Những thương vụ đưa phim Việt ra nước ngoài

01/06/2015 07:00 GMT+7

Sau Hotboy nổi loạn và câu chuyện về thằng Cười, con vịt và cô gái điếm của Vũ Ngọc Đãng, hãng phát hành quốc tế lớn và uy tín là Fortissimo vừa quyết định mua bản quyền bộ phim mới của Victor Vũ - Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh.

Sau Hotboy nổi loạn và câu chuyện về thằng Cười, con vịt và cô gái điếm của Vũ Ngọc Đãng, hãng phát hành quốc tế lớn và uy tín là Fortissimo vừa quyết định mua bản quyền bộ phim mới của Victor Vũ - Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh.
Cảnh trong phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh	- Ảnh: Đoàn phim cung cấp
Cảnh trong phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh - Ảnh: Đoàn phim cung cấp
Fortissimo đã giới thiệu hay chính xác hơn là chào bán bộ phim này tới các nhà phát hành đến từ nhiều quốc gia tại chợ phim của Liên hoan phim (LHP) Cannes vừa qua. Trước đó, bộ phim VN đầu tiên mà Fortissimo để mắt đến và đưa đi chào bán tại nhiều LHP lớn trên thế giới như LHP Berlin, LHP Toronto, là Hotboy nổi loạn và câu chuyện về thằng Cười, con vịt và cô gái điếm.
Ngoài Fortissimo, một vài “anh lớn” trong lĩnh vực phát hành phim quốc tế đã bắt tay với các nhà sản xuất VN. Một trong những thương vụ gây chú ý nhất là việc bộ phim Dòng máu anh hùng được nhà phát hành Weinstein.Co mua bản quyền phát hành tại Bắc Mỹ và 5 vùng lãnh thổ nói tiếng Anh. Năm ngoái, phim Lửa Phật được Grindstone Entertainment Group kết hợp với Lionsgate mua bản quyền phát hành tại Bắc Mỹ cũng gây xôn xao. Vietnam Media, một công ty con của BHD, hằng năm luôn tham gia các LHP, các chợ phim quốc tế để chào bán các phim do BHD sản xuất hoặc hợp tác sản xuất, cũng như phim của nhiều hãng trong nước, tới các nhà phát hành quốc tế. Theo thông tin từ Vietnam Media, trong 10 năm công ty đã bán được khoảng gần 40 bộ phim VN phát hành tới gần 100 nước.
Khó ra rạp lớn
Giữa hàng trăm bộ phim được chào bán tại mỗi chợ phim, việc phim Việt lọt vào mắt nhà phát hành quốc tế rõ ràng là chuyện vui. Tuy nhiên, đến giờ vẫn chưa có thương vụ nào đưa phim Việt ra rạp chiếu thương mại rộng rãi tại nước ngoài. “Theo tôi được biết, đến nay, hầu hết phim Việt mới chỉ dừng lại ở việc phát hành theo dạng DVD và một số ít kênh truyền hình tại nước ngoài”, biên kịch Phước Châu nói. Còn đạo diễn Việt kiều Pháp Lê Lâm từng tiết lộ, đa số phim Việt phát hành tại Mỹ chỉ trong phạm vi hẹp, phục vụ bà con Việt kiều là chính.
“Để đưa phim ra thị trường quốc tế rất khó. Chẳng hạn với thị trường Mỹ, ngay cả những phim lớn của châu Á chen chân vào còn không dễ dàng. Còn tại thị trường Pháp, phim thắng Cành cọ vàng ở Cannes 2010 như Bác Boonme, người nhớ lại tiền kiếp của đạo diễn người Thái Apichatpong cũng chỉ bán được 150.000 vé. Để có thể phát hành rộng rãi ngoài hệ thống rạp chiếu thương mại, thường đó phải là phim của các đạo diễn lớn, bằng không phim chỉ có thể phát hành trong phạm vi hẹp”, đạo diễn Phan Đăng Di thẳng thắn nhìn nhận. Anh không ngại nói tới việc Bi, đừng sợ! đã không tìm được hãng phát hành quốc tế dù thắng 2 giải thưởng tại Tuần lễ phê bình ở LHP Cannes 2010. Không tìm được hãng phát hành nên nhà sản xuất phải tự điều đình với các rạp phim nghệ thuật ở Pháp để chiếu thương mại trong phạm vi hẹp và bán phim cho các hãng phát hành nhỏ ở Ba Lan, Đài Loan. Đến lượt các hãng này lại in phim ra DVD tiêu thụ tại cửa hàng băng đĩa và bán cho các hãng hàng không phục vụ khách trên chuyến bay giữa Mỹ và VN quá cảnh tại Đài Loan (Trung Quốc).
Cảnh trong phim Cha và con và...Cảnh trong phim Cha và con và...
Giá của phim Việt
Vào thời điểm đang thương thảo với Weinstein.Co, nhà sản xuất bộ phim Dòng máu anh hùng đưa thông tin nhà phát hành chào mua với giá 1,5 triệu USD. Nhiều người trong giới nghi ngờ con số “khủng” này, bởi cũng giống như nhiều vụ thương thảo khác, số liệu thực luôn được đánh bóng. Theo Vietnam Media, so với phim của nhiều nước trong khu vực, phim Việt bán ra vẫn chịu mức giá thấp hơn. Tùy theo phim và nước phát hành, phim có thể đạt tổng doanh thu từ vài trăm triệu cho đến gần 10 tỉ đồng/phim.
Dù doanh thu từ phát hành các bộ phim Việt ra nước ngoài thấp hơn so với trong nước vì VN là thị trường lớn nhất, bên cạnh đó phí phát hành phim ở nước ngoài rất cao do chi phí đưa phim đến LHP và chợ phim quốc tế là khá lớn, “nhưng chúng tôi không đặt doanh thu lên hàng đầu khi phát hành phim Việt ra nước ngoài. Để mở thị trường mới cho phim Việt phải kiên nhẫn và phải đầu tư lâu dài”, bà Ngô Thị Bích Hạnh, Phó tổng giám đốc Công ty BHD, nói.
Nhìn xa hơn, đạo diễn Phan Đăng Di cho rằng: “Việc các hãng phát hành quốc tế quan tâm và bắt đầu đi bán phim hộ mình phải xem là chuyện tốt, vì mình đã bước một chân vào thị trường chung của điện ảnh. Nhưng tương lai có khả quan hay không còn tùy, chỉ khi nào được xuất hiện thường xuyên ở các LHP lớn tại những khu vực quan trọng, thì lúc đó phim VN mới thực sự trở thành món hàng quen thuộc”.
“Cha và con và...” sẽ chiếu ở 400 rạp của Pháp
Được đề cử giải thưởng Gấu vàng tại LHP Berlin 2015, Cha và con và... của Phan Đăng Di đã có một bước tiến quan trọng trong việc chinh phục thị trường quốc tế khi là một trong 4 phim được hãng phát hành phim nghệ thuật quan trọng Memento Films mua, trong đó có cả Taxi - phim giành giải Gấu vàng của Iran. Theo dự kiến, Memento Films sẽ chiếu thương mại Cha và con và... tại khoảng 400 rạp của Pháp. Nếu vậy, đây sẽ là bộ phim đầu tiên do đạo diễn trong nước thực hiện được phát hành thương mại rộng rãi nhất tại Pháp, thị trường quan trọng nhất của phim nghệ thuật.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.