Quẳng “cái khuôn” đi mà sống, nên chăng?

14/10/2018 13:04 GMT+7

Ngày 13.10, khu vực giao lưu Đường sách TP.HCM không còn một ghế trống. Đông đảo độc giả đã đến tham dự buổi talk show thú vị với travel blogger Thiết Nguyễn, nhiếp ảnh gia Tâm Bùi, host Phạm Quỳnh Giang và tác giả trẻ Lê Bùi Thảo Nguyên.

Với tên gọi “Quẳng cái khuôn đi mà sống” do thương hiệu sách Sống thực hiện, lấy ý tưởng từ tựa đề cuốn sách “Tôi cần một cái khuôn khác, méo mó cũng được!” của Lê Bùi Thảo Nguyên, người nghe được đồng hành với cuộc hành trình không biết mệt mỏi của cô gái nhỏ nhắn, vốn là một sinh viên trường Y, lúc trưởng thành làm việc trong một bệnh viện phụ sản có uy tín tại TP.HCM đã quyết định buông bỏ tất cả để lựa chọn “lối đi ngay dưới chân mình”.

Buổi giao lưu nhận được sự quan tâm rất đông của độc giả
Cuốn sách “Tôi cần một cái khuôn khác, méo mó cũng được!” là những câu chuyện đan xen nhau, như một cuốn hồi ký chia sẻ những suy nghĩ, trăn trở  của tác giả về ý nghĩa của bản thân đối với cuộc sống. Thảo Nguyên quyết định từ bỏ nghề, cô xách balo băng qua những cung đường chí có một mình, trở thành một con người hoàn toàn khác: cá tính, vững vàng và đôi khi muốn ...nổi loạn khi phát hiện ra rằng: đi, trải nghiệm và viết mới chính là cuộc sống mà cô mong đợi.
“Cái khuôn mọi người đặt ra cho tôi, xem ra ngày càng không vừa vặn nữa. Có lẽ, tôi cần một cái khuôn khác, méo mó cũng được, miễn là được chế tác cho riêng mình”, tác giả Thảo Nguyên khẳng định.
Buông bỏ. Điều đó không hề dễ dàng trước áp lực của cuộc sống hiện nay, như chính Host Phạm Quỳnh Giang (giảng viên tại trường Đh KHXH&NV TP.HCM) chia sẻ: “Mỗi chúng ta đều có thể trở thành một "nạn nhân" trong chính những cái khuôn mà người khác áp đặt. Đó có thể là gia đình, cha mẹ, người thân, bạn bè, thầy cô,... chung quy tất cả đều bắt nguồn với hai từ gọi là "xã hội". Không ai muốn thu mình trong một khuôn khổ, nhưng để bước ra khỏi nó không phải là điều dễ dàng.
Tuy nhiên nhiếp ảnh gia Tâm Bùi lại có một góc nhìn khác: “Tôi nghĩ đôi khi người ta cần những cái khuôn để mình sống tốt và hiệu quả. Cái khuôn không hẳn là xấu nhưng nó có dành cho mình hay không. Nếu mình sống sai khuôn thì sẽ rất khổ.”
Nhiều bạn trẻ băn khoăn “đứng giữa hai làn nước” khi một bên là đam mê, một là “cái khuôn sẵn” nhốt mình phải nằm ở đó. Tác giả 9X Thảo Nguyên ví von sự thay đổi giống như con khỉ chuyền từ cây này qua cây khác, nó nắm lấy một cành cây rồi chỉ buông tay ra khi nó nắm được một cành cây khác. Các bạn trẻ trước khi từ bỏ một điều cũ thì cần biết điểm đến tiếp theo của mình là gì và có sự chuẩn bị.
Và tác giả ký tặng sách mệt nghĩ Ảnh: Quỳnh Trân
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất của những người người trẻ là phải biết theo đuổi ước mơ, Thiết Nguyễn cho rằng: “Tuổi trẻ không có nhiều thứ để mất, hãy có một chút liều lĩnh. Đôi khi sẽ có những giây phút mông lung nhưng đó là một nét đẹp của tuổi trẻ. Ai cũng sống mà chút băn khoăn tuy nhiên đừng để sự băn khoăn đó cản bước đường đi của bạn.”
Tại buổi giao lưu, các bạn trẻ còn trải lòng khá nhiều câu chuyện của bản thân, đôi khi có những giọt nước mắt đã rơi khi nòi về sự hy sinh của bố mẹ. Bác sĩ Lê Minh Khôi –người viết lời tựa cho cuốn sách “Tôi cần một cái khuôn khác, méo mó cũng được” đã có những nhắn nhủ chân thành: “Thiền sư Thích Nhất Hạnh từng có câu rất hay: cái cây nó xanh là cho bản thân nó trước, chính vì nó sống tốt, nó xanh tươi nên nó mới che mát cho người khác được. Mình phải sống cho mình, mình an yên trước. Rồi sau đó mình mới có thể nói chuyện trách nhiệm với người khác.”, đã nhận được rất nhiều sự đồng cảm của độc giả tham dự.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.