Ông Tây mê nhà văn Sơn Nam

30/01/2015 06:49 GMT+7

Chiều 29.1, hội thảo Sơn Nam hay tính đối ngẫu của một tác phẩm, do Trung tâm văn hóa và hợp tác Pháp tại TP.HCM tổ chức đã diễn ra tại Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM.

Chiều 29.1, hội thảo Sơn Nam hay tính đối ngẫu của một tác phẩm, do Trung tâm văn hóa và hợp tác Pháp tại TP.HCM tổ chức đã diễn ra tại Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM.

Nhà văn Sơn Nam - Ảnh: D.Đ.Minh
Nhà văn Sơn Nam - Ảnh: D.Đ.Minh
Diễn giả là một ông Tây đã dành hơn 10 năm nghiên cứu Sơn Nam và mong muốn được đem tác phẩm của Sơn Nam đến với nhiều nước trên thế giới.
Bị “ông già Nam bộ” quyến rũ
Diễn giả - nhà nghiên cứu Pascal Bourdeaux, đại diện Viện Viễn Đông bác cổ tại TP.HCM - đã chia sẻ với Thanh Niên rằng điều quyến rũ ông ở lại sống và làm việc tại VN suốt gần 10 năm qua chính là “ông già Nam bộ” Sơn Nam. Lĩnh vực ông nghiên cứu là văn hóa Đông Dương, trong đó có văn hóa Nam bộ, văn hóa ĐBSCL, thế nên từ khi còn ở Pháp ông đã chú ý đến nhà văn Sơn Nam và từng có bài viết về nhà văn đăng trên báo ở Pháp. Khi sang VN để tìm hiểu về văn hóa miền Tây Nam bộ, cuốn sách mà Pascal “buộc phải đọc” vì quá nổi tiếng chính là Hương rừng Cà Mau. Đọc nhiều tác phẩm Sơn Nam, Pascal ngưỡng mộ nhà văn ở lối hành văn giản dị và tư duy, kiến thức sâu rộng thể hiện trong các tác phẩm. Năm 2004, tình cờ gặp nhà văn Sơn Nam ở thư viện Gò Vấp, TP.HCM, Pascal tiếp tục bị chinh phục sau vài câu trò chuyện cùng ông già rặt Nam bộ, rất hóm hỉnh và chân tình. Rất may cả hai cùng nói được tiếng Pháp và tiếng Việt vì Pascal đã học tiếng Việt trước khi đến VN. Chính cuộc gặp gỡ, nói đủ thứ chuyện từ sách vở đến con người, văn hóa Nam bộ… với Sơn Nam mà Pascal đâm “nghiện” Sơn Nam và ôm mộng nghiên cứu, phát triển các tác phẩm của ông với mong muốn cái tên Sơn Nam sẽ vang xa hơn nữa, đến được với nhiều nước trên thế giới hơn.
Pascal phát biểu về Sơn Nam: “Hơn nửa thế kỷ gắn bó với nghiệp sáng tác, những trang viết của ông không đơn thuần là sự giải trí cho độc giả mà còn là những khảo cứu, khám phá về mảnh đất phương nam. Là người Nam bộ chính gốc nên nhà văn Sơn Nam rất am hiểu quá trình hình thành dải đất này. Những sáng tác của ông mang hơi thở của thiên nhiên, của văn hóa và con người Nam bộ được thể hiện qua giọng văn mộc mạc..., chính vì thế không chỉ có người VN yêu thích văn phong của ông mà người nước ngoài như chúng tôi cũng cảm thấy đó như là một mảnh đất còn nhiều điều kỳ diệu không thể khám phá hết!”.
Sẽ dịch Sơn Nam sang nhiều thứ tiếng
Nhà văn Sơn Nam lúc sinh thời từng nói: "Đến với văn chương để mong nổi danh thì đừng có hòng. Nền văn học của ta hơn nửa thế kỷ qua, nhìn lại ở một góc độ nào đó, coi như lấy rổ múc nước". Thế nhưng, giá trị của các sáng tác và khảo cứu, sưu tập về văn hóa Nam bộ của Sơn Nam vẫn được giới nghiên cứu trong nước và quốc tế đánh giá cao.
Một trong những giá trị của văn chương Sơn Nam đã được chọn để bàn luận trong hội thảo chiều 29.1 là “tính đối ngẫu của một tác phẩm”. Có thể thấy tính chất sáng tác/nghiên cứu - văn phong bác học/bình dân - tính thực tế/hư cấu luôn song hành trong các tác phẩm của Sơn Nam, tưởng tương phản nhưng lại bổ sung cho nhau. Diễn giả Pascal Bourdeaux cho rằng: “Nhà văn Sơn Nam để lại cho chúng ta các tác phẩm đối ngẫu và thường là sự kết hợp giữa tuyển tập các thông tin và biên khảo. Dù là ở thể loại hay hình thức nào thì tất cả các tác phẩm của ông đều xoay quanh một mục đích chính, đó là hướng độc giả về với quê hương của ông dựa trên những quan sát thực địa và những công trình nghiên cứu do chính ông biên soạn. Sử dụng phương ngữ cùng cách viết giản dị, các tiểu thuyết cũng như nghiên cứu của ông đều mang màu sắc riêng biệt thể hiện một nền văn minh mà ông gọi là văn minh sông nước. Văn học và biên khảo của ông đều mang giá trị thi ca và dân tộc học”.
Pascal cho biết: “Tiếc là các tác phẩm của Sơn Nam hiện giờ chưa được dịch sang tiếng Pháp, Anh và nhiều thứ tiếng khác. Trước mắt tôi sẽ xúc tiến dịch tiếp những tác phẩm tiêu biểu của ông sang tiếng Pháp. Chúng tôi đã từng dịch một số truyện ngắn trong Hương rừng Cà Mau sang tiếng Pháp và hiện các tác phẩm này đang được giảng dạy và nghiên cứu tại Đại học Paris 7 (Université Paris Diderot) ở quận 13 của Paris, Pháp”.
Pascal Bourdeaux sinh năm 1972, là cử nhân về ngôn ngữ và văn minh VN và có bằng tiến sĩ về lịch sử.
Pascal Bourdeaux
Diễn giả người Pháp Pascal Bourdeaux - Ảnh: P.C.T
Ông đang đảm nhận công việc nghiên cứu, đại diện của Viện Viễn Đông bác cổ của Pháp tại TP.HCM. Hiện ông tiếp tục thực hiện những chuyến nghiên cứu thực địa tại Kiên Giang nhằm hiểu sâu thêm tín ngưỡng và văn hóa dân gian, sự hình thành làng, sự mở rộng mạng lưới thủy văn của “nền văn minh sông nước” (thuật ngữ của nhà văn Sơn Nam). Ông đã từng xuất bản nhiều cuốn sách nghiên cứu về văn hóa Đông Dương và là diễn giả ở nhiều cuộc hội thảo ở Đông Nam Á.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.