Nợ yêu thương - Truyện ngắn của La Thị Ánh Hường

Cuộc đời cứ như những trang sách trải dài, nối tiếp bất tận mà không có điểm dừng. Yêu thương trên đời này cũng vậy, nó chẳng khác nào nợ nần mà người ta không thể tự mình thoát ra được.

1. “Mẹ ạ, con sẽ sinh một đứa con”. Linh soạn tin nhắn đó từ khi mới gửi về cho mẹ chiếc điện thoại cảm ứng, loại có màn hình lớn để mẹ có thể xem phim hài. Linh còn định nhắn nhiều nữa, đại loại là xã hội bây giờ thoáng hơn xưa rồi, sẽ không ai dị nghị gì hết, với lại con cũng ở trên này nên mẹ không cần phải xấu hổ với hàng xóm, con sẽ tự lo được mọi thứ nên mẹ cứ yên tâm... Nhưng cuối cùng Linh chỉ rút lại một câu ngắn gọn như vậy. Linh biết có nhắn nhiều mẹ cũng chẳng thể nào hiểu được. Từ ngày cha bỏ đi, mẹ trở nên như thế. Như bao người đàn ông, thanh niên trai tráng ở làng này, cha Linh đi đào vàng ở hang núi. Khi ấy, em gái Linh vừa mới chào đời đã thiếu ăn. Đó chính là động lực thúc đẩy ông dấn thân vào con đường nguy hiểm ấy. Mẹ ở nhà nơm nớp lo lắng đến mất sữa. Mỗi lần cha về, mẹ đều muốn giữ cha ở lại. Mẹ bảo ở nhà có gì ăn nấy, nghèo thì nghèo chứ có ai chết đói đâu. Nhưng cha vẫn ra đi trong ánh nhìn khắc khoải của mẹ. Cha nói không thể để hai đứa con gái thiếu thốn được, cha phải kiếm tiền.
Ngày biết tin cha mất, mẹ suy sụp tinh thần lẫn thể xác. Mẹ ngất xỉu phải đưa vào trạm xá gần nhà, nằm mê man qua hết cái đám tang. Tỉnh dậy, mẹ nói cười hể hả, đòi ăn, đòi mặc đẹp mới chịu. Chẳng cần quan tâm gì ánh mắt ngơ ngác, dòm ngó của chung quanh, mẹ hồn nhiên như một đứa trẻ con.
Thư, em gái Linh gọi điện bảo nhà hàng xóm có nối internet. Linh liền mua cho Thư và mẹ mỗi người cái điện thoại thông minh để có thể dùng internet. Thư thì không hào hứng gì do sợ chị tốn kém, còn mẹ thì vui hớn hở. Suốt ngày ngồi xem phim, xem kịch hài và cười ha hả rất sảng khoái. Một lần mẹ nói với Linh, sao không có ai gửi tin nhắn cho mẹ, cả con cũng không bao giờ gửi. Linh bật cười, nói có gì con gọi điện cho nhanh, khỏi mất công mẹ đọc tin nhắn lâu.
Vậy nên Linh vẫn không dám gửi tin nhắn ấy đi mà lưu lại trong điện thoại. Linh sợ mẹ sẽ thất vọng: “À thì ra xài điện thoại di động chẳng có gì hay ho. Nhất là cái chức năng tin nhắn kia, toàn những tin xui rủi, biết vậy đừng xài hay hơn”. Mẹ sẽ nghĩ như vậy, chỉ đơn giản như vậy như cái cách mẹ nhìn về cuộc đời. Linh không có quyền làm cho mọi thứ thêm phức tạp lên, mẹ sẽ chẳng thể nào hình dung ra tại sao người ta ly dị, tại sao có những cô gái trẻ muốn làm mẹ đơn thân, tại sao thiên hạ lại ngoại tình ầm ầm... Linh giấu hẳn cái tin nhắn ấy đi vì Linh phải có trách nhiệm bảo vệ sự hồn nhiên của mẹ.
Nhiều khi Linh nghĩ nếu như mình không đi đâu xa, lớn lên ở hẳn vùng quê với mẹ, rồi biết đâu mình sẽ lấy chồng, sinh con và sống một cuộc đời bình thường như mẹ sẽ tốt hơn không? Có phải sự ra đi của mình là sai rồi không? Mẹ và em gái chưa bao giờ có ý định lên thành phố sống với Linh, dù Linh đã mua hẳn được căn nhà rộng rãi. Nhiều lúc mệt mỏi, Linh ước ao mình giống như cây cỏ, sinh ra và lớn lên chỉ ở hẳn một chỗ cho đến khi từ giã cuộc đời. Không cần phải lưu luyến, vấn vương bất cứ điều gì. Nhưng dường như mình chẳng quyết định được điều gì cho cuộc đời mình. Mọi thứ diễn ra như đã được sắp đặt sẵn. Chỉ duy nhất những nỗi dày vò, ray rứt vì một điều gì đó là thuộc quyền sở hữu của mình.
2. Linh lấy tin nhắn ra xem, một lần nữa lấy hết sức can đảm gửi đi, nhưng cứ nghĩ đến vẻ mặt hốt hoảng của mẹ thì Linh lại thôi. Linh luôn thấy mình lạc lõng giữa thành phố này. Cô chưa bao giờ tìm thấy niềm vui. Bạn bè khuyên cô yêu đi hoặc có con đi. Không nên đứng lại quá lâu ở một trạm nào đó. Cô đã đứng ở thời con gái quá lâu, khi mà đúng ra người ta đã bắt đầu rẽ sang một con đường mới đầy hăm hở. Nhưng Linh không biết phải bắt đầu mọi thứ như thế nào, kể từ khi bị tổn thương bởi mối tình mà Linh nghĩ rằng mình sẽ gắn bó với người ấy đến cuối con đường. Linh khép lòng lại từ đó. Linh đi làm, được sếp tin tưởng đề bạt vào chức trưởng phòng, tiền bạc chẳng thiếu thốn gì nhưng sao chỉ cần buông công việc ra, Linh lại rơi vào trạng thái nhìn cuộc sống chỉ là những chuỗi ngày cô đơn, không có mục đích, động lực. Chỉ có một lý do duy nhất khiến cô hăm hở lao vào công việc đó là mỗi tháng lãnh lương có tiền gửi về cho mẹ và em gái.
Nhiều lần Linh tự hỏi mọi người có giống như mình không. Mà hình như không, Linh thèm đến quay quắt nụ cười rạng rỡ của con bé bán bánh mì đầu ngõ mỗi khi thấy khách hay vẻ tươi tắn của anh chàng lấy rác mỗi sáng... Họ khó khăn hơn Linh nhiều nhưng sao vẫn vui vẻ, thiết tha yêu cuộc sống. Còn Linh thì sao, chỉ mỗi việc đơn giản nhất là lấy chồng nhưng với Linh thật khó, chỉ vì Linh không còn cảm xúc yêu đương với bất cứ ai.
Linh đã một lần nói về điều này với mẹ. Mẹ Linh mặc sức mà ngơ ngác trước những ngôn từ của Linh, cái gì là cảm xúc, là nhạt nhẽo, là không thể chia sẻ, không có sự đồng cảm... Nói chưa hết câu thì mẹ nói muốn ăn sữa chua của Linh làm, muốn xức nước hoa, đúng cái mùi nước hoa trên người Linh mới chịu. Rồi lại hí hoáy xem hài... Thư nhìn Linh an ủi: “Chị tập sống cho chị đi, hy sinh cho em với mẹ như vậy nhiều rồi”. Linh hỏi em khi nào lấy chồng. Mắt Thư long lanh, cô kể với chị về một cậu trai ở cuối làng...
3. Đó cũng là lần cuối cùng Linh có ý định gửi tin nhắn đó đi cho mẹ. Mẹ Linh nhập viện trong tình trạng nôn thốc nôn tháo, biếng ăn, giảm cân đột ngột, mặt có dấu hiệu phù. Bác sĩ nói mẹ đã mắc bệnh suy thận ở giai đoạn cuối. Khi ấy, Linh yêu cầu bác sĩ giấu mẹ, hãy nói rằng bà chỉ bị bệnh bình thường thôi. Linh luôn có trách nhiệm bảo vệ sự hồn nhiên, yêu đời cho mẹ, dù ở hoàn cảnh nào bởi đơn giản Linh đã quen nhìn hình ảnh về mẹ như vậy rồi. Linh chuyển hẳn mẹ lên bệnh viện thành phố với lý do cho gần để Linh vừa có thể chăm sóc mẹ, vừa đi làm. Thật ra thì bệnh viện ở đó đã trả mẹ về, họ nói tình trạng xấu nên chỉ có thể duy trì việc chạy thận trong vài tháng nữa là cao, vì tình hình bệnh viện quá tải nên những bệnh nhân như vậy họ không cho nhập viện. Tin ấy gây sốc với Linh.
Linh nghỉ làm hẳn để ở lại bệnh viện với mẹ. Mẹ vẫn khỏe và vẫn có thể xem hài bằng sóng 3G trên điện thoại thông minh. Thỉnh thoảng mạng yếu, mẹ than với Linh: “Sao lâu vậy mà chưa được về, về nhà wifi mạnh xem thích hơn”. Linh ứa nước mắt, nói với mẹ: “Con thấy ở đây mát mẻ cũng thích mà!”. Những lúc mẹ mệt, bàn tay bị phù do cơ thể không tự thoát nước, mẹ so tay mẹ với tay Linh, nói: “Nhìn tay mẹ mập nè, đâu gầy như tay con”. Linh xoa nhẹ bàn tay với những ngón tay múp míp vì đọng nước của mẹ, lòng quặn đau.
4. Lập nghiệp ở thành phố này, một thân một mình, Linh gặp không biết bao nhiêu sóng gió. Nhưng cái cảm giác khó chịu nhất không phải là khi bị người khác chơi xấu, xúc phạm, ghét bỏ mà mâu thuẫn thay đó lại chính là sự yêu thương. Chính sự yêu thương mới có thể đánh gục Linh, làm Linh nghẹn lại và có thể buông bỏ tất cả. Giờ đây, Linh đang ở trong trạng thái ấy. Mẹ Linh đang ở những ngày cuối cùng, chức năng thận hoàn toàn không làm việc, phải lọc máu bằng máy, cách ngày lọc một lần. Căn bệnh quái ác di căn sang tủy, gan làm mẹ đau đớn ở mọi trạng thái. Những lúc tỉnh, mẹ thèm ăn tất cả những thứ bị bác sĩ cấm ăn bởi nó không tốt cho sức khỏe của người suy thận.
Mẹ vẫn hồn nhiên như một đứa trẻ, dễ giận dỗi như một đứa trẻ, khi không cho ăn thì nghĩ rằng không thương nên không cho ăn. Một lần Linh bắt gặp mẹ giấu trái quýt nhỏ trong túi áo khi thấy dáng Linh đi vào từ xa. Linh phải tạt vào nhà vệ sinh khóc một trận rồi mới ra gặp mẹ. Phải chăng mẹ đừng hồn nhiên như vậy thì Linh đã đỡ đau lòng hơn. Phải chăng mẹ biết rõ được căn bệnh của mình, hiểu tại sao không nên ăn thứ nọ, thứ kia, hiểu về quy luật sinh lão bệnh tử để mà sẵn sàng đón nhận...
Hôm ấy Linh bần thần nghĩ về dự định sinh con của mình. Rồi Linh sẽ lại tiếp tục bị ràng buộc bởi những yêu thương tương tự, Linh sẽ không thể sống cuộc đời của Linh, cho Linh. Rồi Linh sẽ lao vào công việc như con thiêu thân, sẽ kiếm thật nhiều tiền để con của Linh có một cuộc sống tốt nhất. Khi ấy, hẳn Linh không còn than ngắn thở dài với nỗi cô đơn, cô độc gì đó, đơn giản là vì Linh không còn thời gian. Tình yêu thương con cái với hầu hết các bà mẹ cũng là sức mạnh để họ luôn nỗ lực một cách không biết mệt mỏi là gì. Rồi Linh sẽ phải trải qua những cung bậc cảm xúc, sẽ đau với nỗi đau của con, sẽ hạnh phúc với niềm vui của con. Rồi đứa trẻ ấy lớn lên trong tình yêu thương vô bờ bến của Linh, sẽ biết xót xa cho Linh, vì Linh mà phải sống sao cho Linh vui. Cuộc đời cứ như những trang sách trải dài, nối tiếp bất tận mà không có điểm dừng. Yêu thương trên đời này cũng vậy, nó chẳng khác nào nợ nần mà người ta không thể tự mình thoát ra được.
5. Mẹ mất. Linh suy sụp hoàn toàn. Mọi thứ chung quanh không còn có bất cứ ý nghĩa nào với Linh. Linh tự hỏi cuộc sống này cuối cùng là gì, con người ta tồn tại nhằm mục đích gì. Mỗi người được sinh ra, lớn lên và luôn nợ nần nhau những yêu thương như thế này thôi hay sao? Linh nằm gục không biết đến ngày thứ bao nhiêu thì cũng đến lúc phải dậy. Linh không còn nhận ra mình trong gương nữa, vẻ tiều tụy, hốc hác, thiếu sự sống. Linh không biết những ngày tiếp theo của mình sẽ như thế nào.
Linh đói bụng, cô xuống nhà bếp đã thấy có sẵn thức ăn vừa mới nấu, cùng tờ giấy của Thư để lại: “Em phải về nhà với mẹ, không để mẹ một mình được, chị nhớ tự chăm sóc tốt cho mình”. Linh lấy điện thoại ra gọi cho em gái. Chiếc điện thoại nằm im đã bao ngày nay, cạn sạch pin. Linh cắm sạc pin, bật nguồn. Có tín hiệu tin nhắn, Linh như không tin vào mắt mình, là của mẹ, rõ ràng số của mẹ. Linh lập cập mở ra.
“Con gái ngoan, đừng khóc!”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.