Những bí ẩn trong 'lò' luyện hoa hậu Venezuela

21/02/2015 07:00 GMT+7

(TNO) Phẫu thuật nâng mông khi 12 tuổi, cắt bỏ bớt ruột để giảm cân khi 16 tuổi, hay khâu mảnh lưới nhựa vào lưỡi để bị đau khi ăn,… là những cách mà các trường đào tạo sắc đẹp ở Venezuela áp dụng nhằm tạo ra hàng loạt mỹ nhân gửi đến đấu trường nhan sắc quốc tế.

(TNO) Phẫu thuật nâng mông khi 12 tuổi, cắt bỏ bớt ruột để giảm cân khi 16 tuổi, hay khâu mảnh lưới nhựa vào lưỡi để bị đau khi ăn,… là những cách mà các trường đào tạo sắc đẹp ở Venezuela áp dụng nhằm tạo ra hàng loạt mỹ nhân mang đến đấu trường nhan sắc quốc tế.

  1. Hoa hậu Thế giới năm 2011 Ivian Sarcos có số đo ba vòng 90-61-90. Tỉ lệ vàng mà mọi cô gái Vevezuela theo đuổi là 90-60-90 - Ảnh: Reuters
Gian nan “lột xác”
Đã có sáu Hoa hậu Thế giới, bảy Hoa hậu Hoàn vũ, sáu Hoa hậu Quốc tế và hai Hoa hậu Trái đất xuất thân từ “đất nước Hoa hậu” Venezuela. Theo Daily Mail, nhiều bậc cha mẹ nước này bị danh hiệu Hoa hậu ám ảnh, đẩy con gái của họ vào các trường đào tạo sắc đẹp như một cách để đạt tới danh vọng, tiền tài và sự nổi tiếng.
Học viện Belankazar ở Caracas là trường luyện nhan sắc lâu đời nhất Venezuela. Nơi đây có hàng trăm học viên từ 5-29 tuổi. Theo ông Alexander Velasquez, Giám đốc Belankazar, nhiều bậc cha mẹ không ngại áp dụng những phương pháp cực đoan, nhằm đảm bảo con họ có thể bước chân lên vũ đài nhan sắc quốc tế.
Từ lúc 8, 9 tuổi, những cô gái sẽ được tiêm hormone để làm chậm quá trình dậy thì, giúp phát triển chiều cao. Việc phẫu thuật nâng mông, sửa mũi thường thực hiện khi các cô bé bước vào 12 tuổi, dưới sự giám sát chặt chẽ của các bà mẹ.
Đến năm 16 tuổi, nhiều cô gái cắt ngắn ruột để thức ăn đi qua cơ thể mà không bị tiêu hóa. Phẫu thuật này đôi khi do học viên tự nguyện, đôi khi do cha mẹ bắt buộc. Để giảm cân, nhiều cô gái còn khâu mảnh lưới nhựa vào lưỡi để bị đau khi ăn.
Để tham gia Hoa hậu Hoàn vũ 2014, tổ chức tại Florida, Mỹ vừa qua, người đẹp Mariana Jimenez, 23 tuổi, đã trải qua 18 giờ tập luyện mỗi ngày - Ảnh: AFP
Nếu những việc trên vẫn không giúp các cô gái có vòng eo “con kiến”, họ phải quấn chặt eo bằng một dây đai to bản. Và khi các nhà chuyên môn phán “quá béo để tiếp tục”, các cô gái phải gồng mình chịu đựng đau đớn, mang khuôn đúc thạch cao quanh bụng trong một thời gian.
Phẫu thuật ngực cũng không thể thiếu. “Để trở thành nữ hoàng sắc đẹp, ngực không được quá lớn hoặc quá phẳng. Thường thì phẫu thuật sẽ giúp thay đổi hình dạng hoặc kích thước. Tùy vào các cô gái muốn tham gia cuộc thi nào mà điều chỉnh cho thích hợp”, ông Alexander Velasquez cho biết.
Những cái giá phải trả
Bám víu vào niềm hy vọng “trở thành nữ hoàng sắc đẹp để đổi đời”, nhiều gia đình (hầu hết đều nghèo khó) thậm chí vay nặng lãi để chi trả cho các “lò” đào tạo và phẫu thuật thẩm mỹ. Học phí khoảng 10 USD/tháng, cộng thêm chi phí cho quần áo, trang điểm và nhiều thứ khác, mỗi tháng các cô gái tiêu mất 25 USD. Trong khi đó, thu nhập của một gia đình nghèo chỉ vào khoảng 50 USD/tháng. Nhiều nhà còn có hai, ba cô con gái theo các “lò” luyện hoa hậu.
“Đôi khi chúng tôi để dành tiền trả cho học viện mà không có tiền mua thức ăn. Tôi không gọi đó là một sự hy sinh, tôi gọi đó là sự nỗ lực”, bà Aura Ramirez - bà của Yorglelys Mero, một học viên theo đuổi giấc mơ nữ hoàng sắc đẹp - nói với Daily Mail.
Nhiều cô gái phải làm ba bốn công việc cùng lúc để có tiền trang trải. Một số khác có “đại gia” chống lưng, nhưng không phải ai cũng may mắn như vậy.
Mặc dù trả giá nhiều, nhưng không phải lúc nào các cô gái và gia đình cũng thu về quả ngọt. Nhiều trường hợp chỉ nhận lại thất bại, đôi khi còn là bi kịch.
“Các bậc cha mẹ luôn muốn mọi thứ nhanh chóng. Tôi thường phải thuyết phục họ chầm chậm thôi, đừng vội phẫu thuật vì nó không tốt cho sự phát triển của các bé gái”, ông Velasquez chia sẻ. Dù vậy, mỗi năm ở Venezuela vẫn có hàng chục bé gái chết khi làm phẫu thuật.
Người đẹp Dayana Mendoza đoạt ngôi Hoa hậu Venezuela năm 2007 và đăng quang Hoa hậu Hoàn vũ năm 2008, nhận được một vương miện 23.500 USD, một căn hộ ở New York (Mỹ) và chi phí sinh hoạt trong suốt nhiệm kỳ. Ngoài ra, còn được học bổng ở Học viện phim New York cùng nhiều ưu đãi khác - Ảnh: AFP
Maria Trinidad, thành viên của tổ chức vận động không phẫu thuật thẩm mỹ NO to Biopolymers, YES to Life, cho biết: “Mọi cô gái ở đây đều mơ ước trở thành Hoa hậu. Tại đất nước mà một người phụ nữ xinh đẹp có triển vọng nghề nghiệp cao hơn người làm việc chuyên nghiệp và bằng cấp hạng nhất, bạn buộc phải suy nghĩ rằng không có gì quan trọng hơn sắc đẹp”.
Người Venezuela tự hào về thành tích đạt được trong các cuộc thi Hoa hậu, cũng xem nhan sắc là đặc sản quốc gia. Cuộc thi Hoa hậu Venezuela, (người chiến thắng sẽ dự thi Hoa hậu Hoàn vũ), là sự kiện truyền hình nổi tiếng nhất nước, thu hút 2/3 dân số nước này theo dõi.
Năm 2005, khi chương trình phát sóng cuộc thi bị gián đoạn vì một bài phát biểu của cố Tổng thống Hugo Chavez, khán giả đã giận dữ, la ó và bắn súng chỉ thiên. Có thể nói, áp lực phải đẹp đối với các cô gái Venezuela thực sự không nhỏ.
“Tôi không tin rằng Venezuela có phụ nữ đẹp nhất thế giới, nhưng chúng tôi biết làm thế nào để sản xuất phụ nữ đẹp hoàn hảo. Đó là lý do tại sao chúng tôi vượt trội trong tất cả các cuộc thi sắc đẹp quốc tế”, ông Velasquez kết luận.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.