Sách thiếu nhi: Siêu nhân đấu với văn nhân

02/06/2010 10:13 GMT+7

(TNTT>) Một thời nói đến sách viết cho thiếu nhi không thể không nhắc đến tên tuổi các nhà văn Tô Hoài, Hà n, Võ Quảng, Trần Hoài Dương… Gần đây, những cái tên ấy gần như không còn được biết đến nữa. Vì sao?

Thời vang bóng đã xa

Ông Dương, chủ một tiệm sửa xe trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, Q.Bình Thạnh vừa vá lốp xe cho tôi vừa hứng chuyện khi được "điểm" đúng chỗ ngứa: “Bây giờ bọn trẻ đọc gì tôi không hiểu được! Cứ siêu nhân, mèo máy! Tôi thấy quá là xa lạ! Hay mình bị tụt hậu quá rồi? Dù gì thì gì như văn nhân vẫn cần hơn siêu nhân…”. Ông lục trong cái hòm toàn đồ sửa xe đưa cho tôi xem một cuốn Đội thiếu niên du kích Đình Bảng của nhà văn Xuân Sách: “Tôi phải đi tìm mãi mới được ở tiệm sách cũ. Chẳng tôi là gốc dân làng Đình Bảng. Hồi bé tôi đọc cuốn này mê tít thò lò. Sao ông nhà văn tài thế! Vậy mà bây giờ chẳng ai đọc nữa. Tôi đưa cho con cháu nội nó cứ trợn mắt lên…”. Rồi ông quay sang tôi, buồn rầu: “Chú là nhà báo chắc biết ông nhà văn này chứ?”.

Xuân Sách thì tôi đâu có lạ gì! Một loạt sách Kim Đồng của ông từng gối đầu nhiều thế hệ. Từ Phía núi bên kia, Làng rừng Cà Mau. Nếu nói về thể loại sách "thiếu nhi chống Pháp" này còn phải kể đến nhà văn Võ Quảng với bộ “Quê nội”, “Tảng sáng” hay cực! Chưa có tác giả nào viết cho thiếu nhi có thể vượt qua Võ Quảng với bối cảnh quê hương Quảng Nam, có thể nhận định như vậy! Trong bộ truyện dài này Võ Quảng đã xây dựng thành công nhân vật thằng Cù Lao và làng quê sôi sục không khí kháng chiến chống Pháp.

Cùng tuyến viết về "dư địa chí" tuổi thơ như Võ Quảng chính là nhà văn Đoàn Giỏi với tiểu thuyết Làng rừng Cà Mau. Khởi điểm cuốn sách này ông viết đặt hàng cho nhà xuất bản Kim Đồng. Trong Hỏi chuyện các nhà văn do Nguyễn Công Hoan ghi lại, Đoàn Giỏi cho biết lúc đầu ông viết dài hơn 500 trang. Xuất phát từ những mẩu chuyện về sông nước và con người miền Tây Nam bộ mà ông đã viết rải rác trên các báo, lúc bấy giờ bạn đọc miền Bắc rất yêu thích nên nhà xuất bản muốn ông sâu chuỗi lại thành một hệ thống. Và Đoàn Giỏi đã chứng tỏ tài năng văn chương xuất chúng của mình. Các nhân vật trong sách từ chú bé An, Võ Tòng, vợ chồng người cha nuôi… mỗi thân phận một tính cách được nhà văn khắc họa tài tình làm các em khi đọc cũng run lên hồi hộp và như cảm nhận được sự quẫy cựa của từng trang văn... 

Yêu lịch sử như trẻ thơ

Về đề tài lịch sử không thể không nhắc đến tên tuổi nhà văn Hà n với bộ "tứ thiên" Bên bờ Thiên Mạc, Trăng nước Chương Dương, Trên sông truyền hịch, Người Thăng Long. Trong một dịp đến thăm ông tại nhà riêng ở Hà Nội với nhà văn Lưu Sơn Minh, ông tâm tình trao đổi với người viết bài "bí kíp" viết truyện lịch sử cho trẻ thơ. Theo ông, để có thể thành công trong địa hạt khó khăn này phải là tình yêu. Yêu trẻ con và yêu đề tài mà mình viết. Ông nói  những câu chuyện huyền tích, thần thoại hay lịch sử đều "quá già" so với thiếu nhi, cách nắm bắt của một đứa trẻ. Trong khi đó những mẩu chuyện có thể xem là phù hợp với lứa tuổi các em như Trần Quốc Toản giận mình không được tham gia bàn việc nước vì tuổi nhỏ đã bóp nát quả cam thì "ào ào" người viết đã khai thác cạn kiệt. “Vì thế nếu không có tình yêu trẻ thơ thì không thể chuyển hóa  nhuần nhuyễn một vấn đề lịch sử thành đề tài của các em…”. Nhà văn Hà n cũng cảnh báo không được hư cấu sai lịch sử. “Tâm hồn các em rất trong sáng. Khắc những câu chuyện vào tuổi thơ cũng là những bài học vỡ lòng về tình yêu đất nước, niềm tự hào dân tộc. Vì thế sai lệch là rất nguy hiểm…”.

Cuộc đời của nhà văn Hà n là một thước đo mẫu mực cho những gì ông tương tác và sáng tạo. Theo nhiều nhà phê bình văn học, Hà n dành trọn cuộc đời để nghiên cứu về thời nhà Trần và thành Thăng Long Hà Nội. Ngay trong bút hiệu ông đã hướng đến sự tri ân với lịch sử và Hà Nội. Nhà văn trẻ Lưu Sơn Minh, được xem là "chân truyền" của ông nói: "bộ sách bốn cuốn sách của ông là niềm tự hào cho người viết truyện lịch sử". Để được các em yêu quý nhà văn phải dành trọn cuộc đời với thế giới trẻ thơ. Nhiều nhà văn khác cũng thành công trong đề tài này phải kể đến Nghiêm Đa Văn với Sừng rượu thề, Sóng lửa trên sông Nhật Tảo...

Trí tưởng tượng của trẻ em

Bàn về đề tài truyện đồng thoại  khó ai qua mặt được Dế mèn phiêu lưu ký của Tô Hoài. Với Trần Hoài Dương những  Cây lá đỏ, Những ngôi sao trong mưa, Miền xanh thẳm... văn đẹp và chau chuốt như thơ. Các em yêu thích vì tò mò, khêu gợi trí tưởng tượng cao. Vậy tại sao thế hệ trẻ hôm nay không còn mấy em tìm đọc những tác phẩm đó? Liệu có phải văn chương viết cho thiếu nhi đã chuyển thời kỳ? Các em đang cần một thế giới khác gần hơn? Liệu "siêu nhân" đang lấn át "Văn nhân"?  Câu trả lời còn nan giải...

Những cuốn sách biến mất


Nhà văn Võ Quảng, bậc thầy viết cho thiếu nhi

Tôi nhớ không quên tuổi thơ với những trang sách đã đọc. Nó đã đổ bóng xuống tâm hồn. Một cái cây tình yêu đâm chồi, nảy lộc tươi tốt từ bộ rễ vô hình lan tỏa qua những trang văn. Dường như những gì đã đọc ngày thơ lại bền bỉ và đồng hành với mình suốt quãng đường còn lại. Đôi khi cuộc đời hiu quạnh ở một góc khuất nào đó điều tươi đẹp nhất ký ức non nẻo giữ lại thành ánh lửa ấm áp tiếp tục cuộc hành trình.

Võ Quảng là một nhà văn tôi thích nhất tuổi thơ. Không phải vì ông là nhà văn Quảng Nam mà ông là người viết cho thiếu nhi hay nhất, "biết nói chuyện" nhất khi giới thiệu thiên nhiên, tính cách Quảng Nam với các em. Bộ truyện dài "Quê nội", "Tảng sáng" khi được chuyển ngữ nhiều thứ tiếng đã xếp ông là một trong số ít nhà văn VN được thế giới công nhận "đẳng cấp" khi viết về tuổi mới lớn. Bộ sách này hay đến nỗi bây giờ thi thoảng tôi đọc lại, vẫn bật cười ở những chỗ hơn hai mươi năm trước mình đã cười. Bởi sự duyên dáng, quan sát tinh tế, bút pháp điêu luyện của người viết. Nhưng trên hết, theo tôi vẫn là sự nhạy cảm. Nắm bắt vấn đề và giải quyết những "nút thắt" tâm lý.

Bởi hơn ai hết Võ Quảng còn là một nhà thơ. Những câu thơ các em thuộc lòng "Cốc cốc cốc / Ai gọi đó / Tôi là thỏ / Nếu là thỏ / Cho xem tai" hay "Ai dậy sớm / Chạy lên đồng / Cả hừng đông / Đang chờ đón" chính là thơ ông. Thì ra Võ Quảng đã vận hành những cuốn sách thiếu nhi bằng tình yêu và tất cả các giác quan của một nhà thơ. Một thế giới tươi mới vừa hình thành cũng như một quả đất già cỗi mới biến mất qua ngôn ngữ. Không có một giới hạn nào trong sức tưởng tượng của các em. Chỉ có một nhà thơ bằng trực giác mới luôn nhìn thấy hay đón đầu sự chuyển động đó. Và như thế trong trang viết ông tuổi thơ tự tìm thấy chính mình. Mãi mãi không bao giờ cũ. Tại sao nhiều em nhỏ hôm nay ít đọc, hay tiếp cận những tuyệt tác đó? Tôi nghĩ, lỗi thuộc về người lớn. Chúng ta quá ít thời giờ để chia sẻ, giới thiệu, kể chuyện với các em. Chúng ta góp phần làm những cuốn sách hay biến mất...

Nguyễn Hữu Hồng Minh

Cảnh Hưng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.