Rộn ràng kịch hè thiếu nhi

23/05/2015 07:39 GMT+7

Mỗi khi hè đến, các em thiếu nhi lại nô nức kéo nhau tới rạp. Kịch đã trở thành món ăn quen thuộc. Hè này, có đến 3 sân khấu tại TP.HCM cung cấp tác phẩm cho các em lựa chọn.

Mỗi khi hè đến, các em thiếu nhi lại nô nức kéo nhau tới rạp. Kịch đã trở thành món ăn quen thuộc. Hè này, có đến 3 sân khấu tại TP.HCM cung cấp tác phẩm cho các em lựa chọn.

Nhã Uyên vai Lọ Lem, Lương Duyên vai bà tiên trong vở Lọ Lem và Hoàng tử - Ảnh: H.K
Nhã Uyên vai Lọ Lem, Lương Duyên vai bà tiên trong vở Lọ Lem và Hoàng tử - Ảnh: H.K
Ba nàng nhà Lọ Lem mang vừa giày
Sân khấu kịch Idecaf vẫn là một địa chỉ quen thuộc, đến mức còn hơn nửa tháng mới diễn mà khán giả đã đặt hết vé tốt. Ai đặt sau đành mua vé xa hơn hoặc trên lầu. Vở Nàng công chúa đi lạc quả thật hoành tráng với cảnh trí ngập tràn màu sắc tại sân khấu lớn của Nhà hát Bến Thành.
Áp lực của chúng tôi là tìm đâu ra kịch bản hay. Vì phụ huynh dẫn con đi xem, nên phải thỏa mãn cả cho họ. Mà hai thế hệ cách xa nhau đến vậy, kéo lại gần quả thực gian nan
Giám đốc Sân khấu kịch Idecaf Huỳnh Anh Tuấn
Đặc biệt là hơn 100 bộ trang phục được may bằng vải nỉ đẹp, hoa văn đầy sáng tạo. Vở diễn của Sân khấu kịch Idecaf thường xuất hiện những bộ quần áo và mũ mão mới lạ như thế, làm khán giả thú vị. Nội dung là nàng công chúa đã trải qua các thân phận khác nhau, trong đó có một đoạn nàng trở thành cô Lọ Lem. Cuối cùng, nàng nhận ra một điều: bị kẻ ác hành hạ chẳng sướng tí nào, nhưng chính mình làm kẻ ác thì mình cũng không hề sung sướng.
Tình cờ làm sao, Sân khấu Hoàng Thái Thanh năm nay cũng dựng Lọ Lem và Hoàng tử. Nhưng Lọ Lem ở đây đã có thêm một tứ mới rất hay ở đoạn kết. Trong cổ tích, hoàng tử thử giày cho Lọ Lem xong là “hết tuồng”. Còn bây giờ, tác giả kiêm đạo diễn Tấn Phát đã thêm vào một sự cố khiến cả ba chị em nhà Lọ Lem đều mang vừa giày. Thế thì làm sao biết được ai là Lọ Lem khi cả 3 đều bị nhà vua bắt che mặt. Chỉ có trái tim mách bảo để Hoàng tử chọn đúng người yêu của mình. Thế là chàng đã nghĩ ra một phép thử, và chỉ có Lọ Lem với tấm lòng nhân ái mới vượt qua được. Tính giáo dục của vở này rất đậm, thể hiện trong nhiều chi tiết như không được giết hại muông thú, giúp người lỡ đường khi họ đang đói khát...
Nhà hát Thế Giới Trẻ diễn lại vở Tên trộm thành Bát Đa của năm ngoái. Vở cực kỳ vui, khán giả cười lăn lộn với “nữ quái” Thu Trang. Nhưng dĩ nhiên phải tử tế, chứ không dám diễn ẩu, diễn cương. Ông “bầu” Ngọc Hùng nói: “Làm bậy, cha mẹ các em chửi tụi tôi rồi khỏi bán vé luôn à! Làm cho con nít là phải cẩn thận vậy đó”.
Dựng kịch thiếu nhi cho cả người lớn xem
Thực sự, dựng kịch thiếu nhi là một cuộc phiêu lưu, chưa biết lời lỗ thế nào bởi đầu tư quá lớn. Giám đốc Sân khấu kịch Idecaf Huỳnh Anh Tuấn nói: “Chỉ riêng trang phục thôi đã hơn 100 triệu đồng. Và mỗi ca khúc đặt nhạc sĩ viết giá 5 triệu. Tính cả vở thì 300 - 400 triệu đồng, gấp mấy lần vở cho người lớn. Mà hầu như chỉ diễn trong dịp hè thôi, xong hè là hết bán vé. Vì vậy làm xong cũng hồi hộp lắm. Nhưng trời thương, năm nào cũng thắng. Có khi tôi nói đùa: “Lấy thiếu nhi nuôi người lớn”, là vì có khi vở cho người lớn lại bị lỗ, lấy tiền lãi kịch thiếu nhi bù qua”.
NSƯT Thành Lộc vai phù thủy, Mỹ Duyên vai công chúa trong vở Nàng công chúa đi lạc - Ảnh: H.K
NSƯT Thành Lộc vai phù thủy, Mỹ Duyên vai công chúa trong vở Nàng công chúa đi lạc - Ảnh: H.K
Sân khấu Hoàng Thái Thanh thì không may như vậy. Ba vở trước Nữ hoàng ngang ngược, Chú kiến lạc loài, Ngàn lẻ hai đêm tuy rất dễ thương song đều huề vốn, có khi bù lỗ chút ít, nhưng vì đã hợp đồng với Nhà thiếu nhi TP.HCM là mỗi năm phải dựng 1 vở kịch thiếu nhi nên nghệ sĩ Ái Như tuân thủ hợp đồng. Tuy nhiên Ái Như nói: “Tôi cũng thích làm kịch cho các em chứ, kệ, lỗ thì lỗ. Năm nay về Nhà thiếu nhi Q.10 không có hợp đồng ràng buộc gì hết, nhưng tôi và anh Thành Hội vẫn dựng vở Lọ Lem và Hoàng tử. Bởi mình thấy nhà thiếu nhi mà không có kịch thiếu nhi thì kỳ quá. Cứ làm cho hết tấm lòng, mọi chuyện tính sau”.
Ông “bầu” Ngọc Hùng lại tiết lộ một chuyện… tức cười: “Năm ngoái diễn kịch thiếu nhi mà toàn người lớn mua vé! Mỗi tuần tôi xếp lịch mấy đêm luôn, thấy sao hổng có con nít, mà thanh niên và người trung niên ngồi đầy rạp. Năm nay rút kinh nghiệm, xin nhà hát cho diễn thêm suất sáng, 9 giờ chủ nhật hằng tuần, vậy mới có con nít đi xem. Nghĩ cũng vui, người lớn coi kịch của con nít mà cười và vỗ tay rần rần”.
Chuyện lo nhất của các đơn vị bây giờ là thiếu kịch bản. Viết cho thiếu nhi đâu có dễ. Nhưng viết cho thiếu nhi mà người lớn cũng phải xem được, mới khó chứ. Ông Huỳnh Anh Tuấn cho rằng: “Áp lực của chúng tôi là tìm đâu ra kịch bản hay. Vì phụ huynh dẫn con đi xem, nên phải thỏa mãn cả cho họ. Mà hai thế hệ cách xa nhau đến vậy, kéo lại gần quả thực gian nan”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.