Những đàn chim chấp chới - Truyện ngắn của Nguyễn Hữu Tài

17/05/2015 05:00 GMT+7

- Could you please take me a picture? - Sure (1). Chẳng có lý do gì để từ chối lời đề nghị đáng yêu từ cô gái gốc Á rất dễ thương giữa Times Square vào một chiều cuối tuần nắng nhạt. Khải thoáng thấy dòng tin nhắn tiếng Việt ai đó gửi tới iPhone lúc chụp hình. Tự nhiên anh thấy vui vì giữa thành phố lạ mười mấy triệu người, vô tình gặp được người cùng quê mà còn vô cùng xinh đẹp.

- Could you please take me a picture?

- Sure (1).

Chẳng có lý do gì để từ chối lời đề nghị đáng yêu từ cô gái gốc Á rất dễ thương giữa Times Square vào một chiều cuối tuần nắng nhạt. Khải thoáng thấy dòng tin nhắn tiếng Việt ai đó gửi tới iPhone lúc chụp hình. Tự nhiên anh thấy vui vì giữa thành phố lạ mười mấy triệu người, vô tình gặp được người cùng quê mà còn vô cùng xinh đẹp.

Minh họa: Tuấn Anh
Minh họa: Tuấn Anh
Anh đưa điện thoại cho cô, tủm tỉm cười. Cô coi được không? Nếu chưa thì tôi chụp lại. Một chút bất ngờ thoáng qua mắt cô chưa đến năm giây, nhưng không thoát khỏi sự quan sát tinh tường của Khải.
- Cảm ơn anh. Hình đẹp lắm. Sao anh biết tôi là người Việt?
- Xin lỗi. Hồi nãy vô tình tôi thấy tin nhắn gửi đến khi cầm máy.
- Vui quá. Không ngờ gặp được đồng hương ở đây.
- Cô từ đâu đến?
- Oxford. Tôi đi dự hội nghị ở Queens. Xong rồi, nên ra đây chơi, mai bay về. Còn anh?
- Tôi sống ở Washington D.C, lên đây du lịch một mình. Tôi tên Khải, còn cô?
Thoáng xúc động hiện ra trên khuôn mặt rất đẹp của cô. Vẫn năm giây như lúc nãy, nhưng nó diễn ra nhiều lần trong một phút lặng yên. Một đỗi lâu, anh thấy cô cắn nhẹ môi, thở dài, từ tốn.
- Tôi tên Yên.
- Hình như tôi làm cô khó chịu?
- Không có gì đâu. Anh đừng quan tâm. Tôi khát nước quá. Anh rảnh không? Vào Starbucks đi, tôi mời ly cà phê nhé.
Nếu bận việc, Khải cũng sẽ vứt hết để đi theo cô ấy, huống hồ gì anh đang chẳng có gì làm. Hai người sóng bước, chen chúc giữa hàng ngàn du khách đang giơ cao máy ảnh hay điện thoại, cười toe toét giữa quảng trường Thời Đại, cố chụp cho mình một tấm thật đẹp, để bỏ lên facebook, instagram hay twitter mà khoe với mọi người, tôi đã đến được thành phố sôi động nhất thế giới này rồi nhé.
Starbucks trên đại lộ 42 đông như hội, không có chỗ chen chân. Hàng người đứng chờ mua nước dài tới cổng. Cả hai kiên nhẫn đứng chờ. Bất thình lình, có ai phía sau đẩy tới làm anh lảo đảo áp sát vào Yên. Và trong một giây ngắn ngủi, Khải ngửi được mùi nước hoa quen thuộc vương trên đầu mũi. Ấm áp và mạnh mẽ. Nhưng không phải loại nước hoa phụ nữ hay dùng. Hình như là Woods, mùi gỗ của Abercrombie, loại nước hoa người ta ngừng sản xuất từ rất lâu rồi. Khải may mắn mua được mấy chai, giờ chỉ còn vài giọt cuối cùng, thỉnh thoảng lôi ra ngửi chứ không dám xài nữa.
Yên gọi một ly espresso latte, anh thì green tea latte với đá viên, lóng ngóng giữa đám đông tìm chỗ. Mất mười phút, cộng với sự may mắn, họ tìm được hai chiếc ghế nhỏ trong góc quán, nhìn ra đường, khi hai du khách vừa đứng dậy bỏ đi. Yên cởi áo khoác mắc lên ghế, để giỏ lên bàn, và uống một ngụm rất dài như lâu lắm rồi cô mới đụng tới cà phê vậy.
Và chẳng có gì để nghi ngờ nữa. Đúng là nó rồi. Mùi Woods dìu dịu tỏa ra từ người cô ấy, cứ quẩn quanh, nồng say trên đầu mũi anh.
- Hình như cô đang xài Woods.
- Anh tinh thật.
- Mùi yêu thích của tôi mà.
- Tôi phải tốn đến hơn trăm bảng mua từ Amazon đấy. Chả hiểu sao người ta không chịu sản xuất nữa cho tôi nhờ. Hao tiền quá.
- Nhưng nó đâu phải dành cho nữ.
Yên cúi đầu, húp ngụm cà phê rồi nhìn ra dòng người ăn mặc sặc sỡ, vội vã đi giữa quảng trường đông đúc. Khải cũng không muốn phá vỡ giây phút trầm lắng này, nên cùng dõi nhìn phía trước giống cô. Thành phố này, với anh và bạn bè luôn có một sức hút vô cùng đặc biệt. Hầu như ai ghé thăm, cũng đòi anh dẫn đi New York cho bằng được. Chỉ khi nào đặt chân đến đây, mới tự hào rằng mình đã tới Mỹ. Có năm anh phải làm hướng dẫn viên bất đắc dĩ tới bốn lần. Mà đâu có đi xa, chỉ quẩn quanh Times Square, tượng Nữ thần Tự do, rồi Chinatown, cầu Brooklyn, Central Park. Ngán. Nhưng năm nào không đi, lại bồi hồi nhớ. Anh thèm cảm giác bình thản nằm dài trên bãi cỏ giữa công viên trung tâm rợp bóng cây xanh, nhớ không khí chộn rộn giữa quảng trường Thời Đại, nhìn hàng ngàn người tụ tập vui cười, nhưng luôn trật tự, không chen lấn, xô đẩy lẫn nhau. Khắp mọi góc đường, những cảnh sát của NYPD (2) luôn trong tình trạng tập trung cao độ, đưa mắt liếc quanh để kiểm tra tình hình. Một vẻ mặt đáng ngờ, một hành động bộc phát, hay chiếc túi xách ai để ngay góc đường, đều đánh động sự cảnh giác của họ. Anh thèm mua đậu phộng chiên trên những chiếc xe bán đầy vỉa hè, ăn xúc xích trong xe hàng rong của những người Nam Á, và đi vô các cửa hiệu thời trang lộng lẫy nhìn những mẫu áo quần mà nơi anh ở không thể có.
New York lúc nào cũng nhân hậu khi cưu mang hàng triệu người khắp nơi đổ dồn về kiếm sống. Ai cũng có một hay nhiều cơ hội ngang nhau để đổi đời. Quan trọng là họ có nắm bắt được hay không. Mỗi năm, hàng vạn sinh viên kinh tế tài chính ra trường, tìm về phố Wall để mong gặp trúng cơ hội đầu tư, trở thành tỉ phú. Hàng ngàn người mẫu nghiệp dư đến để hy vọng mình sẽ sải đôi chân dài miên man trong tuần lễ thời trang New York. Những diễn viên sân khấu già lẫn trẻ, thèm một lần đứng trên sân khấu broadway, cất cao tiếng hát trong các vở nhạc kịch luôn đông khách. Người bán hàng rong, vẽ tranh dạo, hay dân nhập cư bất hợp pháp, sẵn sàng bán sức lao động để bám trụ với từng ngả đường phố thị. Hố sâu ngăn cách giàu nghèo ngày càng xa thăm thẳm. Nhưng tất cả tạo nên một New York sắc màu và đầy mê hoặc với hàng triệu con người.
Chiều xuống dần, tia nắng cuối ngày nhảy múa trên khung cửa sổ cao cao của những tòa nhà chọc trời bằng kính, hắt xuống đường màu vàng vừa buồn vừa đẹp. Cái buồn của chiều xứ này khác hẳn với những chiều giữa Sài Gòn hay trên đồng ruộng quê anh. Mỗi lần về, anh vẫn hay than, hễ mỗi lần mặt trời trốn về phía tây thành phố, là thấy mình bất an quá đỗi. Chắc tại anh tuổi Dậu, nên tới chiều gà phải về chuồng ẩn nấp, chứ mấy ai biết khi nắng tắt, nghĩa là thời gian anh ở bên gia đình và người thân ngắn thêm chút nữa. Không sớm thì muộn sẽ trở lại bên kia trời kiếm sống. Còn ở xứ Mỹ, chiều tàn, nghĩa là năm tháng mãi dần trôi. Thời gian xa nhà lại cộng thêm một ngày mà mọi thứ trước mặt vẫn mịt mờ, đường về thăm thẳm. Có lần, Khải đi cà phê với một người bạn giữa Sài Gòn. Anh hỏi vì sao bỏ nước Mỹ về đây sinh sống? Cậu ấy nhún vai, đơn giản, tại không chống chọi nổi những buổi chiều lái xe đi làm về cô đơn xứ Mỹ. Ở nữa chắc tự tử lúc nào không hay.
- Hồi xưa, người yêu tôi thích xài mùi Woods. Chắc vì thế tôi đâm ra nghiện.
- Xin lỗi đã gợi lại kỷ niệm trong cô.
- Không gì đâu. Lâu lâu bộc lộ ra ngoài cũng hay hơn là cứ mãi giấu trong lòng. À, biết tại sao tôi mời anh vào Starbucks không?
- Chắc do tôi đẹp trai và xứng đôi với cô - Khải vừa nói vừa cười khúc khích. Và bên cạnh, Yên cũng bật ra tiếng cười giòn giã, phá tan không khí trầm lắng nãy giờ.
- Tên và đôi mắt một mí của anh giống y chang anh ấy.
- Hèn chi... Anh ta hiện giờ ở đâu?
- Mất rồi. Tại chiến trường Afghanistan trong cuộc chiến chống Taliban.
- Tôi xin lỗi…
Yên lại quay mặt ra nhìn phố. Trên cao, mặt trời đã khuất dạng tự bao giờ. Ánh nắng cuối ngày cũng bỏ phố phường đi mất biệt. Bên dưới, các cửa hiệu thời trang, nhà hàng, lẫn phố xá bắt đầu mở điện sáng choang hòa vào hàng triệu ánh đèn trên khung cửa khách sạn và cao ốc trăm tầng như hàng tỉ ngôi sao thắp cho phố phường bừng sáng.
Khải mân mê ly trà xanh lành lạnh, cũng chẳng thể mở thêm bất cứ lời nào để an ủi Yên. Ước gì anh đừng gợi lại chuyện xưa.
- Cũng sáu năm rồi còn gì. Anh ấy ra đi đột ngột lắm, không kịp nói với tôi một lời sau cuối.
Hình như lâu lắm rồi, Yên mới đưa tay chạm lại vào nỗi đớn đau không gì bù đắp ấy. Đêm đó, Yên đang ngủ thì điện thoại reo vang. Cô run run cầm máy. Tiếng người chỉ huy của anh bên đầu dây cho biết, Khải lọt vào ổ phục kích của quân khủng bố và không bao giờ về nữa. Yên buông thõng tay, toàn thân rã rời không còn sức sống. Cô ngồi thất thần bên cạnh giường. Nhưng dù cố đến thế nào Yên cũng không khóc được. Nỗi đau như cơn bão cát, từng chập, từng chập ùa về cuồn cuộn xé nát hồn cô. Giữa lờ mờ ánh đèn vàng vọt, ký ức hóa thành sóng biển vỗ nát cả lòng. Những tấm hình hai người tươi cười ở London, trước tháp Big Ben, trên đồi Greenwich, rồi mùa thu ở Paris, Rome, lúc anh chống nạnh bên hoa tulip và cối xay gió ở Amsterdam, và rất nhiều thành phố châu Âu khác; những lá thư tay anh nắn nót gửi về từ chiến trường, trong nhiều đêm chập chờn, vùi mình dưới hố cát chống đạn, khi ranh giới giữa sự sống và cái chết mỏng tang như hơi thở, chẳng ai biết được mình còn sống hay sẽ chết, khi mặt trời mọc sáng hôm sau. Anh kể cô nghe sự khốc liệt của chiến trường, bom nổ đì đùng cả ngày không im tiếng. Áo quần trên người mặc cả tháng không tắm gội. Lúc cởi ra quần lót mủn như giấy mục bay tứ tung giữa sa mạc khô cằn. Đôi khi anh thèm một tô phở tái, hay một đĩa cơm sườn, thậm chí có đĩa fish and chips (3) anh ghét cực kỳ, Khải cũng sẽ ăn không sót miếng nào để bù lại những ngày toàn đồ hộp.
Khải bảo Yên an tâm, anh sẽ về đúng hẹn. Hai người sẽ làm đám cưới giữa giáo đường bình lặng, ngập đầy dã yên thảo sắc màu ở Bath. Anh và em sẽ dành một tháng trăng mật, lái xe đi khắp châu Âu, tới thăm các thành phố đẹp mê hồn trong suốt những tháng năm yêu nhau mình từng ghé. Hai đứa mặc sức đắm chìm trong niềm hoan lạc của tình yêu tuổi trẻ rồi mới tính chuyện sinh con. Vậy mà giờ đây chỉ còn cô giữa đêm sâu và mớ ký ức rối nùi, vụn vỡ. Cô không còn thấy Khải cười. Sẽ chẳng ra sân bay đón anh về như đã hứa. Không được ôm anh, gục đầu vào vòm ngực rắn và nóng bỏng. Mất hết rồi. Mất tất cả rồi. Trong một đêm ngắn ngủi, cô thấy mình tay trắng.
Nào ngờ hôm nay, trên đất nước lạ xa, Yên vô tình gặp được người đàn ông xa lạ trùng tên, mang đôi mắt một mí đượm buồn, đã vậy còn xài dòng nước hoa anh hay dùng. Tự nhiên cô thấy yếu lòng.
- Tôi tìm mọi cách cố quên anh ấy, nhưng hình như vô vọng. Hơi ấm, vòng tay, nụ cười, tiếng nói và cả mùi gỗ Khải xài vẫn cứ phảng phất đâu đây. Anh biết không, hồi nhỏ, tôi có coi bộ phim Liên Xô Khi đàn sếu bay qua. Trong phim, người ta tin rằng, cứ mỗi Hồng quân Liên Xô nằm xuống trong cuộc chiến chống phát xít Đức, linh hồn của họ sẽ biến thành con sếu, khi chiều về, tụ lại thành đàn, chấp chới bay qua bầu trời rộng lớn. Chiến tranh Thế giới thứ hai kết thúc, đội quân thắng trận trở về, có một người con gái chạy giữa đoàn quân nhưng không tìm được người tình nhung nhớ. Một người bạn cũ cho biết, anh đã hy sinh sau khi cứu đồng đội trong một trận đánh khốc liệt và vùi thây vào đầm lầy bùn đất. Giữa cảnh đất trời sụp đổ và những cơ tim đang siết chặt lồng ngực mình, cô ngước lên trời, chiều rơi, đàn sếu chấp chới bay về tổ vắng. Cô bỗng có một niềm tin mãnh liệt, người tình mình cũng nằm trong đàn sếu ấy, đang trở về dõi mắt tìm quanh. Từ ngày Khải mất, bộ phim bỗng trở về ám ảnh. Tôi thấy mình chẳng khác gì cô gái ấy, cả đời mòn mỏi đợi người tình trở về trong vô vọng. Tôi bắt đầu sợ những buổi chiều rơi, luôn quay quắt tìm chỗ nào ẩn nấp, nhưng luôn muốn dõi nhìn đàn chim vỗ cánh. Vì tôi biết, có một con trong đàn chim lạc loài ấy, mang theo linh hồn chồng sắp cưới của tôi.
Quán vắng dần dù ngoài kia dòng người vẫn ngược xuôi nói cười rộn rã. Dẫu đèn sáng choang nhưng có một sự thật không thể chối cãi, đêm sâu đã thăm thẳm xuống rồi. Khải không thích ngày tàn. Anh muốn níu thời gian thêm chút nữa, để được ngồi gần, nghe Yên nói, thậm chí hơi thở của cô cũng đã theo không khí, len nhẹ vào hồn anh.
- Bởi chiến tranh đâu phải trò đùa… - Khải lẩm nhẩm một câu trong bài hát của nhạc sĩ
Xuân Hồng mà lúc đó anh chợt nhớ đến.
- Tôi sinh ra sau 1975, chưa trực tiếp thấy sự khốc liệt, bi ai của chiến cuộc. Qua phim ảnh, sách báo, tôi cũng không mường tượng được sự tàn nhẫn và đớn đau của nó ra sao. Nhưng từ khi Khải mất, nỗi mất mát ùa về, theo từng mạch máu, chảy tràn trong hàng tỉ tế bào cơ thể. Tôi mới biết, trong mình đã âm thầm chất chứa một phần cái gọi là chiến cuộc tang thương.
- Tôi cũng không ngoại lệ.
- …
- Má kể, sau 1954, ông ngoại và cậu tôi ra bắc tập kết, hẹn với gia đình hai năm nữa sẽ về. Nhưng lời hứa ấy không bao giờ thành sự thật. Mãi đến sau 1975, cậu tôi vào nam, dẫn theo hai đứa nhỏ và bảo đó là con của ngoại. Ông tôi trúng bom B52, nằm lại trên đất bắc. Ông và cậu đều lập gia đình, sinh con ngoài ấy, ngoại, mợ và các dì tôi mòn trông mỏi ngóng hơn suốt hai mươi năm. Còn ba tôi ngày xưa là sĩ quan của chế độ cũ. Việc gia đình chia cắt, tôi sống trên đất nước này, thỉnh thoảng lại phải đi về khi nhớ cũng khởi nguồn từ cuộc chiến ấy. Nhưng từ nhỏ, ba má không dạy chúng tôi mang tâm trạng thù hằn hay chống đối chính quyền và chế độ. Ba má chưa bao giờ để lên vai tôi bất kỳ sứ mạng nào trong dòng chảy của lịch sử dân tộc. Họ chấp nhận đó là một phần của thời cuộc, của thân phận cho tới khi nhắm mắt xuôi tay.
- Tôi và anh chỉ là những người bình thường, ngày ngày vác cặp đi làm kiếm sống. Tụi mình chỉ mong một cuộc sống bình an, có việc làm ổn định. Nhưng hình như khó quá.
Yên vén tóc qua một bên. Vô tình chạm nhẹ vào mặt anh. Và Khải cảm thấy, trong từng sợi tóc của cô, cũng thoang thoảng mùi gỗ nồng nàn ấy.
- Cô đói không?
- Cũng hơi hơi.
- Mình đi ăn nhen. Tôi mời. Gần đây có quán Saigon 48 khá nổi tiếng. Ngon nhất là sườn heo ướp sả nướng BBQ. Đảm bảo cô ăn một lần là ghiền ngay.
- Mà thôi, tối rồi. Tôi phải về. Từ đây bắt subway về Flushing cũng gần một tiếng.
- Mai mấy giờ cô bay?
- Một giờ rưỡi.
Khải rụt rè, cắn chặt môi, luyến tiếc. Tôi... tôi… Rồi như có ai đó nhập vào người, anh bỗng thốt ra một lời đề nghị mà ngay cả bản thân cũng không ngờ tới.
- Em có muốn ở lại cùng anh đêm nay không?
Khải thức dậy, liếc đồng hồ. Đã gần mười hai giờ trưa. Phía bên kia giường lặng bóng. Gối mền được xếp ngay ngắn như chưa từng có ai xuất hiện. Nếu không có mùi Woods dìu dịu vương trên nệm, có lẽ anh sẽ nghĩ, chuyện đêm qua chỉ là một giấc mơ.
Khải nhìn xuống quảng trường Thời Đại. Trời đầy mây, có lẽ sắp mưa to nhưng không cản được dòng người đổ về, tìm một chỗ ngồi chật hẹp. Anh bỗng thèm ly Starbucks như chiều qua, để được ngồi cạnh Yên ngắm phố xá nhuộm hoàng hôn.
Khải thở dài. Tất cả đã hóa xa xăm. Trong anh, ngoài tên, mái tóc dài, đôi mắt nâu và mùi Woods nồng nàn, không có bất cứ thông tìn gì về Yên hết. Anh không biết nhà cô ấy ở đâu, số điện thoại bao nhiêu, tấm hình chụp chung, thậm chí facebook, instagram cũng không có nốt. Rồi những lúc nghĩ về cô ấy, anh biết làm sao cho bớt nhớ ngoài việc vẽ lại chân dung Yên trong trí nhớ mình.
Nếu cuộc đời là những cơn mơ, thì giấc mơ đêm qua hoàn toàn không có đoạn kết.
Khải dẹp dọn áo quần bỏ vào va li, định tắm rửa và đi dạo một vòng kiếm gì ăn, rồi ra Megabus quay về Wasington D.C.
Một mẩu giấy nhỏ, hình như là bảng tên, rơi trên sàn gỗ.
Ms. Yen Nguyen
Associate Professor
Oxford Brookes University
Anh mừng đến nỗi tưởng mình dằng ngừng thở.
Ngoài kia, nắng tắt. Trời bỗng tối sầm. Thiên hạ lao nhao tìm chỗ trú mưa. Có đàn chim nào tưởng chiều rơi nên bay về tìm tổ ấm. Khải nhìn mẩu giấy. Có lẽ giờ này cô ấy đang ngồi ở phi trường, chờ chuyến bay về Oxford. Mà cũng có thể, ở một nơi nào đó trong thành phố này, Yên đang co ro trong một góc vắng, để trốn chiều về và dõi mắt nhìn đàn chim vỗ cánh bay qua.
(1) - Anh có thể chụp giúp tôi một tấm hình được không?
- Rất sẵn lòng.
(2) New York Police Department - Sở Cảnh sát New York
(3) Cá và khoai tây chiên - món ăn nổi tiếng của nước Anh
Tặng em B.T
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.