Những phát hiện vui về 'biển báo giao thông' cho… ngựa ở triều Nguyễn

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
16/03/2021 17:00 GMT+7

Sau những lý giải về hình tượng ngựa hay xuất hiện ở lăng các vua triều Nguyễn thì việc giải mã hai câu thơ nổi tiếng ở Huế: “Mê gì như mê tổ tôm/Mê ngựa Thượng Tứ, mê nôm Thúy Kiều” trong Huế triều Nguyễn một cái nhìn lại bàn đến chuyện ngựa thật.

Trong cuốn sách Huế triều Nguyễn một cái nhìn (Omega và NXB Thế giới ấn hành), nhà nghiên cứu Trần Đức Anh Sơn - một chuyên gia về Huế, đã phân tích hai câu thơ trên, rằng: “Thượng ở đây là vua, tứ là ân điển vua ban. Ngựa Thượng Tứ là ngựa do vua ban cho quan văn hay võ tướng có công lao với triều đình. Ở Huế có một địa danh là cửa Thượng Tứ (Đông Nam Môn của kinh thành Huế), gần nơi này xưa là nơi đóng của sở kỵ mã, thuộc binh chủng kỵ binh của quân đội triều Nguyễn, hẳn phải có nhiều ngựa, mà lại là ngựa của triều đình, của vua, là ngựa Thượng Tứ nên mới sinh ra tên gọi như vậy”.

Con ngựa đứng đầu trong tứ linh và là biểu tượng của thiên tử

Ảnh: T.L

Bất ngờ với con ngựa màu xanh

Mới đây, hẳn độc giả còn nhớ trang YouTube Độc lạ Bình Dương có đưa hình ảnh về con trâu màu hồng khá lạ mắt, có người trả giá 20 tỉ đồng nhưng chủ sở hữu vẫn không bán. Tương tự như vậy, chuyện con ngựa màu xanh cũng từng nghe nói trong dân gian nhưng ít ai thấy xuất hiện bao giờ.
Trong sách Đại Nam nhất thống chí có đoạn ghi chép về chuyện con ngựa "độc lạ" này như sau: “Thiên nguyệt lệnh, kinh Lễ nói: Xa giá của thiên tử đi ra, tháng mạnh xuân (tháng giêng), thắng ngựa thương long (ngựa sắc xanh); tháng mạnh hạ (tháng tư), thắng ngựa xích lưu (ngựa sắc đỏ); tháng mạnh thu (tháng bảy), thắng ngựa bạch lạc (ngựa sắc trắng); tháng mạnh đông (tháng mười), thắng ngựa thiết ly (ngựa sắc đen)...”
Là người có nhiều trải nghiệm và đi nhiều nhưng tác giả Trần Đức Anh Sơn vẫn hồ nghi: "Không rõ vua Thành Thái có kiếm đủ bốn sắc ngựa như Kinh lễ nói để tứ thời thay đổi cho cỗ xe tứ mã của mình hay không, nhưng thú thật từ trước tới nay kẻ hậu sinh này chưa bao giờ nghe đến ngựa màu xanh cả". Tác giả cuốn Huế triều Nguyễn một cái nhìn còn viết hóm hỉnh: "Nay nếu có được một chú ‘nghẽo’ sắc xanh như thế hẳn là vưu vật trời cho, chỉ cần một ngày thả chú trong Đại nội cho du khách tới xem tha hồ hốt bạc”.

Đội ngựa nghi lễ đứng nghiêm trang ở cửa Điện Thái Hòa

Ảnh: T.L

Cũng theo những tài liệu của nhà nghiên cứu Trần Đức Anh Sơn: “Ngay trong lòng Hoàng thành Huế, hai bên Thái Hòa điện xưa có Binh Xá và Mã Khái Sở. Binh Xá là chỗ ở của lính ngự lâm triều Nguyễn, còn Mã Khái Sở hẳn là nơi tá túc của những mã binh của ngự lâm quân. Rồi mỗi khi vua đi tế Nam Giao, có cỗ kiệu của nhà vua do 16 người khiêng cùng voi và ngựa. Có điều theo những bức ảnh tư liệu để lại thì voi lại được đi qua cầu Trung Đạo, bắc qua Thái Dịch Trì trước điện Thái Hòa Điện để hộ giá, trong khi ngựa thì phải đi vòng bởi hai con đường ven hồ. Cũng có khi vua dùng xe tứ mã để thăm thú đây đó”.
Vì thường sử dụng ngựa làm phương tiện đi lại nên tất nhiên ở triều Nguyễn cũng xuất hiện những quy định bắt buộc với những người cưỡi ngựa. Hẳn mọi người sẽ tò mò về các tấm “biển báo giao thông” ngày xưa kiểu này nên xin được bật mí luôn. Sách đã dẫn cho biết: “Trước Ngọ Môn và trước Phu Văn Lâu, thời Nguyễn đều có dựng tấm bia đá ghi 4 chữ Hán: "Khuynh cái hạ mã: nghiêng lọng, xuống ngựa”. Đến triều Khải Định, do nhà vua được người Pháp tặng cho một chiếc ô tô nên không thể “nghiêng lọng, xuống ngựa” được nên triều đình nhổ mấy tấm bia đó cất đi”.

Cửa Thượng Tứ (Huế)

Ảnh: T.L

Nghe nói bây giờ tấm bia đó vẫn còn lưu giữ lại, nếu có ai ưa coi thì cứ đến bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế để có cơ hội được tận mắt chiêm ngưỡng. Còn có thêm câu chuyện vui ở triều Nguyễn nữa là, ở hai đầu cầu Thành Thái xưa (cầu Tràng Tiền bây giờ) có hai tấm biển đề dòng chữ Pháp: “Prenez votre droit. Marchez au pas (Đi bên phải. Bước chầm chậm). Phía dưới là hai câu dịch sang Hán văn được tác giả sách Huế triều Nguyễn một cái nhìn khen là thực kỳ tài: Xa mã quá kiều do hữu chí/Yếu nghi hoãn hoãn vật nghi trì (Xe ngựa qua cầu đi phía phải/Nên đi chầm chậm chớ đi mau”.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.