NSƯT Hữu Châu: Bậc thầy diễn xuất vẫn nặng lòng với sân khấu

Phan Cao Tùng
Phan Cao Tùng
22/12/2019 10:05 GMT+7

Trong làng kịch nói phía nam, nếu gọi Thành Lộc là 'phù thủy sân khấu' thì Hữu Châu cũng được dân trong nghề và khán giả xem là 'bậc thầy diễn xuất' với những biến hóa đa dạng trong nhiều loại vai.

Gần đây, NSƯT Hữu Châu còn xuất hiện khá nhiều trong các phim truyền hình và phim điện ảnh ăn khách.

Vai lớn hay nhỏ đều diễn hết mình

Thông tin NSƯT Hữu Châu vào vai Bá Kiến trong phim Cậu Vàng - chuyển thể từ một số tác phẩm của Nam Cao như Lão Hạc, Chí Phèo... khiến khán giả rất quan tâm. Điều gì khiến anh nhận lời khăn gói ra bắc suốt hơn một tháng để hóa thân một nhân vật phản diện nổi tiếng trong văn học Việt Nam?
Tôi chọn phim Cậu Vàng vì phim được chuyển thể từ các tác phẩm văn học nổi tiếng. Thứ hai, vì sự kính trọng, thương mến cố NSND Bùi Cường, bởi ngày xưa, tôi và anh Bùi Cường từng đóng phim, lồng tiếng chung với nhau ở trụ sở Thái Văn Lung - Đồn Đất (TP.HCM). Rồi sau này, anh Bùi Cường làm đạo diễn phim Tổ ấm gió lùa, tôi có đóng một vai trong phim đó. Giờ Cậu Vàng là tâm nguyện trước khi mất mà anh đã dồn hết khi viết kịch bản, tôi không thể không đóng. Ngoài ra, tôi quý tài đạo diễn Trần Vũ Thủy - con rể của anh Bùi Cường và là người dàn dựng phim Cậu Vàng.
Không phải tôi “ăn mày” quá khứ, tôi chỉ tiếc cho thời vàng son của sân khấu ngày xưa. Nếu có kiếp sau, tôi cũng xin được làm nghệ sĩ để được đứng diễn mỗi ngày trên sân khấu
NSƯT Hữu Châu
Hữu Châu vai Nguyễn Trãi trong vở kịch Bí mật vườn Lệ Chi

Hữu Châu vai Nguyễn Trãi trong vở kịch Bí mật vườn Lệ Chi

Đây có phải là vai diễn anh kỳ vọng sẽ là một vai để đời của anh trong điện ảnh, bởi Bá Kiến là một nhân vật mà ai cũng biết?
Để đời thì tôi không dám nói đến, bởi tôi cũng chỉ là một thành phần trong đoàn phim. Một bộ phim hay cần đồng bộ nhiều khâu khác như công tác của đạo diễn, dựng phim, hình ảnh, âm thanh, các bạn diễn khác. Nếu tổng thể bộ phim tốt thì vai diễn của mình mới có thể hay được. Nói thật là tôi vẫn mong mình có được những vai diễn hay trong phim điện ảnh, như tôi đã từng có những vai để đời trên sân khấu. Người nghệ sĩ nào cũng muốn vậy hết, nhưng bây giờ tuổi tôi đã lớn rồi, tôi không còn tham vọng gì nhiều nữa.
Tôi luôn ao ước được đi khắp các vùng quê ở Việt Nam, nhất là các tỉnh Bắc bộ nên đóng phim này tôi sẽ có nhiều ngày rong ruổi, khám phá cảnh sắc thiên nhiên Ninh Bình và các tỉnh phía bắc. Tôi không ham hố ganh đua, so kè tài năng với ai ở thời điểm này nữa, bởi mọi người đều đã biết sức nghề của tôi tới đâu, không cần tôi phải chứng minh nữa.
NSƯT Hữu Châu và NSƯT Thành Lộc trong vở Vua thánh triều Lê

NSƯT Hữu Châu và NSƯT Thành Lộc trong vở Vua thánh triều Lê

Vai “cô đào chuyển giới” Lệ Liễu trong phim Lô tô cho tới nay rất ấn tượng với khán giả. Anh đánh giá vai đó như thế nào trong sự nghiệp của mình?
Vai Lệ Liễu là cả một tình thương lớn mà tôi đã trăn trở, suy nghĩ nhiều, sau một tháng đọc kịch bản, tôi mới nhận lời đóng. Bởi vì tôi lo lắng. Phải hóa thân như thế nào để khán giả chấp nhận hình ảnh người chuyển giới trong khi tuổi tôi không còn trẻ và ngoại hình đàn ông quá so với nhân vật. Nếu vai giả nữ diễn trên sân khấu thì còn có cái này cái kia ước lệ để tôi che lấp, nhưng khi đóng phim điện ảnh, toàn bộ sẽ hiện rõ trong từng khung hình. Tôi sợ sẽ gây nên sự phản cảm. Cho nên tôi suy nghĩ rất kỹ. Và cuối cùng tôi tìm được chìa khóa cho mình, tính toán về đầu tóc, quần áo, phục sức như thế nào cho phù hợp. May mắn là khán giả đã đón nhận vai diễn mà tôi đã dành nhiều tâm tư cho nó.
Thế mới thấy, vai nào mà người diễn thương bằng tấm lòng thật sự, thì chắc chắn sẽ được khán giả đón nhận. Tôi không phân biệt vai lớn hay nhỏ, chính hay phụ, bởi vai nào mình cũng phải làm thật đàng hoàng, diễn hết mình để giữ được vị trí, tên tuổi của mình.
Vai diễn mẹ Cám (trái) của Hữu Châu trong vở Tấm Cám trên Sân khấu IDECAF ẢNH: NSCC

Vai diễn mẹ Cám (trái) của Hữu Châu trong vở Tấm Cám trên Sân khấu IDECAF

Ảnh: NSCC

Kiếp sau vẫn mong đứng trên sân khấu

Nghe nói mỗi khi đi quay ở các tỉnh, anh đều tìm lại các nhà hát xưa, nơi sân khấu từng sáng đèn. Anh đi tìm gì ở những nơi đó?
Tôi kết hợp đi quay và đi tìm lại những dấu tích nghề hát. Ra Hà Nội, đi ngang qua nơi từng là rạp hát cải lương, nhưng giờ đã thay đổi, tôi chỉ đứng nhìn. Nghe đi Huế quay phim là tôi nhận lời liền để ra thăm lại rạp hát mà bây giờ đã mất dấu, chỉ còn cái lỗ mà ngày xưa chúng tôi dùng để phục trang, chui ra chui vô thay đồ, bước lên sân khấu. Nhìn mà chỉ muốn khóc thôi vì quá nhiều kỷ niệm. Đến Phan Thiết, quay xong, tôi nói taxi chở tôi ra rạp hát, giờ đã thành một công viên nhỏ. Nhìn cảnh đó, tôi chỉ biết đứng lặng, nghĩ về sự biến thiên của nghề hát này cũng như của cuộc đời.
Không phải tôi “ăn mày” quá khứ, tôi chỉ tiếc cho thời vàng son của sân khấu ngày xưa. Nếu có kiếp sau, tôi cũng xin được làm nghệ sĩ để được đứng diễn mỗi ngày trên sân khấu.
Hữu Châu vai bố Lan Ngọc trong phim Cua lại vợ bầu

Hữu Châu vai bố Lan Ngọc trong phim Cua lại vợ bầu

Giữa nhiều loại hình nghệ thuật mà anh tham gia, thấy anh nặng lòng với sân khấu nhiều hơn? Anh thấy sân khấu kịch hiện nay ra sao, có đủ để anh có những niềm vui nghề nghiệp tiếp theo sau những vai đặc sắc trong các vở diễn lớn như Bí mật vườn Lệ Chi, Vua thánh triều Lê, Tiên Nga...?
Tôi là dân kịch, nhưng gốc gia đình tôi là cải lương, nên máu trong người tôi vẫn là sân khấu, dù đóng phim điện ảnh cũng là công việc của tôi. Tình hình sân khấu bây giờ không như hồi xưa, dùng từ là “khó hát”. Phải là kịch bản thật hay thì mới có thể lôi kéo khán giả được.
Ở Sân khấu IDECAF mà tôi diễn, vẫn có những vở kịch hay kéo được người xem, nhưng vẫn có những vở vắng khách. Đó là tình hình chung, nhưng không phải vì vậy mà sân khấu không sáng đèn. Vẫn có những vở đáng tự hào với hàng trăm suất diễn đông kín khán giả như Tiên Nga, Bí mật vườn Lệ Chi, Vua thánh triều Lê... Thôi thì giờ mấy đoàn kịch tư nhân cùng nhau cặm cụi làm, tự đốt đốm lửa cho nhau, làm được gì thì cứ làm để phát triển nghề.

Cứ cho đi rồi sẽ được nhận lại

Anh từng nói anh không cưỡng được số trời, vất vả từ nhỏ, nếm trải cảnh người thân lần lượt qua đời. Anh có nghĩ số phận bắt anh phải chịu nỗi đau đó?
Lúc người thân ra đi, phải nói là rất đau, nhưng chuyện này tôi cũng đã chia sẻ nhiều, nên không nhắc tới nữa, sợ mọi người nói tôi đánh động lòng thương. Nhiều khi ngồi nghĩ lại, tôi nghĩ đó không phải là số phận gì của mình hết, mà hình như đó là cái “nghiệp” của mình. Đến thì mình đón nhận, thế thôi! Nhận rồi sẽ hết, rồi sẽ vượt qua. Tôi nghiệm ra tuổi trẻ của mình phải trải qua những chuyện như thế là do mình thiếu một chút gì đó, có thể là phần phước mình cạn. Thôi thì bây giờ mình ráng làm những chuyện tốt, đơn giản như mình sống tử tế, nhẫn nhịn hơn một chút…, để tuổi trung niên và hậu vận của mình được tốt hơn.
Mọi người nghĩ anh hy sinh hạnh phúc riêng của mình để lo lắng cho gia đình?
Không, không có hy sinh gì hết. Tôi cũng không muốn nói về chuyện tình cảm bởi sẽ gây ra những thị phi không tốt. Mà cũng không ai quan tâm đến chuyện tôi độc thân hay như thế nào nữa đâu.
Hữu Châu vai Lệ Liễu đầy nghịch cảnh - phim Lô tô

Hữu Châu vai Lệ Liễu đầy nghịch cảnh - phim Lô tô

Vậy niềm vui của anh bây giờ là gì?
Là tôi đi dạy, rồi đi chơi với mấy đứa học trò. Lâu lâu hẹn với nhóm bạn già đi chơi, đi du lịch nếu đi tỉnh diễn chung. Giờ tôi đi đóng phim trong tâm thế thoải mái như đi an dưỡng, tất nhiên ra trường quay thì mình phải làm việc cật lực, hết mình. Nhiều khi tôi quay xong mà mấy đứa nhỏ (diễn viên trẻ - PV) chưa hết phân đoạn, tôi cũng ngồi lại để chờ khi tất cả xong hết việc, chú cháu kéo nhau đi ăn, uống.
Ai có theo dõi Facebook của nghệ sĩ Hữu Châu đều thấy những gì anh viết thường mang năng lượng tích cực, lan tỏa sự an lành cho mọi người. Đó là quan điểm sống của anh?
Tôi dùng Facebook từ năm 2011. Từ đó đến nay, trang Facebook của tôi chỉ có từ vui đến vui, tuyệt đối không nặng nề. Tôi nghĩ cái này cũng là một cách tích phước cho mình. Bởi tôi biết sáng sớm mọi người thấy mình viết gửi lời chúc hài hước thì họ sẽ cười; hoặc chiều làm việc mệt về, gặp cái hình hay câu trích dẫn “khùng khùng điên điên” của tôi, họ lại cười, thì vô tình tôi cũng nạp phước cho mình.
Hiện trong nghề và trong cuộc sống, anh mong muốn điều gì?
Trong nghề, vai để đời, tôi đã có rồi. Cuộc sống tôi cũng không còn thiếu thốn điều gì, không phải là giàu có, nhưng gọi là đủ. Tôi vẫn ráng đi diễn, dành dụm để khi đau bệnh thì mình tự xoay xở được. Tôi chỉ cầu mong sức khỏe, và bộ nhớ trong đầu của tôi sẽ luôn hoạt động tốt để tôi đi làm nghề. Chứ tuổi càng ngày càng lớn thì hay quên, đi làm nghề mà lời thoại nhớ không kịp thì kỳ lắm. Để có được sức khỏe lâu dài, tôi phải ráng sống tích cực, lành mạnh.
Tôi không sợ tuổi già thui thủi, vì bên cạnh tôi luôn có con cháu, học trò, đồng nghiệp. Mình muốn người ta thương mình thì đơn giản lắm, mình hãy thương họ hết lòng trước đi, rồi họ thương mình lại à! Tôi tin nếu mình sống tốt thì ông trời không để cho mình gặp những chuyện bất an trong cuộc đời nữa đâu.
NSƯT Hữu Châu tên đầy đủ là Nguyễn Hữu Châu, sinh năm 1966. Ba anh là nghệ sĩ Hữu Thình, mẹ là nghệ sĩ Thanh Lệ, cô ruột là nghệ sĩ Thanh Nga, chú là danh hài Bảo Quốc. Ông nội anh là nghệ sĩ Năm Nghĩa, bà nội là bầu Thơ - chủ đoàn cải lương Thanh Minh nổi tiếng một thời.
Năm 1985, Hữu Châu tốt nghiệp Trường Nghệ thuật sân khấu 2 - TP.HCM (cùng thời với Thành Lộc, Hồng Vân, Hồng Đào...). Anh nổi tiếng với nhiều vai diễn trên sân khấu kịch như: Nguyễn Trãi trong Bí mật vườn Lệ Chi, Nguyễn Lê Quốc công trong Vua thánh triều Lê, Võ Công trong Tiên Nga, Lỗ Quý trong Lôi vũ, ông Năm trong Dạ cổ hoài lang, mẹ Cám trong nhạc kịch Tấm Cám... Gần đây, các phim chiếu rạp ăn khách có Hữu Châu diễn là: Chị trợ lý của anh, Cua lại vợ bầu, Tấm Cám - Chuyện chưa kể, Gái già lắm chiêu... Đầu năm 2020, rạp Việt Nam sẽ chiếu 2 phim có sự góp mặt của Hữu Châu: Sắc đẹp dối trá, Nắng 3.

Luôn ý thức trau dồi nghề nghiệp dù đã là tên tuổi lớn

NSND Kim Xuân

Ảnh: NSCC

“NSƯT Hữu Châu là một tên tuổi lớn trong làng kịch nói, điều này ai cũng biết. Ở Hữu Châu không chỉ có tố chất của con nhà nòi mà tài năng thiên phú của anh còn được bản thân anh ý thức luôn trau dồi qua việc mê đọc sách, để học thêm kiến thức cho nghề, đặc biệt những cuốn về lịch sử, doanh nhân, văn hóa... Tâm hồn anh Châu còn luôn rộng mở với thiên nhiên, con người, những vùng đất mới..., không “nhốt mình” như nhiều nghệ sĩ khác - đó là điều tôi phải luôn học hỏi. Trong đời thường, Hữu Châu rất vui tính, dù anh là người thẳng tính, yêu ghét rạch ròi. Anh còn khiến tôi phục khi cái tâm anh luôn dành những điều tốt, giúp ích cho sân khấu khi đã hướng dẫn, chỉ dạy, giới thiệu vai diễn cho nhiều thế hệ diễn viên đàn em”.

Người thầy lớn để có Quốc Trường hôm nay

Diễn viên Quốc Trường

Ảnh: NSCC

“Tôi đến với nghề diễn xuất bằng bản năng, chính anh Hữu Châu là người thầy đầu tiên và có ảnh hưởng nhất trong suốt hành trình nghệ thuật của tôi. Khi gặp anh Châu, tôi mới biết diễn xuất là gì. Anh đã dạy bảo tôi từng chút một, thật cặn kẽ, tâm huyết. Đặc biệt, tôi mang ơn anh đã giúp tôi hoàn thiện bộ môn tiếng nói sân khấu để tôi sau này mới đóng kịch, đóng phim có thu tiếng trực tiếp được, bởi tôi là người miền Tây, khó phát âm chuẩn. Anh Hữu Châu là người “nhúng tay” dạy dỗ tôi tất cả từ kiến thức, cách sống, cách đối nhân xử thế... khi anh bắt tôi phải đọc sách lúc tôi không có thích thú gì với sách, để tôi bước đến một thế giới tri thức, giúp ích cho bản thân mình. Nếu cuộc đời tôi không gặp anh Hữu Châu thì chưa chắc đã có Quốc Trường hôm nay cả về sự nghiệp, cuộc sống”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.