Ở phố, trong vòng tay Tết quê

31/01/2014 09:05 GMT+7

(TNO) Giấc mơ sum họp họ hàng, giấc mơ làng mạc quê hương như gửi vào cuộc vui cuối năm ở phố.

>> Ngày tết quê em
>> Tết quê vợ
>> Du học sinh Việt Nam làm clip chúc tết quê hương
>> Giới trẻ "sốt" clip hài “Ngày tết quê em”
>> Ăn Tết quê chồng hay quê vợ?

Ông bác tên là Lương Phúc Vinh người Phú Xuyên, vào làm kinh tế mới ở trong tận Lâm Đồng, gần chục năm nay đều đều giáp Tết lại có mặt ở Hà Nội. Ở với các em các cháu vài hôm, đón trước không khí xuân gia đình, ông vào viết sớ dịch vụ trong chùa Hương. Cứ ngồi thế, cặm cụi tháng ròng giữa huyên náo, tấp nập, năm thì gần mép nước, chỗ người ta hay rời thuyền lên lễ đền Trình, năm thì lên gần trên sân đền, lúc nào cũng đông khách viết. Hết hội, ông bác mới bắt xe khách đường dài trở về.

 Tết quê tết phố
Các liền anh hát quan họ tại hội Lim, Bắc Ninh - Ảnh: Quang Hưng

Mưu sinh là một chuyện! Viết sớ cho thiên hạ gửi gắm ước nguyện no đủ để thêm đồng ra đồng vào. Nhưng hình như ông còn quyến luyến cái không khí Tết nhất, hội hè ở chốn linh địa trên đường vào Hương Sơn. Ở đó, bao quanh, nối tiếp, chia ra đôi bên dòng sông, vẫn là những làng mạc. Làng ấy, có phố hóa, có tấp nập nhiều mới mẻ, nhưng vẫn còn lưu giữ bao nhiêu lề thói cũ.

Tết quê, trong nhịp đổi thay của đời sống, tập quán, quan niệm, và trong sự khác đi của chính nó, vẫn cuốn hút bao nhiêu người. Họ về với cộng đồng họ mạc, về với một phần gốc gác trong mình. Phần gốc ấy đời sống thường nhật có nhiều khi khỏa lấp.

Đó là những người khách đến quê bạn, những con cái lâu lâu mới có dịp về cái làng mà năm nào đó, bố hay mẹ mình đã ra đời.

Họ trở lại, cũng giống như gặp lại một phần của chính mình đã tạm biệt mình đi vắng từ lâu.

Làng quan họ Lim dịp này, có người lại mở quyển sổ cũ hay tra danh sách trong máy để gọi điện cho người thân, bạn bè, hẹn sẽ đón về chơi xuân trong mấy ngày hội tới. Hội Lim sát rằm tháng Giêng, người làng ăn Tết lại. Lại gói bánh, cắm đào, mua hoa, sửa soạn lễ vật trên ban thờ, pha sẵn trà nước đợi bạn phương xa về chơi. Rồi cùng ra đường làng lắng nghe câu hát từ thuyền quan họ dưới hồ bay lên. Cũng có người rung đùi ngồi luôn ở trong nhà mà đưa đẩy những câu dài, câu ngắn.

 Tết quê tết phố
Têm trầu ở Hội Lim - nơi vẫn còn giữ Tết quê cho người ở phố về cảm nhận - Ảnh: Quang Hưng

Cảm hứng cộng đồng khi ấy được san sẻ, cộng hưởng. Quê nhà như một chốn bao dung, sẵn sàng đón đợi, sẵn sàng lắng nghe, cho mọi người được thỏa niềm mong mỏi ấy. Cho nên Tết quê là nối thành chuỗi những tràng cười rộ lên từ ngõ trên xuống xóm dưới. Cũng là chuỗi thăm hỏi khuyên nhủ ân cần từ mâm cỗ bên nhà ông anh con ông bác cho đến bàn nước đằng nhà cậu em con bà cô.

Tết về quê lung linh, từ thời khắc thấm thía dưới cành đào ban thờ nhà tổ cho đến niềm thành kính dâng lên trước Phật điện ngôi chùa làng, trước ngai thờ thành hoàng trong đình làng nghi ngút.

Ngõ xóm. Cổng làng. Mái đền. Ngôi miếu. Bãi tha ma đã lên màu áo xanh. Vàng hương bóng bẩy cùng tiếng rì rầm khấn khứa đang bay lên theo khói. Lẫn trong những vật chất ấy là sự giằng níu của phong tục tập quán, của sự gắn kết con người trong tình nghĩa họ hàng, tình làng nghĩa xóm.

Chả thế mà ở phố mới Kinh Bắc, thành phố Bắc Ninh, nhà thơ trẻ Nguyễn Minh Cường - cán bộ Trường Sĩ quan Chính trị Bắc Ninh kể, từ dăm năm nay, các nhà ở dọc một con phố đã có cái lệ tổ chức tất niên. Trước thềm xuân, tất thảy phụ huynh, con trẻ các nhà có hẳn một buổi sửa soạn cỗ tập thể sôi nổi, tưng bừng với rạp dựng trên hè, bàn ghế kê ngay ngắn. Phần đông là cán bộ, công chức. Nhiều người mới đến. Nhiều người không ở gần quê. Giấc mơ sum họp họ hàng, giấc mơ làng mạc như gửi vào cuộc vui cuối năm ấy.

Cố nhiên là những ngày tiếp đó, nhà nào nhà nấy lại theo đúng lộ trình đã vạch. Lại quà bánh. Lại tay xách nách mang về quê gần quê xa để chia mình ra và thấy mình hơn trong những ngày Tết nguồn cội. Làm sao bỏ được cái nếp hồi hương thân thiết ấy! Nhưng tình xóm giềng trong đô thị mới vẫn được “hiện thực hóa” bằng một cái nếp sinh hoạt hình sâu thẳm từ làng quê lên. Nếp mới mà vẫn mang xu hướng cố kết cộng đồng từ truyền thống xa xưa, khiến tâm lý mỗi người thêm vững vàng.

Và cả năm, người ta ăn nói, cư xử với nhau nơi phố phường cũng thêm phần thoải mái và chân thật.

Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.