Nối vòng tay cùng 'Cô bé bán diêm'

09/09/2020 06:21 GMT+7

Vở nhạc kịch tiếng Anh Cô bé bán diêm (công diễn vào tối 6 và 7.9) cho thấy nếu các nhóm nghệ thuật cộng đồng liên kết lại thì hiệu quả không hề nhỏ.

Đêm diễn Cô bé bán diêm tại Nhà hát Tuổi trẻ (Hà Nội) tối 7.9 kết thúc, dàn hợp xướng Đa dạng vốn chỉ đứng hát sau cánh gà cùng tràn ra sân khấu. “Lần đầu tham gia dàn hợp xướng và là lần đầu dàn hợp xướng đi hát hỗ trợ cho nhạc kịch, cũng là lần đầu nhạc kịch Cô bé bán diêm lên sân khấu ở Việt Nam, tôi rất vui”, bà Hoàng Ánh, nguyên giảng viên Trường ĐH Ngoại thương, chia sẻ.
Đây là dự án nghệ thuật do bà Hoàng Thu Hường làm giám đốc sản xuất, liên kết 2 nhóm nghệ thuật cộng đồng cùng hợp tác là dàn hợp xướng Đa dạng và nhóm nhạc kịch Hanoi Arts for Youth (HAY).
Cô bé bán diêm có rất nhiều điều đáng tự hào. Đó là những người hát bè giàu cảm xúc; là những diễn viên mỗi lần lên sân khấu lại thấy xúc động vì được là một phần của vở diễn. Vì thế, sự trong sáng của từng cá nhân đã làm nên năng lượng cho vở diễn. Từ những động tác chuyển quà Giáng sinh vui nhộn, đến cái lom khom người đi gom đồ thừa của những cô, cậu bé nghèo, sự lúng túng của cô bé bán diêm trong đêm đầy tuyết... đều mang một vẻ đẹp chân thành khó gặp.
Vở diễn này cũng điền vào khoảng trống của sân khấu thủ đô, là khoảng trống của nhạc kịch tiếng Anh cho người trẻ. Cô bé bán diêm cũng đang tạo cơ hội cho những người viết nhạc trẻ. Trên hết, Cô bé bán diêm là minh chứng cho sự kết nối kỳ lạ của nghệ thuật. Đêm diễn vì thế có nghệ sĩ chỉ mới 5 tuổi và người cao tuổi nhất đã ngoài 70. Họ đứng bên nhau, cùng tạo ra những tính cách khác biệt.
“Bản thân hợp xướng tên là Đa dạng, nó sinh ra để tôn trọng sự khác biệt, nên khi tham gia, việc đầu tiên của mọi người là tôn trọng sự khác biệt. Với Cô bé bán diêm, mọi người học cách sống chung với nhau, làm việc cùng nhau. Họ học được yêu thương và chấp nhận sự khác biệt của người khác”, Giám đốc sản xuất Hoàng Thu Hường nói.
Theo bà Hường, các dự án nghệ thuật cộng đồng có thể cùng bắt tay vì một tác phẩm và vì một không gian nghệ thuật lớn hơn. “Vở diễn có thêm hợp xướng sẽ có bè dày lên, thay vì chỉ một, hai người hát. Khi có một trăm người hát, cảm giác hưởng thụ nghệ thuật của khán giả tốt hơn hẳn. Dàn hợp xướng và nhóm kịch đều là nhóm nghệ thuật cộng đồng. Họ là những người không chuyên và cơ hội được thể hiện mình là điều họ quý trọng”, bà Hường chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.