Phan Huỳnh Điểu - con chim vàng của tân nhạc - Kỳ 3: Tay súng tay đàn

Từ những ngày đầu tiên của Cách mạng Tháng Tám (1945), Phan Huỳnh Điểu đã sáng tác Đoàn Vệ quốc quân . Từ đó, trải dài theo 2 cuộc kháng chiến, có một nhạc sĩ - chiến sĩ Phan Huỳnh Điểu “tay súng, tay đàn”.

Từ những ngày đầu tiên của Cách mạng Tháng Tám (1945), Phan Huỳnh Điểu đã sáng tác Đoàn Vệ quốc quân. Từ đó, trải dài theo 2 cuộc kháng chiến, có một nhạc sĩ - chiến sĩ Phan Huỳnh Điểu “tay súng, tay đàn”.

Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu (bìa phải ) giao lưu với khán giả trong một chương trình ca nhạc - Ảnh: Độc Lập
Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu (bìa phải) giao lưu với khán giả trong một chương trình ca nhạc
 - Ảnh: Độc Lập
Nhạc sĩ trên chiến trường
Cách mạng Tháng Tám nổ ra, Phan Huỳnh Điểu với cây đàn mandolin (từng dùng để viết ca khúc đầu tay Trầu cau) đã sáng tác ca khúc Đoàn Vệ quốc quân, bài hát bất hủ đưa tên tuổi ông nổi tiếng khắp nước.
Sinh thời, nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã nhận xét về ca khúc này bằng một giọng rặt Nam bộ: “Tôi biết ông Phan Huỳnh Điểu từ lúc còn nhỏ, là biết bài hát thôi chứ mình chưa có dịp gặp ổng. Nhưng bài hát đó cho tới giờ còn rung động. Tôi cứ suy nghĩ mãi câu hát đi mà hổng có về (Đoàn Vệ quốc quân một lần ra đi. Là có sá chi đâu ngày trở về...), hổng về là chết, còn gì nữa. Nhưng mà người ta không sợ chết, hay ở cái chỗ là người không sợ chết, mà anh Phan Huỳnh Điểu nói đúng tâm trạng lúc bấy giờ, cái thời trai trẻ bắt đầu kháng chiến, là tất cả thanh niên đều muốn hy sinh cho Tổ quốc. Phan Huỳnh Điểu đã làm đúng điều đó”.
Khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Phan Huỳnh Điểu đưa gia đình vào vùng tự do Quảng Ngãi. Ông dạy nhạc ở Trường trung học kháng chiến Lê Khiết. Năm 1948, trường bị Pháp dội bom, học sinh chết 19 người. Phan Huỳnh Điểu xung phong đi bộ đội. Vào những năm 1950, 1951 ông lại trở về công tác ở Chi hội Văn nghệ Khu 5. Một chùm ca khúc mới lần lượt ra đời: Có một đàn chim, Xuân chiến công, Em chỉ thương anh...
Ngày 16.5.2015, gặp nhạc sĩ tại nhà riêng của ông trong cư xá Bắc Hải (Q.10, TP.HCM), khi nghe người viết nhắc lại ca khúc Có một đàn chim, nhạc sĩ rất cảm động, ông nói: “Bài này rất hay mà bây giờ chẳng thấy ai hát!”. Trước năm 1975, ở miền Nam, bài Có một đàn chim vẫn được lưu hành qua đôi song ca Ngọc Cẩm - Nguyễn Hữu Thiết (song thân của ca sĩ Hồng Hạnh) hoặc các ca sĩ Phương Dung, Hoàng Oanh.
Năm 1954, các vị trong Ban Chấp hành Chi hội Văn nghệ Liên khu 5 như Phan Thao, Nguyễn Văn Bổng, Tế Hanh, Khương Hữu Dụng, Nguyễn Thành Long, Phan Huỳnh Điểu... đều dần dần tập kết ra Hà Nội. Tuy lúc đó, ở miền Bắc, Phan Huỳnh Điểu đã là một người có “danh phận”, nhưng trong tâm khảm ông luôn ý thức mình là một người con của Liên khu 5, của miền Nam yêu dấu, nên ông tự nguyện từ bỏ những chức vụ mà mình đã có, để trở về quê hương chiến đấu (vào năm 1964).
Bộ phận văn nghệ của Ban Tuyên huấn Khu ủy 5 do Phan Huỳnh Điểu phụ trách lúc đó chỉ có: nhà văn Phan Tứ, Chu Cẩm Phong, đạo diễn Hải Liên, Quế Hải, Đoàn Tiên Phong, họa sĩ Châu Hoàn, anh Tám, anh Vân, cô Chi phục vụ... Ở chiến trường, sống được cũng là một cuộc chiến đấu. Bom đạn, sốt rét, ăn uống kham khổ là kẻ thù luôn luôn rình rập quật ngã từng người. Sắn là lương thực chính, thức ăn thường rau tàu bay, bắp chuối rừng. Nhưng Phan Huỳnh Điểu vẫn đi thực tế và sáng tác, nhiều khi gặp cơ hội, ông cũng muốn tìm cái ăn để “cải thiện”.
Hãy đọc một đoạn hồi ký của ông, chúng ta sẽ thấy được cái “tâm” thật trong sáng, hiền lành của ông: “Khi nhà văn Phan Tứ ra bắc chữa bệnh có cho tôi khẩu K54. Nó nằng nặng khó chịu nhưng nhắc tôi có người bạn thân bên mình. Một hôm, đi công tác, nghỉ ở giữa rừng, bất chợt thấy một con chim két bay đến đậu trên cành cây không cao lắm, tôi rút súng ra bắn. Không hiểu sao lần ấy tôi lấy súng ngắn ra bắn chim. Từ trên cây mấy chiếc lông két lượn lờ rơi. Hú vía, thế là con két không chết. Tôi chờ mấy sợi lông rơi xuống, nhặt ép vào nhật ký như giữ lại một nỗi ân hận suốt đời”.
Bị kiểm điểm vì bài Đoàn Vệ quốc quân
Năm 2002, trong chương trình ca nhạc Hát về mẹ được tổ chức trang trọng tại Nhà hát Bến Thành, TP.HCM, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu kể: “Năm 1945, tôi sáng tác bài Đoàn Vệ quốc quân. Tôi viết “Đoàn vệ quốc quân một lần ra đi. Là có sá chi đâu ngày trở về…”. Sau 1954, trong đợt chỉnh huấn, tôi bị kiểm điểm vì tội “Là có sá chi đâu ngày trở về”. Chưa đi mà đã không về thì ai dám đi. Viết như vậy là sai quan điểm. Tôi thấy cũng có lý nên thành tâm nhận lỗi. Chuẩn bị cho chiến dịch Mậu Thân 1968, tôi đổi tên bài hát thành Đoàn Giải phóng quân và sửa lại lời là “Toàn thắng vinh quang ghi ngày trở về”. Sau chiến dịch, tôi bị kiểm điểm tiếp vì tội: “Chưa đi đã nghĩ tới ngày về sao dám chiến đấu, hy sinh?”. Quái, hồi xưa viết đi không về bị kiểm điểm. Giờ, viết đi rồi về cũng bị kiểm điểm là sao? Nghĩ vậy chứ đâu dám nói ra. Tốt nhất là cứ nhận lỗi cho xong nhưng mà ấm ức”.
Giọng ông trở nên dí dỏm hơn:“Lúc đó, tôi nghĩ trong đầu. Nếu mai này có cuộc chiến tranh xâm lược khác, tôi đã có cách viết để không ai phê bình được”. “Anh viết sao?”, MC hỏi. “Dễ lắm. Tôi sẽ viết: “Đoàn Giải phóng quân một lần ra đi. Ra đi ra đi rồi ta lại về. Về xong rồi ta lại đi. Đi xong rồi ta lại về”. Cứ thế, đố ai kiểm điểm được”. Cả hội trường vỡ òa tiếng cười và vỗ tay vì chuyện tiếu lâm có thật của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.