Những ngôi sao một thời: Nhớ giọng ca ngày ấy

08/05/2010 15:45 GMT+7

(TNTT>) Trong sự nghiệp và ký ức của người nhạc sĩ, có những ca khúc viết ra ban đầu dự định như chỉ dành cho một tiếng ca, một giọng hát để rồi sau đó, như nhạc sĩ Thanh Tùng tự thú “Bài hát cho em /giờ đã hát cho bao người…”. Thanh sắc đó với họ có còn vang ngân mãi? >> Lặng lẽ bỏ cuộc chơi

Ký ức của dân tộc

Sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất, những cái tên như Tường Vi, Măng Thị Hội… vẫn còn được rất nhiều người nhớ đến khi hồi tưởng về những năm tháng hào hùng với ký ức của một dân tộc. 

Với nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, khi được hỏi về “giọng ca một thời vang bóng”, ông giãi bày ngay lập tức “ca sĩ Măng Thị Hội”. Là một nhạc sĩ nổi tiếng từ khi còn rất trẻ với rất nhiều ca khúc Trầu cau, Đoàn giải phóng quân… nhưng với ông, ca sĩ hát bài Bóng cây kơ nia vẫn để lại nhiều ấn tượng nhất. Và cũng như ông nói, không có Măng Thị Hội, cây kơ nia không chắc có số phận được nhiều người biết như bây giờ. Lần theo lịch sử của bài hát mới biết rằng “nguyên bản” là một bài thơ của Ngọc Anh, một nhà thơ chiến sĩ đã mất rất sớm ở chiến trường Tây Nguyên. Cây kơ nia là một loài cây gắn bó thân thuộc với đồng bào các dân tộc miền núi Êđê, Gia Rai, Ba Na... Với cái bóng hùng vĩ của nó, đồng bào như nhìn thấy sức mạnh tiềm ẩn của Bác Hồ, của Đảng và cách mạng. “Buổi sáng em lên rẫy/Thấy bóng cây kơ nia/Bóng ngả che ngực em/Về nhớ anh không ngủ”.

Bài hát được Phan Huỳnh Điểu viết năm 1972 và đã có nhiều ca sĩ hát nhưng không gây được ấn tượng cho đến khi ca sĩ Măng Thị Hội tốt nghiệp đại học khoa Thanh nhạc mạnh dạn biểu diễn. Măng Thị Hội cho biết kỷ niệm xúc động nhất là “làm sôi động sân vận động Thái Nguyên” vì bài hát. Hàng ngàn người như lắng chìm trong cảm giác thiêng liêng của âm nhạc. Một tiếng hát sắc, cao độ vút lên như tiếng hót của con chim phí rừng núi. Có lẽ dòng máu dân tộc Banar đã thấm chảy trong tim nên ca sĩ cảm nhận ngọn nguồn gốc rễ bóng cây kơ nia. Và bây giờ nhớ lại bà vẫn cho đó là “bóng đổ” xuống cuộc đời kiêu hãnh tình yêu âm nhạc của mình. Một thời đã qua nhưng vẫn còn nguyên giá trị thúc giục con người sống, chiến đấu và tận hiến vì lý tưởng.

 Nghiệp cầm ca vốn dĩ khắc nghiệt, khi thanh sắc không còn như xưa thì sự trở lại của tiếng hát một thời không còn được đón chào nồng nhiệt nữa

Nhạc sĩ Trần Hồng thì rất nhớ tiếng hát của ca sĩ Tường Vi. “Nhiều bạn trẻ bây giờ không còn sống trong hoàn cảnh chiến tranh giống chúng tôi ngày xưa nên không hiểu được giá trị ghê gớm của “tiếng hát át tiếng bom” như thế nào…”. Tiếng hát Tường Vi như “chim sơn ca” lảnh lót vang lên dọc theo chiến hào, công sự đem lại niềm tin, sự lạc quan vào một ngày mai chiến thắng cho bộ đội, chiến sĩ. Các ca khúc Hành khúc ngày và đêm, Chào em cô gái Lam Hồng, Cô gái vót chông… đã làm nên tên tuổi Tường Vi trong lòng bà con khán giả ở chiến trường Trung bộ. Hiện NSND Tường Vi là giám đốc của ba trung tâm nghệ thuật tình thương Hà Nội, Quảng Nam và Đà Nẵng với gần 300 trẻ. Nhạc sĩ đồng hương Phan Huỳnh Điểu viết về bà như sau: “Người nghệ sĩ đã hát rất hay đó có một tình yêu thương lớn đối với trẻ em thiệt thòi".

 Ca sĩ Măng Thị Hội (ảnh nhỏ bên trên); ca sĩ Nhã Phương (ảnh nhỏ dưới) và ca sĩ Ngọc Bích (ảnh lớn)

Lớn lên cùng đất nước

Bắt đầu những năm 80 của thế kỷ trước, nhiều tiếng hát ấn tượng được ghi nhớ trong tâm hồn người nghe. Như nhạc sĩ Diệp Chí Huy, anh vẫn băn khoăn với tiếng hát của ca sĩ Sỹ Thanh. “Với tôi, Sỹ Thanh vẫn là một bí mật. Anh tham gia ban nhạc Rạng Đông cùng thời với Cẩm Vân, Khắc Triệu, Thanh Long bass. Sỹ Thanh hát những ca khúc thời đó hay đến nỗi mỗi lần đoàn hát ở đâu phải trương tên tuổi của anh lên để bán vé…”.

Cũng như Sỹ Thanh, tiếng hát Thu Nở với ca khúc Dáng đứng Bến Tre được nhiều người hâm mộ, sau đó chị “im thin thít và lặn mất tăm” mà ngay cả nhiều người trong giới cũng không biết tại sao. Cũng có thể đây là sự khắc nghiệt của nghề vốn đòi hỏi sự khổ luyện, tận hiến chứ không đơn giản là cuộc chơi “sớm nở tối tàn”.

Nhạc sĩ Thanh Tùng cho biết ông rất quý tiếng hát của ca sĩ Ngọc Bích, một gương mặt sáng của truyền hình bấy giờ. Theo ông, Ngọc Bích là giọng ca lạ, khỏe khoắn. Các ca khúc Thanh Tùng sáng tác giai đoạn này phần lớn nổi tiếng nhờ Ngọc Bích như Lời tỏ tình mùa xuân, Mặt trời Trị An, Ngôi sao cô đơn… Năm 1990, giữa lúc sung  sức nhất, “nữ hoàng nhạc trẻ” sang Mỹ đoàn tụ với gia đình, để lại rất nhiều nuối tiếc cho những người trót yêu tiếng hát và phong cách biểu diễn luôn tươi mới như mùa xuân của chị.

Người yêu nhạc những năm 80 chắc không thể nào không biết giọng ca của hai chị em Bảo Yến – Nhã Phương,  hai giọng ca, hai nhan sắc “sốt”, “cháy vé” của một giai đoạn. Vốn sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống làm nghệ thuật, chịu khó học hỏi, rèn luyện thanh sắc, tiếng hát mượt như nhung của họ đã làm tốn kém bao nhiêu giấy mực ca tụng của báo chí một thời. Nếu giọng hát của cô chị Bảo Yến nghiêng về trữ tình, dân ca, độ lắng sâu chất nặng da diết một tình yêu quê hương với các bài hát như Huế tình yêu của tôi, Lời người ra đi thì cô em Nhã Phương lại làm sân khấu náo động với những bài hát sôi động, trẻ trung. Đấy là chưa nói đến họ còn có thế mạnh là được sự hỗ trợ từ hai phu quân vốn là hai nhạc sĩ nổi tiếng là Quốc Dũng và Lê Hựu Hà.

Cách đây nhiều năm, người hâm mộ còn có dịp chứng kiến Nhã Phương bước ra sân khấu biểu diễn với cây đàn măng-đô-lin, như một cách làm mới mình của chị. Rất tiếc là nghiệp cầm ca vốn dĩ khắc nghiệt, khi thanh sắc không còn như xưa, sự trở lại của tiếng hát một thời không còn được chào đón nồng nhiệt nữa, và cũng từ đấy sân khấu vắng bóng Nhã Phương. Hiện chị đang sống tại Mỹ.

Còn Bảo Yến, sau album Chiều hạ vàng (9.2009) hiện giờ  chị cũng rất ít khi xuất hiện trên sân khấu, một đôi lần nhớ nghề chị thường đến biểu diễn tại phòng trà, nơi chọn lọc khán giả và những người đến nghe thực sự là những người hiểu và yêu mến giọng ca Bảo Yến của một thời.

Đông Dương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.