Những người ở lại: Tuấn và hai người phụ nữ

24/07/2015 06:11 GMT+7

Họ là những người vợ, người mẹ của 64 chiến sĩ đã vĩnh viễn nằm lại ở bãi đá Gạc Ma cách nay hơn một phần tư thế kỷ. Các anh mãi mãi trẻ với tuổi hai mươi của mình giữa lòng biển thẳm, kể từ sự kiện “súng chỉ nổ từ một phía” vào ngày 14.3.1988.​​​​

Họ là những người vợ, người mẹ của 64 chiến sĩ đã vĩnh viễn nằm lại ở bãi đá Gạc Ma cách nay hơn một phần tư thế kỷ. Các anh mãi mãi trẻ với tuổi hai mươi của mình giữa lòng biển thẳm, kể từ sự kiện “súng chỉ nổ từ một phía” vào ngày 14.3.1988.

Cha mẹ liệt sĩ Võ Đình Tuấn -	Ảnh: Nguyễn Chung
Cha mẹ liệt sĩ Võ Đình Tuấn - Ảnh: Nguyễn Chung
Còn những người mẹ, người vợ, người yêu nơi quê nhà thì già đi theo năm tháng nhưng “tuổi hai mươi” của các anh thì luôn tươi rói trong ký ức của họ.
Chúng tôi lại tìm về những địa chỉ thân quen, nơi mà các phóng viên của Báo Thanh Niên đã từng đặt chân đến từ 3 năm trước để khơi gợi lại câu chuyện Gạc Ma. Những dòng ký ức đứt nối từ những người thân các anh lại ùa về.
Võ Đình Tuấn là một trong 64 liệt sĩ đã ngã xuống nơi bãi đá Gạc Ma 27 năm trước. Năm ấy, Tuấn bước sang tuổi 22, vừa kịp “cầm tay” một người con gái trước khi ra trận. Có hai người phụ nữ luôn nhắc về anh như nhắc về một chàng trai mà theo họ, “không có ai trên đời này mà tốt và hiền như Tuấn”. Hai người phụ nữ đó là mẹ anh, cụ bà Phan Thị Đay và chị Nguyễn Thị Trang, người yêu của Tuấn.
Chàng trai nghèo ở làng Phú Hữu
Có lẽ những người khai sơn phá thạch của xã Ninh Ích, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) đặt tên làng là Phú Hữu như muốn ký thác vào đó với hy vọng sẽ đổi thay được số phận cho làng mình. Võ Đình Tuấn sinh ra và lớn lên nơi ngôi làng mà lưng tựa vào núi đá, mặt quay ra cánh đồng toàn cát pha cao lanh ấy. “Từ hồi tiểu học, một buổi đi học, còn một buổi là nó vào núi ấy chặt củi giúp tui”, mẹ Tuấn đã kể về tuổi thơ cơ cực của con mình. Khổ vậy nên Tuấn lờ mờ nhận ra, chỉ có cái chữ mới mong thay đổi đời mình. Nhà 5 anh em nhưng Tuấn học khá nhất. Khá nhất nên cha mẹ ưu tiên cho Tuấn ra tận thị xã Ninh Hòa, cách nhà 20 cây số để theo học cấp 3. “Mỗi tuần nó về một lần mang gạo ra chỗ trọ học. Nhưng chỉ có vài ký gạo thôi, còn lại là củ mì”, cụ Đay kể lại.
Rồi 3 năm trung học cũng qua. Tuấn nộp đơn thi vào Trường cao đẳng Sư phạm Nha Trang. Giấy gọi nhập ngũ đến, tạm biệt làng quê nghèo, tạm biệt người mẹ tảo tần hôm sớm, Tuấn lên đường. Trong ba lô của anh ngày đó còn có cả những lá thư tình học trò của cô bạn gái tên Trang, người cùng làng với Tuấn. Mối tình trinh bạch ấy, hơn 20 năm sau ngày Tuấn ngã xuống ở Gạc Ma, cô bạn gái đã công bố những kỷ vật của hai người, làm thổn thức bao trái tim bạn trẻ.
Gửi vào lòng biển thẳm
Đó là mối tình đẹp. Đẹp đến nao lòng và xa xót. Cụ Phan Thị Đay, mẹ Tuấn nay đã 81 tuổi rồi, nhưng nhắc lại mối tình của con với cô hàng xóm, cụ như trẻ lại tuổi đôi mươi: “Mười năm sau ngày Tuấn mất, Trang nó mới lấy chồng. Tui cứ tiếc mãi cho con dâu “hụt”. Dù đã yên bề gia thất nhưng cứ đến ngày 27 tháng giêng âm lịch hằng năm - ngày giỗ Tuấn - là nó đến, không bỏ sót năm nào”, cụ Đay lại rưng rưng.
Trước khi ra Trường Sa rồi vĩnh viễn không về, Tuấn rủ Trang đi chụp một kiểu ảnh để làm kỷ niệm. Chưa kịp nhìn thấy tấm hình “kỷ niệm” thì Tuấn đã lên đường. Tấm ảnh ấy mãi mãi Tuấn không bao giờ nhìn thấy. Mới đây, khi cả nước sốt lên câu chuyện Gạc Ma và 64 người lính đã ngã xuống nơi đảo đá ấy, Trang đã sang lại kiểu ảnh thành nhiều tấm và gửi cho các nhà báo nhân có chuyến ra Trường Sa, kèm lời dặn: “Nhờ các anh ra đó gửi giùm tấm hình này cho Tuấn. Chắc là Tuấn đã chờ nó suốt bao năm nay”. Để Tuấn nghe được giọng nói của mình, chị Trang đã đọc vào máy ghi âm của các nhà báo và nhờ chuyển: “Em gửi lòng mình và nước mắt vào mênh mông biển đảo Gạc Ma. Xin được tưởng niệm Tuấn và tất cả các chiến sĩ đã vĩnh viễn nằm lại giữa biển khơi của Tổ quốc”.
Anh Đình Quân, phóng viên Báo Tiền Phong, cùng các nhà báo ở Ninh Thuận và Gia Lai đã thực hiện lời dặn của chị Trang khi chuyến tàu chở khách ra Trường Sa tiến hành làm lễ tưởng niệm các liệt sĩ ngay tại vùng biển Gạc Ma. Khi các nhà báo “tiết lộ” cho tất cả những người trên tàu hôm ấy biết được điều “bí mật” nhưng quá đỗi thiêng liêng này, không một ai cầm được nước mắt! Ai cũng tin rằng, tận nơi thẳm sâu của lòng biển kia, tất cả những người lính đã ngã xuống nơi này đều nhận được món quà bất ngờ được ấp ủ mấy mươi năm từ hậu phương gửi đến.
Cha mẹ yên lòng
Khác với 3 năm trước, khi chúng tôi đến lần đầu để xới lại câu chuyện Gạc Ma, ngôi nhà của cha mẹ Tuấn được sửa lại khang trang hơn. “Sau lần Báo Thanh Niên ghé thăm và trao quà năm 2012, Tổng liên đoàn Lao động VN và các đơn vị quân đội cùng nhiều nhà hảo tâm khác đã đến và chia sẻ những khó khăn với gia đình. Ngôi nhà này là kết quả của sự chia sẻ ấy”, chị Thu, con dâu cụ Đay “khoe” với khách.
Thấy chúng tôi ghé nhà, cụ Đay bỏ dở gánh bánh căn từ ngôi chợ cóc đầu làng, về tiếp khách. Bà nhận ra chúng tôi ngay, những vị khách đầu tiên đến nhà bà để nói về câu chuyện Gạc Ma từ hơn 3 năm trước. “Phụ với con dâu kiếm thêm tiền chợ, còn tiền tuất của thằng Tuấn hằng tháng cũng tạm đủ sống qua ngày các cháu à. Có ngôi nhà êm ấm thế này, có miếng cơm không độn củ mì thế này, sao con không về Tuấn ơi!”, những giọt nước mắt lại lăn trên khuôn mặt nhăn nheo của bà, như nó đã từng lăn suốt 27 năm qua.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.