Phi Nhung bật khóc khi kể về 'Điều ước thứ 7'

04/05/2018 08:48 GMT+7

Giọng ca hải ngoại không nén được xúc động khi nói về câu chuyện gia đình tại buổi gặp gỡ các nhân vật trong chương trình Điều ước thứ 7 hôm 3.5.

Điều ước thứ 7 khi phát sóng năm 2014 đã trở nên thân thuộc với đông đảo khán giả trong và ngoài nước với những câu chuyện đậm chất nhân văn, khơi dậy lòng trắc ẩn và hướng con người tới những suy nghĩ tốt đẹp, những hành động tử tế.
Từ ngày 5.5, chương trình có sự xuất hiện của ca sĩ Mỹ Tâm, Đàm Vĩnh Hưng, Trung Quân Idol, Uyên Linh, Phi Nhung, Sĩ Luân, Hoài Lâm, Bùi Anh Tuấn, nhóm Oplus... song hành với câu chuyện xúc động của nhân vật.
Tại buổi gặp gỡ truyền thông, ca sĩ Phi Nhung chia sẻ rất xúc động khi xem các chương trình Điều ước thứ 7 của những năm qua và rất may mắn khi trở thành người đồng hành thực hiện điều ước cho một cô bé có hoàn cảnh đặc biệt ở Đầm Dơi, Cà Mau. Trò chuyện cùng đạo diễn Diệp Chi, Phi Nhung tiết lộ khi Ban tổ chức Điều ước thứ 7 liên hệ, chị không cần suy nghĩ mà nhận lời tham gia ngay. "Nhung hãnh diện khi góp mặt vào chương trình có ích như vậy. Chương trình nào có thể từ chối nhưng cái này phải có mặt để cổ vũ cho những mảnh đời bất hạnh có động lực vươn lên", nữ ca sĩ chia sẻ.
Ca sĩ Phi Nhung cho biết thêm chương trình đã trở nên rất thân thuộc với không chỉ khán giả trong nước mà đã khiến nhiều người Việt ở nước ngoài khi gặp Phi Nhung đều nhắc đến chương trình với những lời ngợi khen về tính nhân văn, hành động tử tế và muốn đóng góp cho các nhân vật kém may mắn.
Phi Nhung chia sẻ cô từng mong ước được sống bên cha mẹ khi còn nhỏ
Khi tham gia chương trình, chứng kiến hoàn cảnh của bé gái bố bỏ đi khi mẹ bị tâm thần, Phi Nhung xúc động chia sẻ cùng khán giả: "Lúc Phi Nhung còn nhỏ, mới sinh ra không ở được với má mà ở với ngoại. Nhung đi học nghe các bạn gọi má gọi ba, mình chỉ đứng nép một góc khóc. Nhung bị ăn hiếp cũng không dám kể với ai. Mình không có ba má, bà ngoại thì già quá. Lúc đó Nhung chỉ ước mình có một gia đình bình thường thôi", cô tâm sự. Từ câu chuyện của mình, Phi Nhung động viên cô bé ở Cà Mau: "Lúc nó cô cứng rắn lắm mới có được ngày hôm nay. Cô Nhung sẽ xây nhà cho con tươm tất trong khả năng của cô Nhung, cùng với ban tổ chức phụ lo cho con đi học tới nơi tới chốn".
Điều ước thứ bảy năm nay, khán giả sẽ nghe ước mơ của một tù nhân lĩnh án chung thân vì mắc trọng tội, một cô giáo bị nhiễm HIV, chàng trai sinh ra trong hình hài của một cô gái, một ông bố bán kem dạo để nuôi các con vào đại học, một người mẹ ung thư thà chết chứ không chịu bỏ rơi con mình…
Hai nhân vật truyền cảm hứng của chương trình
"Chúng tôi không chọn nhân vật mà chọn ước mơ của nhân vật để làm tiêu chí xây dựng chương trình. Một người từng lầm lỗi trong quá khứ nhưng có khát vọng hoàn lương mạnh mẽ, nuôi dưỡng trong mình hạt mầm tử tế hoàn toàn xứng đáng để trở thành nhân vật của Điều ước thứ 7. Họ phải là những người có khả năng truyền cảm hứng, hướng người xem tới những suy nghĩ tích cực, lạc quan. Dù chương trình có thể khiến khán giả rơi nước mắt nhưng sự ủ dột, bi lụy chưa bao giờ là điều mà nhóm sản xuất hướng tới. Đằng sau nước mắt phải là nụ cười, đằng sau bao vất vả, cực nhọc là ý chí vươn tới tương lai tốt đẹp", đại diện ban tổ chức cho biết.
Để tránh những câu chuyện thiếu thực tế, ban tổ chức cho biết quy trình xác minh đề tài trước tối thiểu là một tháng. "Trung bình một nhóm sản xuất có 15 thành viên bao gồm đạo diễn nội dung, đạo diễn hình ảnh, tổ chức sản xuất, các biên tập, quay phim, trợ lý ghi hình, kỹ thuật viên, lái xe… Chúng tôi đã cùng nhau vượt rừng, lên non, đi về rất nhiều vùng đất xa xôi, cách trở của cả ba miền Bắc, Trung, Nam để biến những ước mơ của nhiều người trở thành hiện thực", đại diện chương trình nói thêm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.