Những khoảng trống của mỹ thuật đương đại

02/04/2006 22:31 GMT+7

Gần đây, khu vực sách mỹ thuật bỗng sôi động hẳn lên với việc xuất hiện phong phú hơn màu sắc hiện đại và đương đại. Nhưng nếu so với giai đoạn hội họa "truyền thống" đã được đề cập khá toàn diện thì đây mới chỉ là đôi nét phác thảo sơ sài về những dòng chảy mới của mỹ thuật Việt Nam.

Phê bình mỹ thuật: Ngại... người sống ?

Khá băn khoăn về lời rỉ tai lúc trà dư tửu hậu ấy của cánh họa sĩ, vậy là chúng tôi làm một chuyến khảo sát khắp các quầy sách mỹ thuật. Kết quả như sau: Đếm không hết tên sách về thế hệ họa sĩ Đông Dương và cách mạng ! Thậm chí, những khuynh hướng hội họa chủ đạo, những danh họa như Tô Ngọc Vân, Bùi Xuân Phái, Trần Văn Cẩn... còn được nghiên cứu kỹ lưỡng ở nhiều chiều, nhiều góc độ. Cũng là xứng đáng! Tới lớp họa sĩ hiện đại chỉ thấy lác đác vài ba tên sách. Khá ngạc nhiên vì đây là giai đoạn phát triển đặc biệt của mỹ thuật Việt Nam với sự khai sinh hàng loạt xu hướng hội họa mới. Đương đại thì đếm trên đầu ngón tay! Nhìn tới nhìn lui chỉ thấy mỗi Hội họa mới Việt Nam thập kỷ 90 của Bùi Như Hương - Trần Hậu Tuấn (NXB Mỹ thuật ấn hành 2001). Thật kỳ lạ bởi trong vòng 10 năm qua, những cái tên như Trần Lương, Ly Hoàng Ly, Trương Tân, Minh Thành... cùng nghệ thuật sắp đặt, nghệ thuật trình diễn, video art... không chỉ làm náo nhiệt đời sống mỹ thuật trong nước mà còn gây chú ý ở cấp độ quốc tế.

Đem thắc mắc về cái sự "nhất bên trọng, nhất bên khinh" ấy đến gặp nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Đỗ Bảo, ông phân tích: Có lẽ, do ngại va chạm với những tác giả còn sống nên nhiều nhà phê bình mỹ thuật ngần ngại chưa dám đặt bút, khiến phần hiện đại kém hơn phần cổ. Riêng các họa sĩ đương đại tuy được nước ngoài "công kênh" đấy, nhưng trong nước không đánh giá (?). Nhà phê bình mỹ thuật Bùi Như Hương, đã từng bày tỏ một cái nhìn thiện cảm với "cánh trẻ", cũng thận trọng: Nên chăng, để mươi, mười lăm năm nữa rồi hãy tổng kết về quá trình này? Giữa những khẩu khí có phần dè dặt ấy, phát biểu của nhà sưu tập mỹ thuật Trần Hậu Tuấn tựa như một... trái phá: "Không làm bây giờ thì để đến bao giờ?". Ý kiến lẻ loi của Trần Hậu Tuấn đương nhiên không ngăn được khuynh hướng hoài cổ đang xâm chiếm giới phê bình mỹ thuật. Kết quả là, nghệ thuật đương đại đã đi hết một chặng đường mà chưa thấy cơ quan chuyên ngành nào nhúc nhắc tính chuyện tư liệu hóa tiến trình ấy. Vậy nên có người nói vui, nếu lật lại lịch sử mỹ thuật Việt Nam qua văn bản thì tới giai đoạn đương đại sẽ gặp chi chít khoảng trống!

Những "sử gia" mỹ thuật không chuyên

Điều thú vị là trong khi các cơ quan chuyên ngành hãy còn thờ ơ với nghệ thuật đương đại thì lại có những họa sĩ tự nguyện trở thành những "sử gia" mỹ thuật không chuyên. Trần Lương là một trong những họa sĩ đầu tiên "rinh" về máy quay video và máy ảnh kỹ thuật số, làm "phó nháy" cho chính các triển lãm sắp đặt của mình và bạn bè. Mặc dù tác giả chỉ định ghi lại làm kỷ niệm và chất lượng ảnh cũng khá nhập nhòe nhưng sau này, đó lại là những tư liệu vô giá về những bước đi đầu tiên của nghệ thuật sắp đặt ở Việt Nam. Phải đến những năm gần đây, một số ít họa sĩ và nhà phê bình mỹ thuật mới thực sự nghĩ đến chuyện tư liệu hóa tiến trình phát triển của nghệ thuật đương đại, chứ không chỉ là những bài viết lẻ tẻ. Khởi đầu là Bùi Như Hương - Trần Hậu Tuấn với Hội họa mới Việt Nam thập kỷ 90. Chân dung của nghệ thuật đương đại Việt Nam lần đầu tiên được khắc họa tương đối đầy đủ, bằng sự cảm nhận cởi mở và khách quan. Trong đội ngũ những "sử gia" mỹ thuật không chuyên và "tự phát", độc đáo nhất là "ông già" Trịnh Cung với luận án Con đường phát triển mỹ thuật đương đại Việt Nam từ chiến tranh đến hòa bình. Khoe tác phẩm là kết quả của gần mười năm "lượn" vù vù từ Nam ra Bắc, thậm chí sang cả Mỹ và châu u để cập nhật cái mới, họa sĩ vẫn không giấu nỗi lo lắng: “Nếu như chỉ dựa vào những người tự nguyện như chúng tôi thì may rủi và bấp bênh quá!”. Họa sĩ Trần Lương cũng chỉ ra: Hạn chế của đội ngũ "sử gia" không chuyên là những đánh giá đôi khi mang tính chủ quan và một vài sai sót về học thuật. Và, giai đoạn đương đại vẫn thiếu những tư liệu "chính thống". Có lẽ, những người giàu tâm huyết với mỹ thuật Việt Nam sẽ yên lòng hơn nếu biết, Trung tâm nghiên cứu nghệ thuật châu Á (Asia Art Archive, trụ sở đặt tại Hồng Kông) đang lên kế hoạch tư liệu hóa tiến trình phát triển của mỹ thuật Việt Nam từ  trước đến nay. Người giúp chúng ta tiến hành dự án này - giáo sư Nora Taylor (đã có nhiều năm làm việc tại Việt Nam) sẽ được hỗ trợ toàn bộ trang thiết bị và tư liệu, chỉ trừ... kinh phí sinh hoạt.

Hương Lan

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.