Quan điểm mới về nơi hình thành chữ Quốc ngữ

13/01/2016 15:18 GMT+7

Ngày 13.1, tại TP.Quy Nhơn, UBND tỉnh Bình Định phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử VN tổ chức Hội thảo khoa học Bình Định với chữ Quốc ngữ .

Ngày 13.1, tại TP.Quy Nhơn, UBND tỉnh Bình Định phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử VN tổ chức Hội thảo khoa học Bình Định với chữ Quốc ngữ.

Các nhà nghiên cứu tham quan vị trí đặt cư sở truyền giáo Nước MặnCác nhà nghiên cứu tham quan vị trí đặt cư sở truyền giáo Nước Mặn
Tham dự hội thảo có gần 200 đại biểu là các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, nhà báo... trong cả nước.
Đồng chủ trì hội thảo có: GS-TS Đặng Vũ Minh (Liên hiệp các hội KH-KT VN), GS Phan Huy Lê (Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử VN), Nhà sử học Dương Trung Quốc (Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử VN), Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh, PGS-TS Nguyễn Công Đức (Phó chủ tịch Hội Ngôn ngữ học TP.HCM), GS Hoàng Chương (Tổng giám đốc Trung tâm nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa dân tộc VN).
Quan điểm mới về nơi hình thành chữ Quốc ngữ 2Cư sở truyền giáo Nước Mặn (được thành lập tháng 7.1618) ở thôn An Hòa ngày nay
Trình bày mở đầu tại hội thảo, thạc sĩ Đặng Thị Phượng (Viện Từ điển học và Bách khoa thư) cho rằng chữ Quốc ngữ xuất hiện từ đầu thế kỷ 17 gắn với lịch sử truyền giáo của các tu sĩ Dòng Tên. Công trình đầu tiên là Bản dịch văn bản kitô giáo ra tiếng Việt (năm 1618) của Francisco de Pina (linh mục Dòng Tên sinh ở Bồ Đào Nha), được sự trợ giúp rất nhiều của một văn nhân VN có tên rửa tội là Phê rô.
Cư sở truyền giáo Pulo Cambo (thuộc tỉnh Bình Định ngày nay) là nơi ba linh mục Francesco Buzomi (Ý), Francisco de Pina, Cristoforo Borri (Ý) và tu huynh António Dias (Bồ Đào Nha) đã thực hiện các công trình và hoàn thành việc xây dựng một hệ thống chuyển mẫu tự La tinh cho phù hợp với tiếng VN.
Quan điểm mới về nơi hình thành chữ Quốc ngữ 3Linh mục Goan Võ Đình Đệ trình bày tại hội thảo
Linh mục Alexandre de Rhodes không phải là người đầu tiên học tiếng Việt, Francisco de Pina đã dạy ông tiếng Việt. Hai người Việt đầu tiên có những bản viết tay bằng chữ Quốc ngữ là Igiesico Văn Tín và Bento Thiện.
Còn ông Nguyễn Thanh Quang (Công tác tại Sở VH-TT-DL Bình Định) cho rằng việc sáng tạo ra chữ Quốc ngữ trong giai đoạn đầu (1618-1622) phải kể đến sự đóng góp thuộc về các tên tuổi như Pina, Borri, Buzomi. Công lao của các giáo sĩ khác như: Gaspar do Amaral, Antonio Barbosa và nhất là Alexandre de Rhodes là ở các giai đoạn sau, những giai đoạn hình thành và phát triển chữ Quốc ngữ, thường được kể từ sau năm 1626.
Francisco de Pina sang VN năm 1617 gặp lúc các thừa sai bị chúa Nguyễn lệnh trục xuất và được các giáo dân Nhật ở Hội An (Quảng Nam) bí mật nuôi giấu, bảo vệ. Do vậy, trong thời gian này Pina khó có điều kiện tiếp xúc với người Việt và học tiếng Việt.
Quan điểm mới về nơi hình thành chữ Quốc ngữ 4Toàn cảnh Hội thảo khoa học Bình Định với chữ Quốc ngữ
Đến năm 1618, khi quan trấn phủ Quy Nhơn (nay là Bình Định) là Trần Đức Hòa cùng Linh mục Buzomi ra Hội An đón Pina, Borri và hai thầy Diaz, Augustino về ở tại Nước Mặn (nay thuộc thôn An Hòa, xã Phước Quang, H.Tuy Phước, Bình Định) thì Pina mới có điều kiện tự do học tiếng Việt. Pina ở Nước Mặn hai năm (1618 đến 1620) đã nói được tiếng Việt và giảng đạo không cần phiên dịch trước khi về thành lập cư sở Thành Chiêm (1923).
Riêng Christophoro Borri cập bến Cửa Hàn năm 1618, ông trú trong khu thương nhân Bồ Đào Nha tại Đà Nẵng một thời gian ngắn, rồi vào Nước Mặn ngay sau đó. Ông ở Nước Mặn từ năm 1618 đến năm 1622 trở về lại Ma Cao.
Linh mục Francisco de Pina có 2 “học trò” học tiếng Việt là Gaspar d’Amaral và Antonio Barbosa, đây là những người đầu tiên viết 2 cuốn từ điển Việt-Bồ-La và Bồ-Việt (viết tay, chưa được xuất bản) để tại nhà thờ San Pauli ở Ma Cao.
Linh mục Alexandre de Rhodes có học tiếng Việt với Francisco de Pina tại Thanh Chiêm và với một người Việt khoảng 13 tuổi. Đến năm 1651, Alexandre de Rhodes đã xuất bản quyển từ điển Việt-Bồ-La, đây là cuốn từ điển tiếng Việt đầu tiên trên thế giới.
Quan điểm mới về nơi hình thành chữ Quốc ngữ 5GS Phan Huy Lê (thứ 3 từ trái sang) và các nhà nghiên cứu, nhà khoa học chủ trì hội thảo
“Những bản dịch các bản văn Kitô giáo đầu tiên ra tiếng Việt có từ năm 1618, và các học giả dựa trên những tài liệu lưu trữ nhận định phần thiết yếu do công của Pina. Việc Linh mục Borri sử dụng một số chữ Quốc ngữ trong tác phẩm Tường trình về khu truyền giáo Đàng Trong và các Linh mục Giram, Roiz, Luis đã sử dụng chữ Quốc ngữ trong các bản báo cáo viết tay của mình, đã chứng minh rằng: ngay từ những năm 1618-1620 đã có một khởi đầu hình thành chữ Quốc ngữ tại Nước Mặn. Do đó, có thể coi Nước Mặn là nơi phôi thai, điểm khởi nguyên chữ Quốc ngữ”, ông Quang nói.
Linh mục Goan Võ Đình Đệ (công tác tại Tòa giám mục Quy Nhơn) cũng khẳng định rằng các thừa sai Dòng Tên ở Nước Mặn (từ giữa năm 1618, lúc thành lập cư sở cho đến đầu năm 1620) là những thừa sai tiên phong chuyên tâm nghiên cứu ngôn ngữ VN. Trong đó linh mục Pina và linh mục Borri là hai thừa sai đầu tiên thông thạo tiếng Việt. Sự hình thành chữ Quốc ngữ còn có sự tham gia và đóng góp của những người VN như: ông Trần Đức Hòa (quan phủ Quy Nhơn), những vị Sãi, người có tên rửa tội là Phê rô, những người buôn bán và bà con nông dân VN ở tại thương cảng Nước Mặn mà các thừa sai được tiếp xúc hằng ngày, những thương nhân Nhật Bản với vai trò thông ngôn...
“Trong tinh thần uống nước nhớ nguồn, chúng tôi mạo muội xin được đề nghị với quý cấp thẩm quyền: Nên chăng, có một ngày Lễ hội chữ Quốc ngữ được tổ chức như một điểm nhấn trong Lễ hội Đô thị Nước Mặn đã được tổ chức vào ngày 30 tháng Giêng và mùng 1, 2 tháng 2 âm lịch hằng năm tại chính nơi nó được sinh ra”, linh mục Goan Võ Đình Đệ nói.
Chiều nay, các đại biểu sẽ tiếp tục trình bày tham luận tại hội thảo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.