại Việt Nam khởi xướng và hỗ trợ.
Đạo diễn nổi tiếng Đài Loan Thái Minh Lượng (đoạt giải Sư tử vàng Phim xuất sắc nhất tại LHP Venice 1994, giải Gấu bạc LHP Berlin 1997…) từng nói: “Phim như trăng trong đêm. Trăng trông như một với mọi người, nhưng cảm xúc gợi ra với mỗi người lại khác nhau”. Và đây cũng là cảm hứng để các nhà làm phim trẻ tại Việt Nam nảy ra ý tưởng thực hiện dự án lớn Như trăng trong đêm.
Nhà làm phim - nghệ sĩ thị giác Trương Quế Chi chia sẻ cảm xúc khi nhận lời làm cố vấn cho dự án này: “Như đêm không bao giờ cũ, như trăng không thể nào nắm bắt, những bộ phim - trước, nay và sau này - tồn tại nhiều lần qua những ánh nhìn mới, qua nối tiếp các thế hệ người xem...”.
Như trăng trong đêm đã trình chiếu các phim truyện ngắn đương đại, như: Cái đệm (Bùi Kim Quy - 2003), Phía sau cái cửa gỗ (Tạ Nguyên Hiệp - 2008), 16:30 (Trần Thanh Huy - 2012), Thành phố của những tấm gương (Trương Minh Quý - 2015), Ngọt - mặn (Dương Diệu Linh - 2019), Nỗi buồn vĩnh cửu (Bùi Thạc Chuyên - 1991), Mùi hương nước mắm (Trịnh Đình Lê Minh - 2014), Mùa xuân sớm (Đoàn Tuấn Đức - 2015), Short/Cut (Ostin Fam - 2017). Chùm phim truyện ngắn này có độ dài từ 14 - 24 phút/phim đã được thẩm định qua các giám tuyển để đưa người xem lên một chuyến xe hồi tưởng, quay lại với những cá tính đa dạng trong điện ảnh Việt Nam đương đại thông qua lát cắt của phim truyện ngắn.
Chùm phim hoạt hình Việt Nam cũng được chiếu như: Đáng đời thằng cáo (Lê Minh Hiền - 1960), Sơn Tinh Thủy Tinh (Trương Qua - 1972), Giấc mơ bay (Hữu Đức - 1976), À! Ra thế (Nghiêm Dung - 1981), Bộ xương biết múa (Bảo Quang - 1993), Xe đạp (Phương Hoa - 2000), Bản nhạc của thỏ trắng (Minh Trí và Phương Hoa - 2001). Đây là cuộc gặp gỡ những tác phẩm vừa “quen” vừa “lạ”; từ phim hoạt họa, phim cắt giấy đến phim búp bê được thực hiện trước thời đại kỹ thuật số và sau này.
Chùm phim tài liệu độc lập Việt Nam cũng được công chiếu gồm: Ferry Tale (Nguyễn Hồng Quân và Michal Shanny - 2017), Nhà ngoại (Nguyễn Hoàng Bảo Anh - 2018), Bến nước buôn Tring (Tạ Minh Đức - 2020) và Mùa xuân vĩnh cửu (Việt Vũ - 2021). Đặc biệt 2 bộ phim độc đáo - một phim tài liệu đen trắng và một phim truyện màu giữa hai ngôn ngữ thể loại từ hai giai đoạn, với câu chuyện đều bắt đầu từ ngày 30.4.1975, là Tháng 5 - những gương mặt (Đặng Nhật Minh - 1975) và Chung cư (Việt Linh - 1999) cũng được trình chiếu.

Khán giả đến xem phim trong sự kiện Như trăng trong đêm

Kết nối từ điện ảnh đến đời thực

Đã có hơn 1.250 khán giả tham dự các buổi trình chiếu và có sự góp mặt của các đạo diễn: Việt Linh, Tạ Nguyên Hiệp, Trần Thanh Huy, Việt Vũ, Nguyễn Hồng Quân, Nguyễn Hoàng Bảo Anh, Phạm Thu Hằng; giám tuyển Marcus Mạnh Cường Vũ, Nguyễn Như Huy, nhà phê bình Vũ Ánh Dương... Đạo diễn Tạ Nguyên Hiệp chia sẻ: “Có phim chiếu trong dự án Như trăng trong đêm, tôi được hòa cùng nhịp thở của khán giả xung quanh mình một cách gần gũi nhất và tôi rất xúc động khi nhận được những phản hồi, chia sẻ cảm xúc chân tình từ khán giả đến xem”.
Một điều thú vị của chương trình lần này chính là phần công chiếu Ki}{inema: Nụ hôn trong điện ảnh Việt Nam với hai phim ngắn tái chế (thực hiện bởi nhóm giám tuyển và hai đạo diễn trẻ Đào Thu Uyên, Cao Việt Hoài Sơn), diễn dịch các ký tự của bảng chữ cái bằng sắc thái những cảnh hôn. Ki}{inema 1, 2 đều chiếu trong không gian công cộng tại Trường đại học Hoa Sen với ý niệm đan cài hành động riêng tư và thân mật này vào một không gian công cộng thời Covid-19, như một sự khơi tỏ về mối kết nối đặc biệt giữa người với người, từ điện ảnh tới đời thực.
Bà An Nguyễn, Giám đốc điều hành COLAB Việt Nam, nói: “Chương trình lần này nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn trẻ, Ban tổ chức phải thêm nhiều suất chiếu để đáp ứng sự mong đợi. Tổng cộng đã có 23 phim được trình chiếu và nhiều chia sẻ thú vị xoay quanh điện ảnh Việt Nam. Thông qua việc khán giả và người làm phim xích lại gần nhau để thảo luận, khám phá những cá tính đa dạng trong điện ảnh Việt Nam đương đại, những ý niệm về cũ và mới, quá khứ và hiện tại… đã diễn ra”.
Đạo diễn Việt Linh nêu quan điểm về “thẩm mỹ” xem phim: “Có rất nhiều người làm điện ảnh tham gia Như trăng trong đêm để xem phim, chia sẻ, bình luận cùng khán giả nhiều thế hệ. Giữa các đường dây, tôi nghĩ cần có sự cân bằng và sự tôn vinh về mặt cảm xúc. Kỹ thuật mấy cũng cần có cảm xúc, và tôi đã dùng điều này như một công thức truyền lại cho các thế hệ đồng nghiệp sau, cũng như muốn nói với khán giả. Tôn vinh cảm xúc là điều mà nhân loại cần, chứ không phải kỹ thuật gì cao siêu!”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.