NSƯT Thành Lộc kể chuyện 'không thể giải thích nổi' trong gia đình

01/03/2016 11:02 GMT+7

(iHay) NSƯT Thành Lộc kể anh trai mình là nghệ sĩ Bạch Long phải gọi bố mẹ bằng "anh chị". Rồi đến khi ba mất, hai anh em không sống trong nhà do kỵ tuổi.

(iHay) NSƯT Thành Lộc khẳng định anh từng muốn bỏ nghề vì cảm thấy hy sinh cho cái không đáng, nhưng chính niềm đam mê nghệ thuật đã giúp anh quên hết những phiền muộn để phấn đấu trở thành nghệ sĩ hàng đầu như hiện nay.

>> NSƯT Thành Lộc ‘nhí nhảnh’ mừng sinh nhật đàn em Don Nguyễn 

NSƯT Thành Lộc thổ lộ anh từng muốn bỏ nghề vì cảm thấy hy sinh cho cái không đáng - Ảnh Linh Huỳnh
Hẹn gặp NSƯT Thành Lộc không phải chuyện đơn giản bởi lịch làm việc của anh tại sân khấu kịch Idecaf luôn dày đặc. Phần nữa là vì trước giờ anh rất ít xuất hiện trên truyền thông để dành thời gian cống hiến hết mình cho nghệ thuật với những tác phẩm tạo được sức hút đặc biệt như Hợp đồng mãnh thú, Tấm cám, Phép lạ…Dù vậy, Thành Lộc vẫn đồng ý nhận lời phỏng vấn và đã có những chia sẻ chân tình về cuộc sống lẫn sự nghiệp.
Càng lớn tuổi, Thành Lộc càng phong độ, trẻ trung và năng động vượt qua sức tưởng tượng của nhiều người. Tuy bề ngoài là vậy, nhưng khi trả lời anh rất chân thành, thẳng thắn và sâu sắc. Đó là những lần anh bị “đì” nên muốn bỏ nghề, là những góc khuất trong tâm hồn, là những ý kiến trái chiều về gameshow thực tế, hay cả “nghi án” không giúp đỡ người anh trai nghèo khổ… Với Thành Lộc, được làm một người tài đã là một diễm phúc, nhưng cái tài này chỉ để dành phục vụ khán giả, nó giống như một nghĩa vụ, một sứ mệnh cao cả.
Thành Lộc cho biết nhiều người hiểu sai góc khuất của anh là người đàn ông thích làm phụ nữ - Ảnh NVCC
Thành Lộc từng làm giám khảo Vietnam’s Got Talent cùng với Hoài Linh - Ảnh NVCC
Từng muốn bỏ nghề vì bị “đì”
* Thành Lộc sinh ra và lớn lên trong một gia đình hoạt động nghệ thuật lâu đời. Anh có nghĩ đó vừa là một thuận lợi vừa là một bất lợi?
Trước hết, theo tôi đó là một thuận lợi vì tôi được thừa hưởng gen nghệ thuật từ gia đình, đó là điều không thể phủ nhận. May mắn lớn hơn nữa không chỉ có gia đình, mà cả dòng họ nội ngoại đều là những người có truyền thống hoạt động nghệ thuật. Nhờ vậy mà tôi được di truyền cho cái năng khiếu, đến tận bây giờ tôi vẫn có thể vừa hát bội vừa hát cải lương.
Còn bất lợi chính là áp lực về mặt tên tuổi, tôi còn nhớ lúc còn bé, khi đi ra đường ai cũng nói em Bạch Lê, từ đó nó trở thành một áp lực rất lớn. Đến khi tôi có tên tuổi trên làn sóng truyền hình với nghệ danh là bé Thành Tâm nhưng người ta vẫn gọi là "em Bạch Lê" dù có hát hay, diễn giỏi cỡ nào đi chăng nữa.
Dù xuất hiện trên sân khấu hay tham dự sự kiện, NSƯT Thành Lộc thường lựa chọn trang phục áo dài cách tân - Ảnh NVCC
* Mỗi người nghệ sĩ đều có những người thầy riêng và chịu ảnh hưởng ít nhiều từ họ. Vậy còn Thành Lộc thì sao?
Bản thân tôi không sùng bái hay mê tín bất cứ một người nào trong nghệ thuật. Dĩ nhiên, người thầy đầu tiên chính là ba tôi, ông dạy tôi múa võ và những thứ gì thuộc về sân khấu. Người thầy thứ hai là chị Bạch Lê, người được mệnh danh là Hồ quảng chi bảo. Người thứ ba là mẹ tôi, bà hát rất giỏi nhưng không bao giờ muốn nổi tiếng.
Người ảnh hưởng trực tiếp đến tôi là cố nghệ sĩ Đào Mộng Long, vì ông có chiều cao thấp hơn cả tôi, nhưng khi bước ra sân khấu thì tất cả những nghệ sĩ khác có thể bị “tắt hết” do khán giả chỉ nhìn ông diễn. Nhờ ông mà tôi không còn mặc cảm với ngoại hình mình nữa, tôi biết nếu mình diễn hay thì không cần lo nhược điểm về mặt hình thể. Không chỉ có những bậc tiền bối, tôi cũng học được rất nhiều từ các đồng nghiệp trẻ.
* Mỗi lần hóa thân vào nhiều dạng nhân vật khác nhau từ già tới trẻ, từ đàn ông đến đàn bà, anh đều thể hiện nội tâm phong phú. Nhiều người nói rằng nhờ Thành Lộc đưa một góc khuất nào đó trong tâm hồn nên hoá thân vào nhân vật rất thành công như vậy?
Ý kiến này vừa đúng vừa sai. Đúng là góc khuất của người nghệ sĩ nằm ở quan điểm sống bởi xét cho cùng họ vẫn là công dân. Nếu người nghệ sĩ thể hiện một nhân vật nào đó với tư cách công dân trước một câu chuyện chuyển tải vấn đề đương đại thì điều đó quyết định sự thành công của vai diễn, vì nó bộc lộ thái độ sống của họ.
Chẳng hạn như cô gái điếm trong vở Hợp đồng mãnh thú mà tôi rất yêu thích. Đôi khi người ta lại hiểu sai góc khuất của tôi là người đàn ông thích làm phụ nữ, tôi nghĩ rằng đó là cách nhìn bên ngoài, thiếu sâu sắc. Góc khuất của tôi trong vấn đề đó là tất cả mọi chuyện người ta giải quyết ở “cái giường” chứ không phải “cái bàn”. Trong câu chuyện đó, nhân cách của cô gái điếm và người đàn ông giả gái đôi khi ở một góc độ nào đó lại cao hơn rất nhiều so với những người bình thường, có vị trí trong xã hội.
Càng lớn tuổi, Thành Lộc càng phong độ, trẻ trung và năng động vượt qua sức tưởng tượng của nhiều người - Ảnh NVCC
* Ngoài việc bị chấn thương gãy 3 đốt xương sống khiến anh phải tạm dừng sự nghiệp, được biết từng có thời điểm Thành Lộc muốn bỏ nghề?
Đúng vậy, từng có thời điểm tôi rất muốn bỏ nghề vì bị “đì” không được ưu ái như các đồng nghiệp, điều đó khiến tôi xuống tinh thần và mất lòng tin…Tôi còn nhớ trước đó mình còn rất quyết tâm thi vào trường sân khấu với lý tưởng cống hiến sức trẻ, vậy mà mọi thứ diễn ra không giống như mình nghĩ. Lúc đó tôi cảm thấy mình đã hy sinh cho cái không đáng nên dự định bỏ nghề.
Nhưng rất may vào thời điểm đó, ông Lê Duy Hạnh (Chủ tịch Hội sân khấu TP.HCM) đã thành lập sân khấu khởi nghiệp triệu tập những nghệ sĩ trẻ cùng hoạt động để giữ cho nghề đừng mai một. Lúc đó, tôi có xin phép diễn chung với nghệ sĩ Việt ở câu lạc bộ để không bị lục nghề thì anh đồng ý ngay. Đó cũng chính là nơi đã giúp tôi bộc lộ hết khả năng, càng ngày ngọn lửa nghề càng bùng cháy dữ dội nhờ vậy mà tôi quên hết những phiền muộn để gắn bó với nghề đến nay.
* Trải qua những khó khăn như vậy, điều gì khiến Thành Lộc tự hào nhất?
Đến bây giờ tôi rất hãnh diện về chính bản thân dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng chưa bao giờ tôi đi bằng “đầu gối”. Chính thực lực đã giúp tôi đạt được điều mình muốn vì lúc đó người ta cần mình hơn. Đến tận bây giờ, tôi vẫn say mê nghệ thuật và nỗ lực không biết mệt mỏi nên Tổ nghề vẫn còn thương cho nổi tiếng.
Anh em không có nghĩa phải giúp nhau
* Nếu như trên sân khấu người nghệ sĩ luôn thăng hoa nhờ sự ủng hộ của khán giả, nhưng khi thoát khỏi vai diễn họ thường rất tâm trạng và cô đơn...
Đúng vậy, vai diễn ông Tư trong Dạ cổ hoài lang khiến tôi ám ảnh không dứt bởi tuổi nghề gắn bó với vở diễn này nhiều nhất. Hơn 10 năm gắn bó với vai diễn này khiến mắt tôi bị giảm thị lực do khóc quá nhiều. Nỗi ám ảnh bắt đầu từ chính câu chuyện gia đình tôi phải ly tán, lúc đó ba là người chịu tác động nhiều nhất nên sức khỏe xuống rất nhanh, ông gần như bị trầm cảm. Cho nên những hình ảnh của nhân vật mang dáng dấp của ba tôi rất nhiều.
Mỗi lần diễn xong, tôi thường tìm một góc nhỏ ngồi uống ly rượu vang để xả vai diễn ra khỏi tâm trí, bởi đôi khi nhân vật mà tôi thể hiện rất trầm cảm làm mình buồn hoài nên tôi cũng rất sợ mang cảm giác đó về nhà. Mà tôi nghĩ đối với những người nghệ sĩ việc giữ được cảm xúc khi diễn trên sân khấu rất quan trọng quyết định sự thành bại của vở diễn.
* Theo Thành Lộc, truyền hình thực tế ảnh hưởng như thế nào đến người nghệ sĩ?
Ngay cả những nghệ sĩ ở sân khấu Idecaf cũng xin nghỉ rất nhiều vì trùng lịch tham gia các chương trình thực tế khiến chúng tôi phải huỷ bỏ các vở diễn nên ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh. Bởi vì khi gameshow thực tế, hình ảnh và tên tuổi của nghệ sĩ được cả triệu người biết đến, mức cát sê cũng cao hơn. Ngược lại, mỗi đêm diễn ở sân khấu chỉ có vài trăm khán giả nên cát sê thấp hơn. Trước đó khi chưa có tên tuổi họ còn có những lời hứa hẹn rằng tụi em sẽ dành ưu tiên cho sân khấu.
Dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng chưa bao giờ tôi đi bằng “đầu gối”. Chính thực lực đã giúp tôi đạt được điều mình muốn vì lúc đó người ta cần mình hơn. Đến tận bây giờ, tôi vẫn say mê nghệ thuật và nỗ lực không biết mệt mỏi nên Tổ nghề vẫn còn thương cho nổi tiếng
Tôi biết mình trả lương thấp hơn người ta nên hoàn toàn bị yếm thế mặc dù sân khấu là nơi tạo nên tên tuổi nghệ sĩ. Thật lòng tôi không muốn trách ai cả, nhưng rõ ràng truyền hình thực tế dẫn đến quá nhiều hệ luỵ xấu. Vậy nên tôi quyết định bỏ qua những lời mời hấp dẫn để quay về giữ gìn những giá trị của ngành sân khấu.
* Trước những trường hợp đặc biệt như vậy anh giải quyết thế nào?
Bây giờ chúng tôi luôn ở trạng thái, nếu như có một ngôi sao nào đó xin nghỉ việc thì vẫn nhẹ nhàng chấp nhận. Ngay từ đầu, xuất phát điểm của sân khấu Idecaf chỉ có 6 diễn viên, mà chúng tôi vẫn làm ra biết bao nhiêu vở kịch tạo nên thương hiệu cho đến bây giờ. Nó cũng giống như một đường parapol, chúng tôi sẵn sàng quay về điểm xuất phát đầu tiên, không có gì khó cả. Đối với những ai còn yêu sân khấu, tự khắc họ sẽ quay trở lại đồng cam cộng khổ với mình.
Thời gian gần đây, tôi cũng nghe nhiều người nói sân khấu đang xuống dốc vì mất khách, chuyện này cũng hết sức bình thường giống như nước lên thì thuyền lên, nước xuống thuyền cũng xuống. Mà thật ra khi sân khấu phát triển hoành tráng quá mình mới đi tìm việc cho tất cả mọi thành viên, còn bây giờ họ tìm được công việc tốt thì bỏ đi. Vì vậy, chúng tôi quay trở lại điểm xuất phát từ đầu, không có gì quá áp lực cả.
* Nghe nói anh trai Thành Lộc là Bạch Long từ lúc lọt lòng đã được gửi cho người khác nuôi, phải gọi cha mẹ bằng anh chị. Anh có thể giải thích rõ hơn về điều này?
Khi tôi kể ra những điều này chắc nhiều người sẽ rất khó tin và không thể giải thích nổi, đó là tất cả anh em trai trong nhà tôi đều không hợp tuổi với ba. Khi anh trai cả vừa chào đời được vài ngày đã mất, đến lúc anh Long ra đời cũng bệnh tật triền miên. Thật ra, nhà tôi toàn chị gái nên ba mẹ rất muốn có con trai nhưng vẫn không dám để ở nhà do anh Long là người kỵ tuổi với ba nặng nhất. Thấy vậy, mẹ tôi mới nhờ người cô nuôi dùm mới hy vọng sống được, bởi anh đã từng chết đi sống lại. Anh Long phải gọi bố mẹ bằng anh chị, đến khi ba mất, hai anh em phải đi sống chỗ khác do kỵ tuổi. Tôi biết anh Long vất vả lắm nhưng được cái anh nổi tiếng rất sớm và sống tự do không bị ràng buộc.
NSƯT Thành Lộc (giữa) cùng cha mẹ (NSND Thành Tôn và NS Huỳnh Mai) và anh trai Bạch Long - Ảnh NVCC
* Nghệ sĩ Bạch Long tâm sự đời anh trải qua nhiều biến cố tưởng chừng như không thể vượt qua. Lúc đó, Thành Lộc ở đâu và làm gì để giúp anh trai?
Những biến cố mà anh đã trải qua trong cuộc sống tôi đều biết rất rõ nhưng chỉ âm thầm dõi theo bởi khi trưởng thành mỗi người phải tự lo cho đời sống cá nhân mình. Mà lạ lắm! Nhiều người cứ thắc mắc tại sao anh em mà không giúp đỡ lẫn nhau, tôi nghĩ rằng đó là chuyện riêng của mỗi gia đình, chúng tôi đã ngoài 50 tuổi bắt buộc phải có kế sinh nhai cũng như có cách sống riêng của mình chứ. Bản thân mỗi người nếu cần sự giúp đỡ từ người thân cũng phải lên tiếng chứ còn không nói gì hết thì biết làm sao?. Lúc mới nổi tiếng tôi kiếm được rất nhiều tiền và đã mua chiếc xe cúp trị giá hàng chục cây vàng tặng anh Long. Kệ đi miễn sao tôi cảm thấy không hổ thẹn vì đã hết lòng giúp đỡ anh.
* Lúc đó, Thành Lộc có khuyên anh trai về sống chung với gia đình không?
Anh Bạch Long sống chung với mẹ nuôi được một thời gian thì quyết định về nhà với gia đình nhưng chỉ sau 10 năm đoàn tụ khi ba mất anh lại quyết định dọn ra ngoài mướn nhà trọ ở riêng do đã quen sống độc lập từ nhỏ và cảm thấy khó thích nghi với cuộc sống gia đinh. Bản thân tôi cũng muốn sống riêng một mình chứ đừng nói chi anh, tôi nghĩ rằng đó là bản chất tự lập của những người đàn ông trưởng thành không muốn dựa dẫm vào gia đình.
* Xin cảm anh đã chia sẻ!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.