Phụ nữ Việt qua vở múa của biên đạo Hàn Quốc

Nguyên Vân
Nguyên Vân
08/03/2018 07:12 GMT+7

Hơn 10 năm sống tại TP.HCM, biên đạo người Hàn Quốc Chun Yoo-oh đã dành nhiều thời gian tìm hiểu lịch sử, văn hóa VN để tái hiện thân phận người phụ nữ Việt qua các vở múa của mình.

Biên đạo Chun Yoo-oh từng nghiên cứu bậc tiến sĩ chuyên ngành nghệ thuật Labanotation (phân tích chuyển động cơ thể diễn viên trong nghệ thuật múa) tại Hàn, hoàn thành đề tài nghiên cứu thuộc chuyên ngành này tại Đại học Surrey tại Anh. Song vị nữ giáo sư Khoa Múa - Đại học Seowon Hàn Quốc không ngờ, chuyến công tác của chồng đến TP.HCM năm 2003 là cơ duyên đưa bà đến VN và trở thành cư dân nơi đây từ năm 2004, để rồi xem VN như quê hương thứ hai của mình.
Sau 10 năm âm thầm tập luyện múa, cùng nhiều buổi gặp gỡ nghệ sĩ VN, tìm hiểu về các tác phẩm văn học, lịch sử và nhất là những câu chuyện về thân phận người phụ nữ VN qua các thời kỳ, Chun Yoo-oh đã biên đạo một loạt vở múa mà trong đó luôn có hình ảnh người phụ nữ VN. Arirang Sài Gòn (2014) thể hiện niềm yêu thương dành cho những người phụ nữ hy sinh vì chồng con; Cây nỏ thần (2015) xoáy vào cuộc mưu sinh nhọc nhằn, tinh thần chịu thương chịu khó của người phụ nữ; Huyền thoại nữ nhân (2016) thể hiện lòng cảm mến, ngưỡng mộ đối với thiên tính nữ. Sắp tới, Múa Kiều sẽ như tiếng chuông chạm đến và khơi dậy những vẻ đẹp cùng khát khao hạnh phúc trong tâm hồn của người phụ nữ.
“Không chỉ vì những tương đồng văn hóa giữa VN - Hàn Quốc, mà hơn hết, tôi cũng là phụ nữ, nên khi nhìn vào đôi mắt của những người phụ nữ Việt, tôi cảm nhận được sự đồng điệu trong tâm hồn với họ. Không chỉ chia sẻ buồn vui với công việc ngoài xã hội, họ còn dành năng lượng để chăm lo cho mái ấm gia đình. Bởi vậy, người phụ nữ dù ở VN hay Hàn Quốc và bất cứ nơi đâu cũng luôn và cần được yêu thương, nâng niu và tôn trọng”, bà Chun nói.
“Làm việc cùng biên đạo Chun Yoo-oh, tôi có cảm giác tâm hồn cô ấy rất VN. Không chỉ am hiểu văn hóa, con người VN, sự chuyên nghiệp trong lao động nghệ thuật của cô ấy làm cho chúng tôi xúc động và ngưỡng mộ”, biên đạo Nguyễn Phúc Hùng (Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM) cho biết. Anh nói thêm, “Khi dựng vở Múa Kiều, cô cho diễn viên đọc Kiều - tự cảm nhận, để cơ thể diễn viên thoát ra từ ý tưởng mà cô gợi mở, chứ không áp đặt. Đó là cách rất hay và mới trong dàn dựng”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.