Phát hiện công trình nghi mộ cổ từ thế kỷ thứ 3 ở Ninh Bình

26/06/2020 07:00 GMT+7

Ngày 25.6, thông tin từ Sở VH-TT Ninh Bình cho biết đơn vị này đang triển khai các bước để tổ chức di chuyển các di vật phát hiện tại công trình nghi là mộ cổ từ thế kỷ thứ 3 về Bảo tàng tỉnh Ninh Bình để bảo quản, nghiên cứu.

Trước đó, năm 2019, trong quá trình đào móng để xây thêm phòng học tại khuôn viên của Trường tiểu học Gia Thủy (xã Gia Thủy, H.Gia Viễn, Ninh Bình), nhà trường và chính quyền địa phương phát hiện một công trình được xây dựng bằng gạch, hình ngôi mộ. Sở VH-TT sau đó đã giao cho bảo tàng tỉnh tổ chức khai quật khảo cổ.
Kết quả sơ bộ ban đầu xác định, mộ được xây dựng theo dạng hình chữ nhật, mái cuốn vòm, hướng bắc - nam (cửa mộ hướng bắc); lòng mộ chia thành gian tiền thất và hậu thất. Vật liệu xây dựng mộ là bằng gạch bìa hình chữ nhật và gạch múi bưởi. Trên các viên gạch đều có trang trí hoa, gạch màu đỏ sẫm loang vân vàng nhạt. Cuốn vòm ở phần cửa mộ kết cấu bởi 3 lượt cuốn vòm chồng trực tiếp lên nhau; phần cửa hậu thất gồm 2 lớp cuốn vòm; phần thân mộ 1 lớp cuốn vòm.
Ngoài ra, trong quá trình khai quật còn phát hiện nhiều đồ tùy táng, như: chậu đồng, đĩa đất nung, vò gốm men xương, gương đồng, nhiều chuỗi hạt bằng vàng và đá ngọc màu xanh. Đáng chú ý, chiếc gương đồng ở mặt sau có trang trí 3 con thú mang truyền thống nền văn hóa Trung Hoa, nhưng lại xen lẫn một con vật giống chim hạc trên trống đồng của người Lạc Việt...
Từ kết quả sơ bộ ban đầu, các nhà khảo cổ học nhận định đây là ngôi mộ được xây dựng từ khoảng thế kỷ thứ 3 và có giá trị đặc biệt quan trọng cho quá trình nghiên cứu các giá trị lịch sử.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.