Sài Gòn năm ấy - Kỳ 5: Hủ tiếu chú Quẩy

30/05/2014 03:00 GMT+7

Lâu lâu được ăn tiệm nước một lần, món gì thằng Minh cũng muốn ăn hết nhưng cái bụng nó chứa không nổi. Nó suy nghĩ lung lắm để chọn món cho xứng đáng đồng tiền bát gạo.

 
Một xe mì của người Hoa ở Sài Gòn xưa - Ảnh: T.L

…Khi nhìn thấy anh chiếu bóng thùng lạ hoắc đang thế chỗ chú Hai Ngon, thằng Minh đứng chết lặng. Hèn gì cách đây tuần trước, sau khi vãn khách xem phim, chú Hai Ngon hỏi nó:

- Ê, đi tiệm nước làm cái xây chừng (1) hông mậy? Hôm trước tao có hứa là bao mầy ăn hủ tiếu. Chú Quẩy được không mậy?

- Tiệm đó ngon tổ sư bồ đề đó chú.

Chú Hai Ngon chở thằng Minh đến tiệm nước chú Quẩy bằng cách để nó ngồi lên bình xăng phía trước.

Tiệm nước của chú Quẩy thường mở cửa từ 5 giờ sáng nhưng bây giờ đã hơn 9 giờ mà tiệm vẫn còn đông khách ngồi “dẩm chà” (2), uống cà phê, ăn hủ tiếu. Quán nằm ở ngã tư, nhìn sang khu hành chánh quận 6, một bên nhìn sang nhà thờ Tin Lành của người Hoa, dưới chân dốc cầu Chợ Lớn (3), thuộc khu thị tứ, lại ngon nên lúc nào cũng đông khách. Quán có chừng 10 cái bàn tròn. Giữa bàn là một bình trà với mấy cái ly nhỏ nằm úp trên đĩa để cho thực khách có thể thoải mái uống trà trong khi chờ đợi món ăn. Án ngữ phía trước quán là một quày nấu hủ tiếu, mì đang bốc hơi nghi ngút.

Chú Quẩy là chủ quán, kiêm luôn việc đứng nấu hủ tiếu, mì. Nghe người ta nói chú Quẩy chỉ là người tiếp tục công việc bán quán của người cha để lại. Khi ba của chú từ Quảng Đông sang đã mở một cái quán nhỏ tại đây - một khu vực hoang vắng, ít người qua lại. Dù cho thời gian trôi qua, mặc cho khu phố này ngày càng phát triển, sầm uất, nhiều nhà lầu mọc lên thì cái tiệm nước Hải Ký mì gia cũng y như vậy. Nhiều người là thân chủ ruột của chú Quẩy cho biết chú đã có mấy căn nhà cho thuê bên Chợ Lớn nhưng chú nhất quyết không bỏ tiệm nước này và cũng không thèm xây dựng cho nó thật to và bề thế như những tiệm nước khác. Dù trải qua bao nhiêu năm tháng cái quán này vẫn vậy về hình thức cũng như hương vị đặc biệt của nó cũng không thay đổi, chỉ có tấm bảng hiệu ngày càng mờ đi vì bụi bặm, khói bám nhện giăng.

Trên bức tường nham nhở vết vôi cũ hòa với nước mưa là những dòng chữ Hoa, có những con số đi theo bên cạnh. Có những dòng chữ đã được gạch, xóa. Có những dòng chữ còn tươi màu phấn trắng. Đó là danh sách những con nợ là khách “dẩm chà” quen thuộc. Có người nợ vì mậu lúi - không tiền. Cũng có người nợ vì làm biếng trả hằng ngày, cứ ghi nợ lên tường, cuối tháng trả một lần cho tiện. Ai nợ, trả tiền xong là chú Quẩy gạch ra khỏi bảng “phong thần nợ”, còn ai chưa trả thì chú cứ để đó. Viết cái tên,với số tiền nợ lên tường, để nhìn, để nhớ, để biết rằng mình từng có những người khách mắc nợ của quán chứ chú không có đòi. Thỉnh thoảng, có những người khách đi làm ăn xa, biệt tăm, biệt tích vài năm, quay trở lại và câu nói đầu tiên là “Phảnh-mìn, ca-phé, ngọ còn nợ nị bao nhiêu, hôm nay dậu lúi - có tiền rồi, trả đủ”. Chú chỉ cười khà khà: “Hảo lớ, thầy Hai… có bao nhiêu, từ từ tính. Gia đình ngọ sống lược cũng nhờ mấy nàm dành như thầy Hai chớ. Hồi ló, ba của ngọ từ Quảng Lông qua, bán cái xe mì, nghèo thiệt là nghèo nhờ nàm dành sực mìn mới dậu lúi - có xìn Ùm Cối xay - cám ơn nhiều… nhiều há”.

Vợ chồng chú thì ngày càng già đi nhưng chú vẫn đứng nấu bếp, vợ chú bán cà phê y như ngày còn son trẻ. Đứa con gái thì phụ việc bếp núc và rửa chén. Còn thằng con trai thì chú Quẩy đang truyền nghề lại bằng cách bắt làm “phổ ky” (4).

Chú Hai Ngon chọn cái bàn còn lại ở trong góc. Trong quán, đa số thực khách là người Hoa đang nói chuyện xí xô xí xào bằng tiếng phổ thông, Quảng Đông, tiếng Tiều, tiếng Hẹ. Họ ăn mặc khá thoải mái. Có người thì mặc cái áo thun ba lỗ đã ngả màu cháo lòng, lòi cả lông nách ra ngoài. Có người thì mặc cái quần tà lỏn, vắt cái khăn lên cần cổ, ngồi gác cả chân lên ghế. Họ ăn, họ húp cà phê xì xụp, họ nói văng nước miếng, ồn ào như thể trong tiệm nước này không có ai. Chú Hai Ngon và thằng Minh cũng xử sự như họ. Vừa ngồi xuống ghế đẩu, chú lớn tiếng gọi:

- Phổ ky.

- Có ngay… có ngay…

Thằng con trai chú Quẩy, vai cũng vắt khăn lông, tay bưng một mâm nhỏ, trên đó có đựng mấy chén xíu mại, bánh bao. Anh ta đặt mấy chén xíu mại, đĩa bánh bao xuống bàn rồi hỏi bằng cái giọng tiếng Việt lơ lớ:

- Xì thẩu (5) ăn cái gì?

- Cho ngọ (6) một tô hủ tíu mì, một cái xây nại (7). Còn mầy ăn cái gì mậy, nhỏ?

Thằng Minh gãi đầu suy nghĩ. Lâu lâu được ăn tiệm nước một lần, món gì nó cũng muốn ăn hết nhưng cái bụng nó chứa không nổi. Nó suy nghĩ lung lắm để chọn món cho xứng đáng đồng tiền bát gạo:

- Cho ngọ cũng vậy luôn. Nhưng ngọ uống cà phê đá.

Lê Văn Nghĩa

(1) Ly cà phê nhỏ (TN)
(2) Uống trà
(3) Cầu Bình Tây bắc từ đường Phạm Văn Chí sang Phạm Đình Hổ. Nay đã giải tỏa
(4) Phục vụ
(5) Ông chủ
(6) Tôi
(7) Cà phê sữa 

>> Sài Gòn năm ấy - Kỳ 4: Xem phim cô-son
>> Sài Gòn năm ấy - Kỳ 3: Ông Trần Bình Trọng trong phim Tây
>> Sài Gòn năm ấy - Kỳ 2: Phim câm có tiếng
>> Sài Gòn năm ấy: Chiếu bóng thùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.