Phim Việt trên đất Mỹ

10/08/2007 21:23 GMT+7

L.T.S: Năm nay, đoàn làm phim của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên mang bộ phim Sống trong sợ hãi tham gia chương trình chiếu phim đến một số trường đại học tại Mỹ, trong đó có vài trường rất có tên tuổi như Harvard, Connell, Yale, Columbia, UC Berkeley... theo lời mời của hội IVCE - một tổ chức phi chính phủ vì sự phát triển văn hóa và giáo dục VN ở Mỹ. Thanh Niên xin giới thiệu những ghi nhận của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên trong chuyến đi này.

IVCE là tên viết tắt của Hội Văn hóa và Giáo dục VN (Institute for Vietnamese Culture and Education) - là một tổ chức phi lợi nhuận (Non - Proifit). IVCE trước đây đã tổ chức cho vài phim VN đến chiếu tại các trường đại học ở Mỹ. Người ra đón chúng tôi tại sân bay là Trần Thắng - chủ tịch của IVCE. Trần Thắng vốn là kỹ sư, đang làm việc cho một công ty động cơ máy bay danh tiếng, lương cao, bỗng nghỉ ngang, lao vào các hoạt động phát triển văn hóa xã hội phi lợi nhuận. Với cương vị Chủ tịch IVCE, Trần Thắng là người ký giấy tờ mời chúng tôi sang Mỹ, cũng tự lái xe chở chúng tôi đi khắp miền đông bắc nước Mỹ, hết trường đại học này đến trường đại học khác, trong vòng 15 ngày đi tổng cộng gần 5.000 km.

Một tay Trần Thắng tổ chức từ địa điểm chiếu phim cũng như các hoạt động quảng bá cho đợt chiếu phim. Buổi chiếu đầu tiên tại trường Harvard, Boston. Cùng thời gian, tại đây diễn ra hội thảo quốc tế về châu Á, quy tụ hơn 2.000 nhà khoa học trên thế giới. Trần Thắng cũng "xông" đến hội thảo đó, tự tay phát tờ quảng cáo buổi chiếu phim của chúng tôi tới từng người. Thắng cũng lo cả chỗ ăn ở cho chúng tôi. 

Sau những buổi chiếu phim, chúng tôi gặp gỡ khán giả, trò chuyện về bộ phim. Khán giả thường bày tỏ cảm xúc hay quan điểm của mình, đồng cảm hay không đồng cảm với tác giả. Hoặc có ai muốn tìm hiểu điều gì đó về bộ phim thì đưa ra câu hỏi và chúng tôi trả lời. Những buổi như thế người ta gọi là Q&A (Question and Answer - Hỏi và trả lời). Những buổi Q&A có nhiều ý kiến và câu hỏi từ khán giả có nghĩa là bộ phim thành công, khán giả có quan tâm đến bộ phim. Chỉ sợ nhất là họ không nói gì mà lẳng lặng ra về.


Nồng ấm tình đồng hương  - Ảnh: C.T.V

Trước khi sang Mỹ, tôi đã nghe nói đến hội chứng "chưa ra khỏi tâm lý cuộc chiến 30 năm về trước" (GS Ngô Thanh Nhàn - Đại học New York) của một số người trong cộng đồng VN ở Mỹ. Ngay trong buổi chiếu phim đầu tiên tại Đại học Harvard, tôi đã gặp những người như thế. Một người đàn ông đã đứng lên đầu tiên trong buổi Q&A, xông lên diễn đàn, tuyên bố là phim của tôi láo toét, là giả dối, là không thể chấp nhận được... tóm lại ông ta dùng tất cả những từ ngữ nặng nề nhất. Tôi hiểu rằng ông ấy đã không xem phim, hoặc ông ấy xem bằng lòng thù hận. Ông ta phủ nhận phim của tôi chỉ đơn giản vì tôi là đạo diễn đến từ VN, tôi là người hoàn toàn thuộc về đất nước VN. Trong 8 buổi chiếu ở Mỹ, có hai buổi tôi gặp những khán giả như người đàn ông ấy. Nhưng tôi thật mừng vì có những khán giả khác thực sự đến với bộ phim của tôi bằng trái tim. Họ đồng cảm với tình yêu của chúng tôi thể hiện trong phim, đồng cảm với tình yêu dành cho đất nước và con người VN. Không chỉ là những khán giả có dòng máu VN trong huyết quản mà cả những người nước ngoài. Rất nhiều người đã đứng lên bênh vực bộ phim của tôi, đáp lại những lý lẽ thù hận kia.   

Tôi rất nhớ đến phát biểu của một cô gái người Hàn Quốc tại trường Đại học Yale. Cô nói: "Tôi là người đến từ Triều Tiên - một đất nước vẫn đang bị chia cắt - nên tôi hiểu sự quý giá của hòa bình và thống nhất mà VN đã có. Tôi mong muốn không phải nhìn thấy người VN tiếp tục mâu thuẫn với nhau ở bất cứ đâu trên thế giới". Tôi muốn trả lời cô rằng tôi tin chắc sự mâu thuẫn kia sẽ chấm dứt. Trước đây vài năm, tôi biết rằng mức độ "đón tiếp" của cộng đồng người Việt hải ngoại với những bộ phim như của tôi không nhẹ nhàng như bây giờ. Chuyến đi này chỉ có 2 trong 8 buổi chiếu tôi phải Q&A với những "khán giả đặc biệt" như tôi đã kể. Còn 6 buổi chiếu tôi nhận được đầy ắp sự đồng cảm, chia sẻ của những khán giả thực thụ, những người gốc VN thân yêu của tôi. Có buổi chiếu khán giả đã đứng lại 2 tiếng đồng hồ sau Q&A để nói chuyện với nhau về VN. Có những khán giả đã mời bằng được chúng tôi về nhà họ sau buổi chiếu để thết đãi, và tôi đã có những khoảnh khắc thật ấm áp tình cảm đồng bào, những cuộc trò chuyện đầy ắp tiếng VN trên đất Mỹ...

Bùi Thạc Chuyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.