Sách giáo khoa 100 năm trước

19/11/2017 08:01 GMT+7

Theo sách Việt Nam những sự kiện lịch sử 1858 - 1918, sau khi chiếm nước ta, ngày 21.9.1861 tại Nam kỳ, Phó thủy sư đô đốc Charner lập Trường Thông ngôn (Collège des Interprètes).

Thời gian này, người Pháp còn ra nghị định thành lập một số trường tiểu học ở các tỉnh để dạy chữ Quốc ngữ và toán.
Trong sách Gò Công cảnh cũ người xưa (xuất bản năm 1969 tại miền Nam), cụ Việt Cúc cho biết từ thập niên 1870, nhà cầm quyền ra lệnh cho các thầy dạy chữ Nho phải đi học thêm chữ Quốc ngữ và chữ Tây. Họ phải vứt bút lông, thay vào đó là bút sắt và uốn lưỡi đánh vần: a, b, c, d, đ… a sắc á, ơ sắc ớ... Tất nhiên, bấy giờ việc biên soạn sách giáo khoa (SGK) chưa để thống nhất chương trình giảng dạy, các thầy giáo làng tự soạn để dạy học trò.
Những người tiên phong soạn SGK
Sách Giáo dục Việt Nam thời cận đại của Phan Trọng Báu (NXB Giáo dục - 2006) trang 73 ghi: “Cho đến những năm 1880, Trương Vĩnh Ký và một số người Pháp của Cơ quan Học chánh Nam kỳ đã biên soạn được một số SGK để dạy trong các trường tiểu học”. Những bài học trong SGK của ông Trương Vĩnh Ký nhìn chung tập trung giáo dục con trẻ về đạo lý làm người, nhớ ơn cha mẹ, biết ơn thầy cô, làm việc thiện, sống phải có ích... Chẳng hạn, bài Khuyến học: “Ngon là mật mỡ tốt vàng son/Vì học mà nên ớ các con/Kinh sử kệ ca là của tốt/Văn chương chữ nghĩa ấy mùi ngon/Cơm cha áo mẹ sâu tày biển/Nợ nước nợ nhà tợ nước non/Hai chữ công danh tua gắng chí/Tôi ngay con thảo nước nhà còn”.
Bên cạnh đó còn có các ông Trương Minh Ký, Trần Phong Sắc, Huỳnh Tịnh Của... Riêng nhà giáo Trần Phong Sắc đã soạn quyển Ấu viên tất độc (1924) dành dạy cho các học trò nữ: “Các trò nữ, đừng nhượng chí trai, vì trai gái cũng vậy, bền chí dày công thời hơn, việc chi người làm đặng, thời mình phải đặng”, trong sách có chữ Hán, kèm theo phiên âm và dịch nghĩa.
Đặc biệt có một số nhà giáo khác đã soạn và in ấn SGK theo kỹ thuật hiện đại. Xin giới thiệu Morale pratique à l’usage des Élèves des Écoles de l’Indochine (Luân lý thực hành dùng (dạy) cho học trò các trường ở Đông Dương). Phía trên có ghi dòng chữ tiếng Hán Phong hóa thực hành, khổ 15 x 24 cm, ấn hành năm 1914 do ông J.C.Boscq - giáo sư ngôn ngữ phương Đông - biên soạn với sự cộng tác của ông Nguyễn Văn Tâm - giáo sư Trường Trung học Mỹ Tho. Sách gồm 108 bài tập đọc, cuối mỗi bài đều có câu kết luận: “Sách có câu rằng” hoặc: “Tục thường nói rằng” với một câu chữ Hán có phiên âm, dịch nghĩa; kết thúc mỗi bài học là phần “Bài tập đối đáp”.
SGK Ấu học bị thể, ngoài bìa ghi: “Các sách học mới để các trường ở Đông Dương dùng - Henri le Bris, Đốc học trường Pháp - Việt Thừa Thiên soạn. Sửa lại theo tiếng Nam kỳ đặng thông dụng trong các trường làng và trường tổng”. Sách khổ 13 x 21,5 cm, 136 trang, do Imprimerie Commerciale, C.Ardin et Files in năm 1916 tại Sài Gòn, gồm 160 bài học, chia làm 8 phần: Thân thể, vệ sinh; Loài vật; Cây cối; Đất, đá, kim loại; Trời, đất, địa cầu; Xứ Nam kỳ và các xứ lân cận đại Pháp; Xứ Nam kỳ, dân số, sử ký; Nói về cách chánh trị trong Nam kỳ. Ở cuối mỗi bài viết dễ hiểu, ngắn gọn đều có câu hỏi dành cho học trò; những bài địa lý đều có in bản đồ.
SGK Morale et lecons de choses a l’usage des élèves des écoles de l’ Indochine (Luân lý và bài học cách trí dùng (dạy) cho học trò các trường ở Đông Dương) của J.c.Boscq, do Imprimerie de l’Union tại số 157 đường Catinat, Sài Gòn in năm 1919, dày 51 trang dạy bổn phận làm con; thú vật nuôi trong nhà, trái đất, thân thể người, đồng hồ, biển... Văn phong ngắn gọn dễ hiểu và có tranh minh họa đẹp mắt, lấy từ SGK của Pháp.
Nhà nho Nguyễn An Khương, thân sinh nhà cách mạng Nguyễn An Ninh, cũng biên soạn SGK Mông học thê giai, ngoài bìa sách ghi “Cours de morale et lecons de choses à l’usage des écoles et des familles Annamites” (Những bài giảng đạo đức và những bài học thường thức dùng trong nhà trường và gia đình người An Nam), do Phát Toàn, Libraire - Imprimeur, 55 - 57 - 59 đường Ormay, Sài Gòn in tháng 10.1910.
Học cả kỹ nghệ thực hành
Không chỉ học về đạo lý, học trò còn được tiếp thu môn học rất mới từ nền giáo dục Pháp: toán và kỹ nghệ thực hành. Chẳng hạn, SGK Thiệt hành điển học của Alexis Lân, Ingénieur Electricien biên soạn, Imprimerie F.H Schneider in năm 1917 tại Sài Gòn ghi: “Sách dạy những điều cần kíp cho những thợ An Nam làm các máy điển khí và những học trò các trường bá nghệ”. Sách in hai thứ tiếng Pháp - Việt, dạy tương đối đầy đủ về điện mà học trò cần phải biết. Do chưa có vốn từ nên hầu hết các thuật ngữ đều dùng tiếng Pháp.
Dù chữ Quốc ngữ “thắng thế” nhưng nhu cầu học chữ Nhu (Nho) vẫn còn. Dấu vết ấy còn ghi dấu trong ca dao miền Nam: “Đèn Sài Gòn ngọn xanh ngọn đỏ/Đèn Mỹ Tho ngọn tỏ, ngọn lu/Anh về học lấy chữ Nhu/Chín trăng em cũng đợi, mười thu em cũng chờ”. Theo Quy chế chung về ngành giáo dục ở Đông Dương do Toàn quyền Đông Dương Albert Sarraut ký ngày 21.12.1917, chữ Nho không phải là môn học bắt buộc, trường nào muốn dạy thì phải có sự thỏa thuận của phụ huynh học sinh, hội đồng kỳ mục xã và hiệu trưởng. Thầy đồ mỗi tuần chỉ được dạy một tiếng rưỡi đồng hồ, được ấn định vào sáng thứ năm.
Ngày 14.6.1919 triều Nguyễn ra chỉ dụ tuyên bố bãi bỏ hoàn toàn các trường chữ Nho và thay thế vào đó bằng hệ thống giáo dục Pháp - Việt, công cuộc “cải cách” của thực dân Pháp lúc ấy mới thật sự hoàn thành sứ mệnh - tất nhiên chỉ trên mặt công văn, pháp lý.
SGK tại Sài Gòn đặt nền móng cho Quốc văn giáo khoa thư
hoảng thập niên 1920, Nha học chính Đông Pháp giao các nhà giáo Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Ngọc, Đặng Đình Phúc, Đỗ Thận biên soạn bộ Quốc văn giáo khoa thư, dành cho các lớp sơ đẳng, dự bị, đồng ấu; nhà giáo Nguyễn Hiệt Chi, Lê Thước soạn Hán văn tân giáo khoa thư, dành cho các lớp đồng ấu, trung đẳng và cao đẳng để chính thức sử dụng tại các trường học VN trong suốt các năm thuộc nửa đầu thế kỷ 20. Về SGK, sự kiện này được ghi nhận: “Đến đây đã hoàn chỉnh và đem vào giảng dạy thống nhất trong toàn quốc” (Giáo dục Việt Nam thời cận đại - Phan Trọng Báu - NXB Giáo dục - 2006, tr.166).
Khi biên soạn, các nhà giáo trên cũng biên soạn theo hướng các bộ SGK đã phổ biến ở Nam kỳ. Nghĩa là bài tập đọc dành cho học sinh được viết ngắn gọn, dễ hiểu, những mẩu chuyện trong sách thỉnh thoảng nhân vật có đối đáp qua lại để nêu rõ ý nghĩa giáo dục. Và không thể phủ nhận rằng những mẩu chuyện như thế đã ảnh hưởng sâu sắc đến nhiều thế hệ học sinh. Nhiều người đến nay đầu đã bạc mà vẫn còn nhớ những bài học trong Quốc văn giáo khoa thư là một minh chứng. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.