Phim kỳ ảo, giả tưởng Việt vẫn loay hoay tìm đường

Phan Cao Tùng
Phan Cao Tùng
21/10/2019 05:31 GMT+7

Điện ảnh Việt đã có nhiều phim theo đuổi những câu chuyện mang màu sắc kỳ ảo, thế nhưng dòng phim này vẫn chưa tạo được dấu ấn với khán giả.

Nỗ lực tạo sự mới mẻ

Hiện đang chiếu tại các rạp VN (từ 4.10), phim Nhân duyên: Người yêu tiền kiếp (đạo diễn Luk Vân, với sự tham gia diễn xuất của Midu, Trịnh Thăng Bình, Lâm Vỹ Dạ, Puka...) mang màu sắc giả tưởng xuyên không, kể về mối tình ngàn kiếp giữa Mai, một cô gái thời hiện đại, và Nhật, một chàng trai sống vào thời nhà Trần. Sau gần nửa tháng chiếu rạp, phim đạt doanh thu thấp, chưa tới 4 tỉ đồng. Phim xây dựng song song cả hai bối cảnh quá khứ và hiện tại, cùng các mối quan hệ đan xen giữa nhóm nhân vật. Tuy nhiên, lối chuyển và cắt cảnh non tay khiến mạch phim bị vụng. Dù ghi nhận phim dùng yếu tố siêu thực như một cách làm mới mô típ tình yêu quen thuộc, nhưng khán giả nhận xét kịch bản phim rời rạc, cách thể hiện hời hợt khi các nhân vật cứ thích gì thì làm đó, dẫn đến nhiều tình tiết gượng gạo, nặng tính sắp đặt, thiếu thuyết phục.
Trước đó, hai bộ phim giả tưởng Người lạ ơi (do Trương Chí Bình đạo diễn, ra rạp vào giữa tháng 9), Cậu chủ ma cà rồng (đạo diễn Trần Nhân Kiên, ra rạp cuối tháng 8) đều bị đánh giá có chất lượng dưới trung bình ở các khâu kịch bản, cách kể chuyện, diễn xuất, kỹ xảo... Trong khi Người lạ ơi là “nồi lẩu thập cẩm” pha trộn nhiều thể loại từ tình cảm - hài, giả tưởng, cổ trang đầy ngẫu hứng và chất kỳ ảo lộ kỹ xảo sơ sài, thì Cậu chủ ma cà rồng có kịch bản lỏng lẻo, nhiều chỗ khó hiểu vì diễn biến tâm lý, hành động nhân vật quá ngô nghê...
Trở về đầu năm 2019 thì có Táo quậy, 3D Cung tâm kế - 2 bộ phim giả tưởng khiến khán giả phải lắc đầu ngán ngẩm về chất lượng. Chưa kể trước đó có nhiều phim kỳ ảo mà khán giả cho là không đáng để đến rạp xem như Yêu nữ siêu quậy (đạo diễn Ngọc Hùng), Tây du ký hậu truyện (đạo diễn Nhất Trung), Hoán đổi (đạo diễn Võ Thanh Hòa)...
Trình độ thưởng thức của khán giả ngày càng cao nên điện ảnh luôn cần những thể loại, đề tài mới mẻ, và dòng phim kỳ ảo, giả tưởng được kỳ vọng là món ăn mới hấp dẫn. Thế nhưng, mới lại đi kèm tay nghề non nớt của đạo diễn, cách làm cẩu thả, thì chỉ khiến phim trở thành thảm họa màn ảnh.
Sắp tới, khán giả đang kỳ vọng vào bộ phim giả tưởng mang màu sắc tâm linh, huyền ảo là Pháp sư mù: Ai chết giơ tay của đạo diễn Huỳnh Lập, Lý Minh Thắng, sẽ ra rạp từ 8.11. Phim có kinh phí hơn 20 tỉ đồng, quy tụ các diễn viên Đại Nghĩa, Việt Hương, Lê Giang, ca sĩ Phương Thanh, Quang Trung, Hạnh Thảo, Khả Như... Đạo diễn Huỳnh Lập chia sẻ: “Tôi đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu và tìm hiểu về thế giới tâm linh, những khái niệm, hiện tượng bí ẩn từ ngạ quỷ, những thuật bắt ma cho đến những câu chuyện dân gian về hồn ma vất vưởng không siêu thoát... Càng tìm hiểu tôi càng hứng thú và quyết định đưa sự diệu kỳ này lên màn ảnh rộng để thể hiện được hết thế giới kỳ dị mà tôi đã tưởng tượng viết ra”.
Phim kỳ ảo, giả tưởng Việt vẫn loay hoay tìm đường1

Phim Pháp sư mù: Ai chết giơ tay

ẢNH: ĐPCC

Chờ đợi thêm sự “mạo hiểm có nghề”

Công chúng và giới chuyên môn ghi nhận những mới mẻ của thể loại phim giả tưởng, kỳ ảo Việt ở chỗ nó làm phong phú thêm màu sắc cho thị trường phim VN vốn còn non trẻ. Một vài phim giả tưởng đã để lại ấn tượng như Hồn Trương Ba da hàng thịt, Nụ hôn thần chết, Giải cứu thần chết, Siêu nhân X (4 phim của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng), Lửa Phật, Bao giờ có yêu nhau (đạo diễn Dustin Nguyễn), Ngày nảy ngày nay (đạo diễn Cường Ngô), Người bất tử (đạo diễn Victor Vũ), Hồn papa da con gái (Charlie Nguyễn sản xuất)... Bộ phim Tấm Cám: Chuyện chưa kể ra rạp năm 2016 do Ngô Thanh Vân sản xuất và đạo diễn cũng làm theo thể loại giả tưởng thần thoại - cổ tích, đã có nhiều nỗ lực trong đầu tư kỹ xảo để tạo nên một ấn tượng cho điện ảnh Việt với doanh thu 70 tỉ đồng.
Nhiều nhà sản xuất chia sẻ về khó khăn khi thực hiện thể loại phim này. “Dòng phim này không chỉ tốn tiền mà còn tốn thời gian, vì xử lý các cảnh kỹ xảo rất lâu, như tôi phải tốn kinh phí gấp đôi cho phim Nhân duyên: Người yêu tiền kiếp”, nhà sản xuất Quỳnh Chi cho biết. Nhà sản xuất Hồng Tú của Pháp sư mù: Ai chết giơ tay cũng bật mí: “Nếu kinh phí 8 tập web drama Ai chết giơ tay chỉ là 3,6 tỉ đồng, thì phiên bản điện ảnh đã ngốn của chúng tôi đến 18 - 20 tỉ đồng mà vẫn chưa xong khâu hậu kỳ”.
Tuy vậy, thị trường phim Việt vẫn kỳ vọng và theo đuổi dòng phim này. Nhà sản xuất Nguyễn Cao Tùng (Hãng phim Yeah1CMG) nhận định: “Thể loại phim kỳ ảo theo tôi rất hấp dẫn khán giả Việt. Thử thách lớn nhất của dòng phim fantasy kỳ ảo luôn là vấn đề kinh phí sản xuất sao cho xứng tầm, cùng kỹ xảo, phục trang... Nếu phim gắn vào văn hóa Việt thì câu chuyện sẽ rất có sức sống, nhưng phải làm cho tới”. Anh cho biết hiện cũng đang tìm kịch bản ưng ý để sản xuất một bộ phim về thể loại này.
“Phim Việt ra rạp chỉ toàn phim hài - tình cảm khiến khán giả “bội thực”, việc đầu tư thêm ở dòng phim kỳ ảo là hướng đi tiềm năng”, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng nhìn nhận. “Để thể loại phim này thành công, tôi nghĩ cần tài năng, tâm lý thoải mái của đạo diễn và nhà biên kịch; đặc biệt rất cần sự phóng khoáng của các nhà quản lý, hội đồng kiểm duyệt, để hiểu được đặc trưng của thể loại này mà cho phép các nhà làm phim được thỏa sức tưởng tượng”, anh chia sẻ thêm.
Phim kỳ ảo (tiếng Anh: fantasy films) là các phim có chủ đề tưởng tượng, nói về thế giới không có thực, các sự việc hiện tượng siêu nhiên, giả tưởng, kỳ ảo. Thể loại phim này khác với phim khoa học viễn tưởng và phim kinh dị, mặc dù chúng có những điểm trùng lặp. Phim tưởng tượng thường có các yếu tố phép thuật, thần thoại, những điều kỳ diệu và những thứ phi thường. (Theo từ điển Wikipedia)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.