Những di tích kỳ bí - Kỳ 21: Mộ Bà Vua trong rừng cấm

29/10/2014 09:00 GMT+7

Nhiều tư liệu khẳng định người nằm dưới mộ Bà Vua ở Gò Thỏ (thôn Vĩnh Long, xã Cát Hanh, H.Phù Cát, Bình Định) là bà Nguyễn Thị Bích, vợ Hoàng đế Quang Trung.

>> Những di tích kỳ bí - Kỳ 20: Truyền thuyết Thiên Thai tự
>> Những di tích kỳ bí - Kỳ 19: Bí ẩn núi Tam Tòa
>> Những di tích kỳ bí - Kỳ 18: Chùa Hang và những truyền thuyết tâm linh

 Những di tích kỳ bí - Kỳ 21: Mộ Bà Vua trong rừng cấm
Ông Thiển bên mộ Bà Vua - Ảnh: Hoàng Trọng

Mộ bà Nguyễn Thị Bích ở Gò Thỏ nằm trong khu đất trồng mì xen lẫn bạch đàn của dòng họ Nguyễn ở thôn Vĩnh Long. Ngôi mộ này trông rất bình thường, thậm chí còn ít bề thế hơn những ngôi mộ xung quanh, trên bia mộ khắc hàng chữ “Phần mộ/Đời thứ 9/Nguyễn Thị Bích/giá vụ/Quang Trung /Nguyễn Huệ/Từ trần ngày 10.09/Các cháu đồng lập mộ 1997”. Gần mộ Bà Vua là mộ tiến sĩ Nguyễn Văn Hiển, tác giả Đồ Bàn thành ký được nhiều người biết đến.

Ngọn đồi “dựng tóc gáy”

Theo cụ Nguyễn Văn Thiển (81 tuổi, ở thôn Vĩnh Long), bà Bích là vợ Hoàng đế Quang Trung, thuộc đời thứ 9 của dòng họ Nguyễn mà sau đó đời thứ 11 có Hoàng giáp Nguyễn Văn Hiển (1827 - 1865) và cụ Thiển là đời thứ 14. Ngày xưa, Gò Thỏ là khu đồi cây cối rậm rạp, có nhiều dấu vết mộ tháp của người Chăm xưa nên người dân gọi đó là rừng cấm, ít người lui tới và có nhiều thỏ sinh sống.

“Những người già trong làng còn hay kể những câu chuyện về kho báu của người Chăm ở Gò Thỏ như có người thấy con ngựa bằng vàng đi ăn hay thấy vàng hời đi ăn vào ban đêm trông như gà mẹ dẫn gà con nhưng khi lại gần thì biến mất. Thậm chí có người còn nói rằng những gia đình người Chăm giàu có mỗi khi mai táng người thân thường chôn theo rất nhiều vàng bạc và chôn sống một trinh nữ tại cửa mộ để làm thần giữ mộ. Vì thế lúc còn nhỏ chúng tôi không dám đến Gò Thỏ, đi gần đó đã thấy dựng tóc gáy. Cách đây tầm 30 năm có nhiều người đến đào tung các mộ Chăm cổ ở Gò Thỏ để tìm vàng, tìm cổ vật. Chẳng biết họ có tìm được gì không nhưng sau đó người làng chúng tôi đến các mộ này đào lấy gạch Chăm về lát đường, lát ngõ”, cụ Thiển kể.

Cụ Thiển đang giữ cuốn gia phả dòng họ Nguyễn bằng chữ Hán được phiên âm sang tiếng Việt. Theo cuốn gia phả này thì dòng họ Nguyễn ở Vĩnh Long có nguồn gốc từ họ Nguyễn ở làng Mỹ Chánh, tổng An Thơ, huyện Hải Lăng, phủ Triệu Phong (nay thuộc xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng, Quảng Trị). Các đời trước của dòng họ Nguyễn đều sinh sống tại Mỹ Chánh, đến đời thứ 9 mới có người vào ở Vĩnh Ân (nay đổi thành thôn Vĩnh Long). Bà Bích là con út trong số 16 người con của ông Nguyễn Văn Cẩn và bà Nguyễn Thị Ái. Trong gia phả có câu: “Nguyễn Thị Bích tốt vu cửu nguyệt sơ thập nhật giá vu Quang Trung Nguyễn Nhạc, An Thơ, Mỹ Chánh xuất đinh tịch tự thử thủy” được cụ Thiển giải thích là bà Bích được gả cho vua Quang Trung Nguyễn Huệ nhưng lại ghi là Nguyễn Nhạc do người trong dòng tộc nhầm lẫn. Sau sự kiện này thì làng Mỹ Chánh được vua Quang Trung ban chiếu miễn thuế thân, loại thuế được thu theo đầu người kê biên trong sổ hộ tịch của địa phương.

Theo cụ Thiển, sự kiện bà Bích được gả cho Hoàng đế Quang Trung diễn ra năm nào, nguyên nhân của mối lương duyên này ra sao thì đến nay chưa ai rõ. Trước kia, con cháu tộc Nguyễn ở Vĩnh Long chỉ được nghe người lớp trước nói mộ “Bà Vua” là mộ người của dòng họ nhưng không nghe ai giải thích vì sao, kể đến lai lịch, tên tuổi của người nằm dưới mộ. Ngôi mộ cũng không có bia ghi tên tuổi, ngày mất như những ngôi mộ khác. Khi các nhà sử học và các lãnh đạo trong huyện tìm đến, hỏi thăm, đối chiếu gia phả, giải thích thì người họ Nguyễn ở Vĩnh Long mới biết mộ “Bà Vua” là mộ bà Nguyễn Thị Bích được gả cho vua Quang Trung.

“Những chuyện về ma hời và việc không ghi thân thế của bà Bích, không xây mộ to là do những người đi trước muốn che giấu thân phận của bà, tránh sự trả thù của triều Nguyễn. Từ khi biết đến lai lịch mộ “Bà Vua”, nhiều người đến hỏi thăm gia phả, tìm hiểu về lai lịch bà Nguyễn Thị Bích nhưng không thấy các ngành chức năng có động tĩnh nào. Chúng tôi chỉ mong mộ bà Bích được công nhận là di tích, được bảo vệ, thờ cúng đúng với vị thế là vợ của một ông vua mà thôi”, cụ Thiển nói.

Cần nghiên cứu kỹ hơn

Theo sách Những khám phá về Hoàng đế Quang Trung của TS Đỗ Bang, bà Nguyễn Thị Bích có anh là Nguyễn Văn Tuấn làm quan Thư lại ở cửa biển Đề Gi (Phù Cát) và chị dâu là Từ Thị Diệt, người thôn Vĩnh Ân. Lúc thôi làm quan, ông Tuấn về sống ở quê vợ Vĩnh Ân và khi chết cũng chôn tại Gò Thỏ. Ông Tuấn được con cháu nhận làm phái trưởng của họ Nguyễn ở Vĩnh Ân. Theo nhận định của TS Đỗ Bang thì sau khi triều Tây Sơn sụp đổ, bà Bích trốn về nương náu tại gia đình người anh ở Vĩnh Ân và bà Bích có một con trai với Hoàng đế Quang Trung. Vị hoàng tử này còn sống sót sau những năm tháng bị vua quan nhà Nguyễn truy tầm, hãm diệt nhưng đến nay vẫn chưa tìm ra tung tích.

Ông Châu Kinh Tú, Giám đốc Bảo tàng Quang Trung (Bình Định) cho biết: “Ngoài tư liệu của TS Đỗ Bang và cuốn gia phả của dòng họ Nguyễn, chúng tôi chưa có tư liệu nào khác để khẳng định bà Nguyễn Thị Bích là vợ Hoàng đế Quang Trung. Chúng tôi đã tìm hiểu từ phía dòng họ Nguyễn ở Vĩnh Ân và đang sưu tầm, tìm kiếm thêm ở các tư liệu khác. Cần có những nghiên cứu kỹ hơn về vấn đề này. Sau khi có đầy đủ luận cứ vững chắc, chúng tôi sẽ lập hồ sơ đề nghị các cơ quan chức năng công nhận mộ “Bà Vua” là di tích lịch sử”.

Hoàng Trọng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.