Nữ danh xứ Nam kỳ - Kỳ 2: Nữ bác sĩ đầu tiên của Sài Gòn

06/03/2015 04:59 GMT+7

Năm 2004, từ Pháp, anh Nguyễn Ngọc Châu gọi điện báo tin bà Henriette Bùi sẽ về VN và rất mong tôi có được cuộc gặp gỡ với bà. Năm ấy, bà đã 99 tuổi mà vẫn trang điểm kỹ, ăn mặc lịch sự, đĩnh đạc trong phòng khách.

Năm 2004, từ Pháp, anh Nguyễn Ngọc Châu gọi điện báo tin bà Henriette Bùi sẽ về VN và rất mong tôi có được cuộc gặp gỡ với bà. Năm ấy, bà đã 99 tuổi mà vẫn trang điểm kỹ, ăn mặc lịch sự, đĩnh đạc trong phòng khách.

 
Bà Henriette Bùi (1906 - 2012) - nữ bác sĩ y khoa đầu tiên của Sài Gòn
Bà Henriette Bùi (1906 - 2012) - nữ bác sĩ y khoa đầu tiên của Sài Gòn
Anh Châu - tổng giám đốc một chi nhánh ngân hàng đầu tư vào các dự án lớn ở khu vực châu Á, định cư tại Pháp hơn 25 năm tỏ ra rất vui khi gặp tôi ở TP.HCM: “Rất cám ơn cô, tác giả của Đêm trắng của Đức Giáo tông. Nhờ quyển sách mà tôi biết về gia tộc của mình nhiều hơn. Cũng thật đáng tiếc vì cô không gặp được má Năm Henriette Bùi và bà đốc phủ Vàng - những nhân chứng năm xưa. Là những người trong cuộc, tôi đoán chắc, cả hai bà má của tôi còn biết rất nhiều điều mà cô không thể biết”.
Đó là vào tháng 9.2002.
Anh nói: “Tôi là kết quả mối tình ngang trái. Năm 1943, Nhật đảo chính Pháp. Papa tôi lúc bấy giờ là kỹ sư Nguyễn Ngọc Bích, đang phụ trách xây dựng một công trình thủy lợi ở Sóc Trăng. Đối diện với công trình là trường dạy nữ công gia chánh. Khi Nhật bỏ bom, ông báo động cho trường nữ công xuống hầm tránh bom. Sợ các cô bị dơ chân khi phải vượt qua chặng đường do công trình thi công còn ướt bùn sình, ông lấy chiếu lót đường cho các nữ sinh xuống hầm trú ẩn. Cảm động vì sự “ga lăng” ấy mà bà Bạch Mai - hiệu trưởng sai cô học trò yêu của mình là Phan Ngọc Huế làm ổ bánh thật đẹp, thật khéo mang sang cám ơn ông. Vẻ đẹp của cô đã làm ông sững sờ... Mối tình ngang trái bắt đầu từ đó. Rồi tôi ra đời. Nhưng papa tôi vốn có tình cảm sâu đậm với má Năm Henriette Bùi, từ những ngày du học bên Pháp nên không thể chung sống với mẹ tôi. Không thể kéo dài được tình cảnh nhùng nhằng, mẹ tôi vì danh dự gia đình ấy phải đi lấy chồng. Papa đành gửi tôi cho bà bạn thân là bà đốc phủ Vàng nuôi giùm. Tự dưng còn độc thân lại nhận một đứa bé làm con nuôi, má đốc phủ Vàng không khỏi hứng chịu những lời xì xào phía sau lưng. Tôi lớn lên, luôn tự hào nói nó có ba người mẹ. Đó là người mẹ đã sinh ra tôi, rồi má Năm Henriette Bùi, má Năm đốc phủ Vàng”.
Kiên quyết mặc áo dài
Phong thái ung dung, tinh thần minh mẫn, bà Henriette Bùi ôn lại những thước phim cuộc đời mình. Năm 14 tuổi bà được cha gửi sang Pháp du học, đậu ĐH Y khoa năm 1926. Sau hai năm thực tập, bà là người phụ nữ VN lấy bằng bác sĩ y khoa đầu tiên ở Pháp. Bà trầm ngâm nói: “Hồi đó, ngay cả ở Pháp, phụ nữ học ngành y cũng rất ít. Ra trường, không ít người bỏ nghề vì phải lấy chồng, sinh con, tôi cũng vậy”. Với bà, đó là mối hôn nhân không hạnh phúc, cho dù gia đình hai bên rất môn đăng hộ đối. Chồng bà là luật sư Dương Văn Nhường, xuất thân trong một gia đình trí thức, giàu có, cháu ruột thái hậu Từ Dũ. Ông chỉ muốn bà ở nhà, lo chuyện nội trợ. Ông tuyên bố: “Tôi là trạng sư, lương đủ cho bà ở nhà, đi chơi”. Bà nói: “Tôi thích làm, không thích chơi”. Bất chấp sự phản đối của ông, bà vẫn đến nhà bảo sanh Từ Dũ hành nghề bác sĩ, chuyên khoa sản và nhi. Ở đây, bà chứng kiến quá nhiều sự bất công. Cùng là bác sĩ, nhưng vì là người Việt dù mang quốc tịch Pháp, bà chỉ được trả lương 100 đồng mỗi tháng, trong khi bác sĩ Pháp được trả 1.000 đồng. Ban giám đốc bệnh viện bắt bà mặc áo đầm đi làm. Bà từ chối, kiên quyết mặc áo dài để khẳng định mình là người VN.
Có ai biết lúc trở về VN, bà đã bỏ lại Pháp mối tình sâu đậm với Ngọc Bích - một trong ba người con trai của Đức Giáo tông Nguyễn Ngọc Tương đã từng cùng bà du học. Vì mối tình dành cho Ngọc Bích mà bà rất đau lòng vâng lời cha lấy người không hề yêu thương làm chồng. Nhưng vốn là người phụ nữ có cá tính, mạnh mẽ, bà luôn gây ra nỗi kinh ngạc cho những người cùng thời. Bà đã dũng cảm làm đơn ly dị chồng. Trước tòa, bà thẳng thắn nói rõ nguyên nhân vì sao bà không thể tiếp tục mối hôn nhân. Bà cũng là người phụ nữ đầu tiên mua và lái xe hơi trên đường phố Sài Gòn trước bao ánh mắt kinh ngạc và ngưỡng mộ. Bà còn là người phụ nữ Sài Gòn đầu tiên lập nên bảo sanh viện tại đường Richeaud (nay là đường Nguyễn Đình Chiểu)...
Năm 1936, khi ông Ngọc Bích tốt nghiệp ngành giao thông công chánh về nước, gặp lại Henriette Bùi ở Sài Gòn, mối tình xưa bùng cháy. Họ quyết định chung sống với nhau, dù gia đình hai bên vì những điều khó xử riêng, không thể làm lễ cưới cho họ. Bà dành cho Ngọc Bích tình yêu sâu thẳm, bao dung. Vì yêu chồng mà bà tôn trọng sự chọn lựa của ông. Dù rất đau khổ khi biết chồng mình có một đứa con trai với người phụ nữ khác nhưng bà vẫn điềm tĩnh, tìm cách giải quyết tốt nhất cho ông. Khi giặc Pháp quay trở lại, ông Bích tham gia Việt Minh, phá cầu ngăn đường tiến quân của Pháp xuống các tỉnh miền Tây Nam bộ, rồi bị bắt trục xuất khỏi VN. Bà lại lặng lẽ gom góp tư trang, đưa chồng về Pháp. Bà mở nhà sách Minh Tâm, động viên chồng tiếp tục học y khoa. Với bản tính thông minh, cần cù, đầy nhiệt huyết với nghề, ông Bích sau này trở thành chuyên gia nghiên cứu bệnh ung thư ở Pháp. Khi biết Ngọc Châu, con trai duy nhất của ông Bích đang ở VN đã bước vào tuổi thanh niên, bà động viên chồng làm thủ tục bảo lãnh qua Pháp, để anh tiếp tục học lên cao và thành đạt. “Người ta yêu nhau không phải vì cái gì cả, chỉ biết là chúng tôi đã yêu thương nhau, cùng nương tựa nhau đi qua những thăng trầm của lịch sử, đời người. Mỗi lần gặp Châu, tôi rất vui, vì đó là phiên bản của chồng tôi. May mà còn có Châu, cuộc sống vẫn kỳ diệu hơn điều người ta nghĩ”.
Sau này, người nữ bác sĩ đầu tiên của Sài Gòn sống trong một nhà dưỡng lão cao cấp ở Pháp. Bà có ý nguyện sẽ dành tặng toàn bộ tiền tiết kiệm cho một tổ chức thiện nguyện. Bà Henriette Bùi qua đời ngày 27.4.2012, hưởng thọ 107 tuổi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.