Những chuyện kỳ bí: Bà mụ linh thiêng

17/10/2015 06:57 GMT+7

Đến 17 tháng giêng âm lịch hằng năm, nhiều người tập trung về miếu Bà ở làng Liêm Định (xã Nhơn Phong, TX.An Nhơn, Bình Định) tham dự lễ hội Vía Bà nhằm tưởng nhớ một bà mụ sống vào thế kỷ 17.

Đến 17 tháng giêng âm lịch hằng năm, nhiều người tập trung về miếu Bà ở làng Liêm Định (xã Nhơn Phong, TX.An Nhơn, Bình Định) tham dự lễ hội Vía Bà nhằm tưởng nhớ một bà mụ sống vào thế kỷ 17.

Nhiều người dân tham gia lễ hội Vía Bà - Ảnh: Hoàng TrọngNhiều người dân tham gia lễ hội Vía Bà - Ảnh: Hoàng Trọng
Nổi tiếng đỡ đẻ mát tay
Nhiều gia đình ở Bình Định mỗi khi có người sắp đẻ hoặc cần cầu xin con cái đều đến miếu Bà để dâng lễ. Những câu chuyện về sự linh thiêng, cầu được ước thấy ở miếu Bà được truyền miệng qua nhiều đời. Tuy nhiên, khi hỏi về lai lịch của bà mụ được thờ trong miếu thì không mấy người biết đến.
Theo cụ Trần Duy (98 tuổi, ở làng Liêm Định, xã Nhơn Phong), các thế hệ trước kể lại rằng, vào thời Trịnh - Nguyễn phân tranh, có một gia đình từ Đàng Ngoài di cư vào sống tại làng Liêm Định. Họ dựng nhà dưới một gốc đa cổ thụ, gần đó có một vực nước rất sâu. Người mẹ trong gia đình hành nghề đỡ đẻ, lắm khi phải đi đêm về khuya, khi mưa gió bão bùng thì dẫn con gái Đỗ Thị Tân đi theo. Nhờ vậy, người con gái học được nghề của mẹ.
Khi cha mẹ qua đời, bà Tân ở một mình, hành nghề mua gánh bán bưng để kiếm sống. Khi có người nhờ đỡ đẻ thì bà Tân luôn sẵn sàng, bất kể ngày hay đêm, mưa hay nắng, gần hay xa. Bà đỡ đẻ mát tay, giúp rất nhiều sản phụ gặp ca đẻ khó được “mẹ tròn con vuông”. Với người trong làng và người nghèo thì bà Tân đỡ đẻ không lấy tiền công, chỉ lấy của người giàu có ở làng khác. Nhờ vậy, tiếng tăm của bà lan truyền nhiều nơi.
Có đêm mưa gió mịt mù, trời tối như mực, một “ông” cọp trắng bất ngờ xuất hiện, gõ cửa nhà bà Tân. Khi ra mở cửa, bà hoảng sợ đến ngất luôn. Tỉnh dậy, bà Tân thấy mình nằm trong một hang đá trên núi Bà (H.Phù Cát, Bình Định). Sau khi dùng lưỡi liếm lên mặt để đánh thức bà Tân, “ông” cọp lùi ra xa nhìn bà với ánh mắt khẩn thiết rồi nhìn về phía con cọp cái đang vật vã, kêu rống bên cạnh. Hiểu rằng “ông” cọp muốn mình đỡ đẻ cho cọp cái, bà Tân bắt tay ngay vào công việc của một bà mụ và không lâu sau đó là những chú cọp con ra đời. Đỡ đẻ xong, bà được “ông” cọp trắng cõng về nhà. Từ đó, thỉnh thoảng mỗi sáng bà Tân thấy trước cửa nhà có con cheo, con chồn... Đấy là quà biếu của vợ chồng cọp tri ân cho bà đỡ đẻ.
Một đêm trăng, bà Tân ra vực sâu trước nhà giặt đồ thì trời nổi cơn giông gió, sấm chớp dữ dội. Sau đó, người làng tìm không thấy bà Tân đâu nữa, chỉ còn thau đồ bên bến sông, quần áo chưa kịp giặt. Người làng Liêm Định lấy trái bưởi cắm thẻ tre khắc tên bà Tân ném xuống vực để thử. Mấy hôm sau, dân chài ở Đề Gi (H.Phù Cát) báo tin trong lúc đánh cá ngoài biển đã vớt được trái bưởi có miếng tre khắc tên bà Tân. Nhiều người cho rằng Long Vương ngoài biển nghe tiếng bà Tân làm nghề đỡ đẻ mát tay nên đã thông đường từ vực nước trước nhà ra biển để làm đường rước bà xuống thủy cung hành nghề. Đúng 7 ngày sau, linh hồn bà về báo với dân làng rằng mình không còn ở trần gian.
“Bà Tân mất đúng vào đêm 16 rạng sáng 17 tháng giêng âm lịch nên người làng Liêm Định lấy thời điểm này làm ngày Vía Bà hằng năm. Bà Tân đỡ đẻ mát tay nhưng lại không lấy tiền nên người dân rất kính ngưỡng, cho rằng bà là một vị tiên không chết mà về trời khi đang sống nên không tìm thấy xác”, cụ Duy nói.
Miếu thờ người đỡ đẻ
Theo ông Nguyễn Văn Ca, Trưởng ban Quản lý di tích miếu Bà, tưởng nhớ ân đức sâu nặng của bà Tân, dân làng Liêm Định lập miếu thờ ngay trên nền căn nhà tranh của gia đình bà khi xưa. Ngôi miếu thờ được gọi là Hộ sản nương thần miếu. Đến triều Nguyễn, vua Tự Đức đã ban cho bà Tân sắc phong “Ân đức độ nhân”. Những năm chiến tranh, miếu Bà bị bom đạn phá sập, tất cả giấy tờ, sắc phong đều mất hết, chỉ còn lại nền móng nhưng người dân vẫn hương khói, cúng bái. Chiến tranh kết thúc, người làng Liêm Định dựng lại miếu bằng cột tre, lợp tôn để làm nơi thờ cúng bà Tân. Năm 2006, chủ một doanh nghiệp sản xuất nước mắm trên địa bàn đầu tư 600 triệu đồng để xây dựng lại miếu thờ bà Tân.
Ngày nay, vực nước trước nhà bà Tân đã bị bồi lấp, cây đa ngày xưa cũng không còn nữa. Khác với những ngôi miếu thờ cúng biệt lập với khu dân cư, ai đến cũng có cảm giác sợ hãi, lo lắng, quanh miếu thờ bà Tân có nhiều gia đình sinh sống. Nhiều người thường xuyên đến quét dọn, nghỉ ngơi còn trẻ con lấy nơi này làm điểm vui chơi.
“Dân làng chúng tôi tin rằng bà Tân là một phúc thần linh thiêng, luôn phù hộ độ trì cho con người nên khi đến miếu luôn có cảm giác gần gũi. Không chỉ người địa phương mà người ở nơi khác cũng đến đây cầu con, người đã có thai thì đến cầu sinh đẻ mẹ tròn con vuông... đều được bà Tân ban phước”, ông Ca nói.
Lễ hội vía bà
Ông Nguyễn Văn Ca cho biết: Ngày 9.1.2006, UBND tỉnh Bình Định đã xếp hạng Di tích văn hóa cấp tỉnh cho miếu Bà Nhơn Phong. Lễ hội Vía Bà kéo dài khoảng 4 hoặc 5 ngày và có rất đông người tham gia. Từ chiều 16 tháng giêng âm lịch, người dân tập trung đến miếu Bà để cầu cúng. Lễ tế bà Tân được tiến hành lúc 23 giờ cùng ngày, sau đó là phần múa lân sư rồng rồi đến phần biểu diễn hát bội đến sáng hôm sau. Chương trình lễ hội các ngày sau đó là phần thi trò chơi dân gian, thi đấu thể thao... Những năm gần đây, lễ tế bà Tân được người làng Liêm Định tổ chức vào sáng 17 tháng giêng âm lịch để người ở các nơi khác cũng được tham gia. Kinh phí tổ chức lễ hội Vía Bà rất lớn nhưng đều do người dân tự nguyện đóng góp, ban tổ chức không phải đi vận động.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.