NSƯT Phi Điểu và những lần đi nhặt hoa chiều 30 tết

09/02/2016 14:00 GMT+7

Với NSƯT Phi Điểu , tết xưa gắn liền với vô số kỷ niệm, trong đó có những lần vì không đủ tiền mua hoa, bà phải đợi đến chiều 30 tết, ra chợ nhặt những cành hoa còn tươi mang về nhà cắm.

Với NSƯT Phi Điểu, tết xưa gắn liền với vô số kỷ niệm, trong đó có những lần vì không đủ tiền mua hoa, bà phải đợi đến chiều 30 tết, ra chợ nhặt những cành hoa còn tươi mang về nhà cắm.

NSƯT Phi Điểu - Ảnh: Độc LậpNSƯT Phi Điểu - Ảnh: Độc Lập
Nhặt hoa về cắm cho đỡ tốn kém
NSƯT Phi Điểu sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống cách mạng. Khi mới 13 tuổi, bà đã xa gia đình theo kháng chiến. Cái tết năm đó khắc sâu trong tâm trí khiến bà nhớ đến tận bây giờ bởi đó cũng là lần cuối cùng gia đình bà sum họp bên nhau.
Hơn 20 năm xa quê, NSƯT Phi Điểu dành trọn tuổi thanh xuân cho đất nước, nên khoảng thời gian sống êm đềm bên gia đình tuy ngắn ngủi nhưng đầy ắp những kỷ niệm đẹp.
"Giáp tết, mấy anh em chung tay dọn dẹp nhà cửa, phụ mẹ làm bánh mứt, đi chúc tết người thân. Vui nhất là mỗi lần nhận được lì xì dù chỉ vài xu ít ỏi nhưng đáng quý biết bao. Vẫn biết tết xưa cực hơn nhưng lại có nhiều cái để nhớ về!", bà chia sẻ.
Với NSƯT Phi Điểu, tết xưa rất thiêng liêng và nhiều kỷ niệm - Ảnh Linh Huỳnh.
Vốn là người khéo tay và đảm đang từ nhỏ, tết xưa với NSƯT Phi Điểu là dịp tự tay làm bánh mức cùng gia đình, là những lần cùng cha lặt lá mai trước hiên nhà. "Nếu không may hoa vẫn chưa trổ kịp trước khuya 30 tết thì thân phụ nấu nồi nước ấm tưới xung quanh cây, đến sáng mùng 1 tết, mai sẽ nở rộ cả sân nhà, chỉ vậy thôi cũng đủ báo hiệu ngày tết đã về", bà kể.
Đến khi ra Hà Nội sinh sống, Phi Điểu mới có dịp hòa mình vào cái không khí náo nhiệt của chợ hoa gần Đồng Xuân, nghe tiếng kẻ mua người bán, đâu đâu cũng là hoa với đủ các loại hương sắc tạo thành bức tranh lung linh, sống động khó mà quên được.
"Mà thời đó lương rất thấp làm sao có đủ tiền mua. Vậy là tôi phải đợi đến chiều 30 tết lúc mấy xe hoa bán không hết, đổ cả đống ở chợ thì ra nhặt những cành còn tươi mang về nhà cắm cho đỡ tốn kém. Lúc đó, cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng bù lại đời sống đơn giản và thoải mái lắm chứ không như bây giờ", NSƯT Phi Điểu chia sẻ.
Dùng tiền cát sê để làm từ thiện
NSƯT Phi Điểu cho biết cuộc sống bây giờ bộn bề với nhiều lo toan khiến cái tết không còn như xưa nữa, không còn tiếng pháo, không còn những lần quây quần gói bánh tét... Tuy nhiên, bà vẫn yêu tết như ngày nào bởi tết như thế nào là nằm ở cách ta cảm nhận.
"Nhiều người lớn tết đến là bao lo toan nên thấy chán tết. Một số người khác thì tết đến là dịp gói lại những cái đã qua để hướng tới tương lai với mong muốn tốt đẹp hơn. Vui nhất là trẻ em, vì tết thường kéo theo nhiều niềm vui. Riêng tôi, chỉ có tết đến mới có một dịp nghỉ dài để được cùng gia đình sum họp nên tôi vẫn yêu quý tết như ngày nào", bà chia sẻ.
Giờ đây, gia đình NSƯT Phi Điểu đón tết khá đơn giản. Cứ đến ngày 23 tháng Chạp hàng năm, bà làm một mâm cỗ tiễn ông Táo về trời, đến ngày 30 tết thì nấu nồi thịt kho, canh khổ qua và đặt từng khoanh bénh tét vào dĩa rước ông bà về ăn tết.
Phi Điểu tâm sự bà thích sự đơn giản nên không chú trọng hình thức. Nếu con cháu tặng quà thì bà mừng, còn không có cũng chẳng sao. Vui nhất là mỗi khi cháu nội về thăm, hỏi han sức khoẻ, ngồi bóp tay bóp chân cho bà.
"Với tôi, tấm lòng con cháu dành cho mình trong cả năm mới quan trọng chứ không nhất thiết chỉ có những ngày tết mới như vậy", Phi Điểu chia sẻ.
Căn nhà khang trang của NSƯT Phi Điểu - Ảnh Linh Huỳnh
Hiện nay, dù đã 84 tuổi nhưng tần suất làm việc của NSƯT Phi Điểu không hề suy giảm, từ việc làm diễn viên, minh họa cho MV ca sĩ, cho đến đóng quảng cáo. Khi được hỏi lý do gì khiến bà tiếp tục làm việc, nữ nghệ sĩ cho biết bà vui nhất khi được cống hiến và kiếm thêm ít tiền đi làm từ thiện.
Hơn 20 năm qua, mỗi dịp tết đến bà lấy tiền cát sê để trao học bổng 10 - 20 triệu đồng cho học sinh nghèo và trao quà Tết cho các cựu chiến binh với quan niệm: "Để tết thêm phần ý nghĩa thì mỗi người sống phải có nghĩa có tình biết quan tâm nhau".
Bà bảo: "Tại sao cuộc sống bây giờ khá hơn mà phải nhắc đến nghĩa tình, vì đó là chỗ khiếm khuyết. Người ta nhìn nhận cái vật chất quá lớn hơn cả tình nghĩa, nhiều người đi đường thấy chuyện bất bình nhưng không dám lên tiếng vì sợ bị trả thù, vậy nên cần phải dần thay trước hết phải có những tấm gương tiêu biểu để mọi người làm theo".
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.