Những số phận trong bức ảnh 43 năm trước

10/06/2015 06:05 GMT+7

Cách đây đúng 43 năm (ngày 8.6.1972), phóng viên Nick Út (Hãng thông tấn AP) đã chụp một bức ảnh gây chấn động thế giới.

Cách đây đúng 43 năm (ngày 8.6.1972), phóng viên Nick Út (Hãng thông tấn AP) đã chụp một bức ảnh gây chấn động thế giới.

Từ trái qua: Phan Thanh Phước, Nick Út, Hồ Văn Bon - Ảnh: Đoàn Công Tính chụp ngày 8.6.2015
Từ trái qua: Phan Thanh Phước, Nick Út, Hồ Văn Bon - Ảnh: Đoàn Công Tính chụp ngày 8.6.2015
Nhân vật chính trong bức ảnh, cô bé bị bom napalm Phan Thị Kim Phúc, đã được báo chí trong và ngoài nước nói đến rất nhiều. Tuy nhiên, trong khung hình không chỉ có mỗi Kim Phúc mà còn cả những đứa bé khác.
Ngoài cùng phía bên trái bức ảnh là Phan Thanh Tâm (anh ruột của Kim Phúc) lúc đó 12 tuổi, miệng đang há to hớp không khí vì chạy trối chết và cũng bị một vết thương ở mắt. Trong ảnh cậu bé Tâm có vẻ gầy gò, mảnh khảnh nhưng trong bức ảnh do Horst Faas (phóng viên Hãng AP) chụp lần gặp lại gần nhất giữa Nick Út và Phan Thanh Tâm (tháng 4.2000) cũng tại “chốn xưa” thì trông ông Tâm có vẻ đẫy đà, bệ vệ… Ông Tâm mất năm 2006 vì bệnh xuất huyết não (năm 46 tuổi). Đằng sau, bên trái của Phan Thanh Tâm là đứa em út Phan Thanh Phước, lúc đó 5 tuổi.
Bức ảnh bà nội Kim Phúc và em Danh - Ảnh: Nick Út
Bức ảnh bà nội Kim Phúc và em Danh - Ảnh: Nick Út
Phía sau Kim Phúc còn 2 đứa trẻ nữa, đó là hai chị em ruột và là anh em bà con với Kim Phúc. Cô chị Hồ Thị Tịnh đang dắt tay cậu em Hồ Văn Bon chạy về phía những người chụp ảnh…
Gặp lại người xưa
Trong một chuyến tháp tùng Nick Út về thăm lại Trảng Bàng, Tây Ninh, chúng tôi đã nghe chị Hồ Thị Tịnh kể lại: “Tôi không biết bất cứ chuyện gì xảy ra chung quanh mà cứ cắm đầu chạy và cảm thấy đau đớn khắp thân thể. Cũng chẳng biết bức hình được chụp từ bao giờ. Chúng tôi không biết bom napalm là cái gì cả. Lúc đó, chúng tôi đang trú ẩn trong một thánh thất Cao Đài thì bom nổ long trời lở đất, khói đen và lửa cháy mịt mù. Tôi túm lấy thằng em và lôi nó đi vì nó chạy theo không kịp. Chúng tôi gào thét vang trời. Kim Phúc bị nặng nhất, nó vừa chạy vừa vứt bỏ những mảng quần áo đang bén cháy. Những nhà báo đã chặn nó lại, họ lấy nước trong những chiếc bi đông tưới lên người nó trong khi chúng tôi vẫn tiếp tục chạy...”.
Bức ảnh Nick Út chụp bà thím Kim Phúc đang ẵm em Cường
Bức ảnh Nick Út chụp bà thím Kim Phúc đang ẵm em Cường
Anh Hồ Văn Bon thì nhớ rằng: “Lúc đó cả người tôi phủ đầy thứ bột trắng và càng lúc càng nóng rát. Chúng tôi chạy qua khỏi chỗ các nhà báo cho tới khi đến ngôi làng kế bên thì được vài người dân ở đây tưới nước lên người và đưa chúng tôi vào bệnh viện. Phải mất 2 ngày mẹ tôi mới tìm ra chúng tôi. Chị em tôi đã phải chữa trị ở bệnh viện hết một tháng. Tất cả mọi thứ trong nhà của chúng tôi đều bị cháy rụi. Chúng tôi, mỗi đứa chỉ còn độc nhất một bộ quần áo mặc trên người, may mà còn có hàng xóm giúp đỡ”.
Thực ra, Nick Út không chỉ chụp mỗi bức ảnh có Kim Phúc mà trước khi nhóm trẻ này chạy đến, anh cũng đã bấm được vài cảnh làm nhói lòng người xem: hai người đàn bà ẵm hai đứa trẻ bị bom napalm cháy nám, loang lổ khắp thân thể. Đó là bà thím của Kim Phúc bồng đứa con trai 9 tháng tuổi tên Phan Văn Cường và bà nội của Kim Phúc bồng bé Phan Văn Danh (3 tuổi). Những mảng da của Danh bị cháy tuột khỏi thân thể và đeo lủng lẳng ở cổ chân đứa bé theo bước chạy của bà nội (cả hai là em họ của Kim Phúc). Danh chết trên tay bà nội trước ống kính của các phóng viên còn Cường chết sau đó 10 ngày…
Vất vả những phận đời
Khác với số phận của “nhân vật chính” Kim Phúc khi nhận được sự quan tâm của cả thế giới và cuộc sống “đổi đời” ở trời Tây, chị Tịnh và anh Bon hầu như chưa hề rời khỏi mảnh đất Trảng Bàng. Anh Bon trông già hơn cái tuổi 49 của mình, khuôn mặt gầy và móm bởi mất hàm răng cửa. Mang trên mình những di chứng của trận bom napalm năm nào nhưng mỗi ngày anh vẫn phải có mặt “trên từng cây số” với cái nghề chạy Honda ôm (trước đây khi chưa có xe, anh Bon làm ruộng). Chị Tịnh có khá hơn chút đỉnh dù cũng vất vả sinh nhai với một quán “chạp phô” (bán đủ thứ: cà phê, nước dừa, mì gói, thuốc lá...) ven lộ. Mỗi lần Nick Út về thăm đều thấy khách khứa tấp nập, chẳng biết họ đến mua đồ hay chỉ vì hiếu kỳ đến xem ông phóng viên đã chụp hình những người này năm xưa. Khi không có khách đi xe ôm, anh Bon phụ bán với chị Tịnh. Chị Tịnh bày tỏ: “Tôi cũng có gặp lại Kim Phúc trong những lần cô ấy về thăm quê. Thấy cô ấy ăn mặc sang trọng và có rất nhiều tiền, tôi mừng cho cô ấy nhưng cũng tủi thân vì trong khi cô ấy được hưởng nhiều điều từ tấm ảnh ấy thì chúng tôi lại bị quên lãng. Chị em chúng tôi cũng chịu nhiều đau khổ vì bom napalm nhưng chẳng ai quan tâm, chí ít là sức khỏe của chúng tôi”.
Bức ảnh Em bé napalm
Bức ảnh Em bé napalm
Nghe chị Tịnh nói thế, Nick Út nói riêng với người viết: “Thực ra mỗi lần về Trảng Bàng thăm “người xưa, cảnh cũ” tôi đều cho tiền, tặng quà cho họ. Giúp ngặt chứ làm sao giúp nghèo”.
Buổi bán đấu giá 5 tác phẩm nhiếp ảnh của Nick Út vào tối 8.6 tại Lý Club (43 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q.3, TP.HCM) đã thu về tổng cộng 540 triệu đồng cho Quỹ hiểu về trái tim (giúp trẻ em nghèo, phẫu thuật tim cho trẻ em) của diễn viên Chi Bảo. Riêng bức Em bé napalm được mua với giá 250 triệu đồng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.